VNReport»Kinh tế»Bất động sản»Thu thuế nhà đất cao kỷ lục

Thu thuế nhà đất cao kỷ lục

12:11 - 16/01/2023

Các khoản thu thuế liên quan đến nhà, đất năm 2022 vượt dự toán hơn 50%, theo Tổng cục Thuế.

Các khoản thu thuế liên quan đến nhà, đất năm 2022 tăng mạnh và đạt mức cao nhất từ trước đến này, theo dữ liệu do Tổng cục Thuế công bố.

Theo dự toán thuế năm 2022, tổng số thu thuế về nhà, đất (gồm thuế sử dụng đất nông nghiệp, phi nông nghiệp; tiền thuê đất, thuê mặt nước; tiền sử dụng đất; tiền cho thuê, bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước) là 162.610 tỷ đồng. Tuy nhiên, với tiền thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp vượt 74% dự toán, thu từ cho thuế đất, mặt nước vượt 65% và thu tiền sử dụng đất vượt 54%, số thu thuế chỉ tính riêng 3 khoản này đã đạt 251.954 tỷ đồng.

So với doanh thu năm 2021, số thu thuế liên quan đến nhà, đất năm ngoái tăng 47% và là mức cao nhất từ trước đến nay.

Thu thuế liên quan đến nhà, đất năm 2022 tăng 47% so với năm 2021.

Thu thuế liên quan đến nhà, đất năm 2022 tăng 47% so với năm 2021.

Không chỉ thu thuế liên quan đến đến nhà đất, tổng thu ngân sách do ngành Thuế quản lý cũng vượt dự toán và tăng mạnh so với năm 2021. Theo Tổng cục thuế, tổng thu ngân sách từ thuế đạt 1,515 triệu tỷ đồng, cao hơn dự toán 29% và mức thu năm 2021 13%.

Trong đó, thu từ dầu thô đạt 78.030 tỷ đồng, vượt 177% dự toán và tăng 175% so với cùng kỳ năm 2021. Thu nội địa cả năm ước đạt 1.437 tỷ đồng, vượt 25% dự toán pháp lệnh và tăng gần 11% so với năm trước.

Theo cơ quan thuế, so với dự toán Quốc hội giao, 18/19 khoản thu thuế năm qua đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu.

Trong đó, một số khoản thu lớn bao gồm từ doanh nghiệp nhà nước vượt 14% dự toán, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vượt 18%, thu xổ số vượt 18%, công nghiệp, thương mại và dịch vụ ngoài quốc doanh vượt 22%, thuế thu nhập cá nhân vượt 39%, thu lệ phí trước bạ vượt 44% …

Năm 2023, dự toán thu ngân sách Nhà nước được Quốc hội, Chính phủ giao cho cơ quan thuế là khoảng 1,373 triệu tỷ đồng. Trong đó, thu từ dầu thô là 42 nghìn tỷ đồng và thu nội địa là 1,331 triệu tỷ đồng.

Theo Tổng cục Thuế, trong bối cảnh nguồn thu trong nước biến động, dòng tiền tạm thời nhàn rỗi trong thời kỳ kinh tế trì trệ do dịch Covid-19 đã tìm đến đầu tư vào bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, mang lại nguồn thu ngay cho ngân sách trong giai đoạn cuối năm 2021 – đầu năm 2022.

Đến nay, gói chính sách tiền tệ và các giải pháp lành mạnh hóa thị trường của Ngân hàng Nhà nước được dự báo sẽ hướng dòng tiền vào các kênh đầu tư thực chất, tạo giá trị gia tăng cho xã hội. Nhưng sự chuyển dịch này cần thêm thời gian quay vòng để tạo ra lợi nhuận và nguồn thu cho ngân sách.

Ngoài ra, các chính sách miễn, giảm thuế ban hành trong năm 2022 vẫn ảnh hưởng đến nguồn thu năm 2023 (như giảm thuế bảo vệ môi trường, giảm thuế giá trị gia tăng một số hàng hóa, dịch vụ). Hiện nay, Chính phủ đang nghiên cứu trình Quốc hội một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô …

Theo cơ quan thuế, các chính sách này có thể làm giảm số thu nội địa năm 2023 so với dự toán, tạo áp lực trong thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách năm 2023 của ngành.