VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Thủ tướng Anh từ chức do áp lực từ các vụ bê bối

Thủ tướng Anh từ chức do áp lực từ các vụ bê bối

16:43 - 07/07/2022

Ông Boris Johnson từ chức Thủ tướng Anh trước áp lực từ các thành viên trong đảng và nội các của ông sau một chuỗi các vụ bê bối, bao gồm việc tham gia một bữa tiệc trong thời kỳ phong tỏa Covid-19.

Các quan chức Anh cho biết ông Boris Johnson quyết định từ chức thủ tướng Anh, sau một cuộc nổi loạn trong đảng và nội các của ông. Những người này nói rằng ông Johnson sẽ tiếp tục tại vị cho đến khi tìm được người thay thế ông. Quá trình đó có thể mất vài tháng. Động thái này kết thúc nhiệm kỳ nhiều trắc trở của một nhà lãnh đạo từng có tham vọng thống trị chính trường Anh trong nhiều năm.

Thủ tướng Anh Boris Johnson quyết định từ chức sau khi hàng loạt các thành viên trong chính phủ từ chức để gây áp lực lên ông.

Thủ tướng Anh Boris Johnson quyết định từ chức sau khi hàng loạt các thành viên trong chính phủ từ chức để gây áp lực lên ông.

Sau một loạt những vụ bê bối, 5 thành viên nội các và hàng loạt những thành viên cấp thấp hơn của chính phủ đã từ chức trong tuần qua, nói rằng họ không còn tin tưởng vào nhà lãnh đạo Anh. Ông Johnson cố gắng bám lấy quyền lực trong bối cảnh một số thành viên thuộc Đảng Bảo thủ muốn lật đổ ông và một nhóm thành viên nội các gây áp lực từ chức. Cho đến gần đây, ông nói về ý định giữ chức vụ Thủ tướng cho đến những năm 2030. Nhưng khi quyền lực suy yếu, và với mối đe dọa ngày càng tăng rằng đảng sẽ thay đổi các quy tắc nội bộ nhằm tổ chức một cuộc bỏ phiếu để loại ông, ông đồng ý từ chức.

Lý do cơ bản khiến ông Johnson mất ghế là do những vụ bê bối. Trong đó, vụ lớn nhất là việc ông phá vỡ các quy tắc giãn cách xã hội trong thời kỳ phong tỏa Covid-19 khi tham gia một bữa tiệc ở văn phòng Thủ tướng. Đầu năm nay, ông bị cảnh sát phạt vì vi phạm này, mặc dù từng đảm bảo với Quốc hội rằng không hề có các bữa tiệc như vậy. Gần đây nhất, ông Johnson phải xin lỗi vì đã bổ nhiệm một cấp phó mặc dù biết rằng ông này có tiền sử bị cáo buộc có những hành vi tiếp cận tình dục không đúng đắn – “giọt nước tràn ly” đối với nhiều thành viên trong đảng của ông.

Kể từ khi nhậm chức vào tháng 7/2019 với số ghế quốc hội lớn nhất cho Đảng Bảo Thủ trong 30 năm, phong cách lãnh đạo khác biệt của ông Johnson giúp ông hoàn thành quá trình rút khỏi Liên minh châu Âu của Anh, dẫn dắt Anh vượt qua đại dịch và thúc đẩy Anh đi đầu trong việc hỗ trợ Ukraine sau cuộc xâm lược của Nga. Trong thời gian đương chức, chính trị gia 58 tuổi này cũng đã kết hôn, có thêm 2 con và phải nhập viện sau khi mắc Covid-19. Cuối năm ngoái, trước khi có tin tức về vụ bê bối tiệc tùng trong thời kỳ phong tỏa, vị thế chính trị của ông Johnson cực kỳ vững chắc, với Đảng Bảo thủ bỏ xa Công Đảng đối lập trong những cuộc thăm dò.

Sự ra đi của ông Johnson hiện mở đường cho một quá trình kéo dài nhiều tuần để tìm người kế nhiệm trong Đảng Bảo thủ. Các nhà lập pháp của đảng sẽ tổ chức một loạt các cuộc bỏ phiếu để giảm danh sách ứng cử viên xuống còn 2 người. Sau đó, hàng nghìn thành viên đóng tiền của Đảng Bảo thủ bỏ phiếu để chọn ra người chiến thắng. Không có người dẫn đầu rõ ràng nào, mặc dù cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak được coi là một ứng viên tiềm năng, cũng như người thay thế ông là Nadhim Zahawi.

Người kế nhiệm ông Johnson sẽ lên nắm quyền trong bối cảnh lạm phát tăng vọt và tình trạng kinh tế ngày càng khó khăn. Những gián đoạn bắt nguồn từ cuộc chiến tranh Nga-Ukraine và việc Anh rời EU một phần khiến lạm phát tăng lên hơn 9% vào tháng 5 – mức cao nhất trong 40 năm. Các nhà kinh tế lo ngại nguy cơ lạm phát đình trệ, trong khi ở Scotland, các đảng ủng hộ độc lập lại bắt đầu thúc đẩy cuộc trưng cầu dân ý về việc rời Anh. Thủ tướng mới cũng phải xử lý những rạn nứt sâu sắc trong nội bộ Đảng Bảo thủ giữa những người ủng hộ cắt giảm thuế để kích thích nền kinh tế và những người muốn chính phủ chi tiêu nhiều hơn để hỗ trợ người dân.