VNReport»Chưa được phân loại»Thủ tướng khuyến khích các sàn thương mại điện tử bán hàng Việt

Thủ tướng khuyến khích các sàn thương mại điện tử bán hàng Việt

13:04 - 28/08/2024

Theo nguồn tin trên Báo Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng nêu rõ, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp.

Đáng chú ý, khuyến khích sàn thương mại điện tử bán hàng Việt là giải pháp nhận được nhiều sự quan tâm nhất.

Sàn thương mại điện tử là môi trường mua sắm trực tuyến cho phép người mua và người bán giao dịch hàng hoá và dịch vụ. Các sàn này thường cung cấp một không gian cho các nhà cung cấp để đăng bán sản phẩm của họ, và người tiêu dùng có thể tìm kiếm, so sánh và mua sắm một cách dễ dàng.

Theo thông tin từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, thương mại điện tử Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng nhanh từ 16 – 30% hàng năm trong suốt 4 năm qua. Riêng trong quý đầu tiên của năm 2024, bốn nền tảng thương mại điện tử lớn nhất là Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki đã thu về tổng cộng 79,12 nghìn tỷ đồng giá trị giao dịch hàng hóa (GMV), với tổng số 768,44 triệu sản phẩm được bán ra.

Thương mại điện tử hiện chiếm 10% tổng giá trị bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tăng từ 8,5% vào năm 2022. Dự kiến ngành thương mại điện tử Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển, với giá trị hàng hoá tổng (GMV) vào năm 2025 đạt đến mức cao nhất là 16,8 tỷ USD.

Bốn nền tảng thương mại điện tử lớn nhất là Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki

Khuyến khích sàn thương mại điện tử bán hàng Việt

Các sàn thương mại điện tử ngày càng trở thành một phần quan trọng trong hoạt động kinh doanh và tiêu dùng toàn cầu. Vì thế,  để đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, cũng như kiểm soát nguồn cung cầu hàng hoá chặt chẽ, chỉ thị 29/CT-TTg đã khuyến khích sàn thương mại điện tử án hàng Việt bằng cách tổ chức các chương trình khuyến mãi trên quy mô vùng và toàn quốc, đồng thời phối hợp với các địa phương để tăng cường kết nối cung cầu, phân phối sản phẩm OCOP. Mục tiêu là đưa hàng hóa đến các khu vực sâu, vùng xa và các khu công nghiệp nhằm kích cầu tiêu dùng trong nước.

Đồng thời, khuyến khích các sàn thương mại điện tử đang hoạt động tại Việt Nam triển khai các chương trình tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước. Phát động phong trào tiêu dùng hàng hóa Việt, sản phẩm địa phương. Tổ chức các hoạt động thúc đẩy liên kết vùng trong thương mại điện tử, các hoạt động xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới với các nước trong khu vực, thị trường nhập khẩu lớn.

Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp liên quan tới điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, các hàng rào kỹ thuật; xử lý các tồn đọng ở các dự án sản xuất các mặt hàng công nghiệp; thực hiện các giải pháp ổn định sản xuất, cân đối cung cầu các hàng hóa. Bộ Tài chính chỉ đạo đẩy nhanh thủ tục giải ngân kinh phí triển khai các chương trình xúc tiến thương mại của các bộ, ngành, địa phương nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ hàng nhập khẩu qua thương mại điện tử. Nghiên cứu giải pháp kiểm soát chặt chẽ hàng nhập khẩu qua thương mại điện tử phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam. Đề xuất chính sách thuế đối với các dự án thu hút đầu tư sản xuất hàng hóa thay thế hàng nhập khẩu.

Ngoài ra, ngân hàng Nhà nước Việt Nam ưu tiên tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực tiêu dùng, tăng cường cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng. Đẩy mạnh triển khai cho vay qua các hình thức điện tử, trực tuyến; đơn giản hóa thủ tục vay vốn, vay tiêu dùng.

Mặt khác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết nối hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa nông sản tại các vùng sản xuất tập trung; đẩy mạnh sản xuất xanh, sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thúc đẩy mở cửa thị trường xuất khẩu nông sản chính ngạch sang các thị trường lân cận như Trung Quốc, đàm phán giảm tỉ lệ kiểm dịch động thực vật.

Thực tế, sự gia tăng của hoạt động nhập khẩu hàng nhập khẩu quan thương mại điện tử là một xu hướng toàn cầu không thể phủ nhận. Cùng với các giải pháp thúc đẩy thị trường nội địa thì khuyến khích sàn thương mại điện tử bán hàng Việt là quyết định cần thiết, đặc biệt phù hợp trong bối cảnh 4.0 với sự bùng nổ của thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, chỉ thị 29/CT-TTg cũng khuyến khích đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại thị trường trong nước, kết nối cung cầu, hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, tư vấn pháp lý cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới.

Trong đó, Bộ Công Thương đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa, tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị hàng hóa gắn với thực hiện tốt các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, hình thành các chuỗi liên kết hàng thuần Việt.

Theo: https://baochinhphu.vn/thu-tuong-chi-thi-kich-cau-tieu-dung-ho-tro-san-xuat-kinh-doanh-phat-trien-thi-truong-trong-nuoc-102240828001709881.htm