VNReport»Sự kiện & Bình luận»Trong nước»Thực tập sinh Việt Nam ở Nhật Bản “khó khăn chồng chất” trong mùa dịch

Thực tập sinh Việt Nam ở Nhật Bản “khó khăn chồng chất” trong mùa dịch

15:28 - 15/10/2021

Trước đại dịch, cuộc sống của thực tập sinh Việt Nam ở Nhật Bản đã vất vả. Nhưng với nhiều người, tình hình đang trở nên tuyệt vọng.

Phương cùng với khoảng 20 người Việt Nam khác hiện người đang tìm nơi nương tựa tại Đại Ân, một ngôi chùa ở Honjo, thuộc tỉnh Saitama.

Cô gái 22 tuổi này làm việc tại một nhà máy sản xuất thực phẩm ở tỉnh Kagoshima trong gần 3 năm theo Chương trình đào tạo thực tập sinh kỹ thuật của Nhật Bản. Tuy nhiên, khi bị chứng thoát vị và bắt đầu đau dữ dội, cô không thể thực hiện các công việc hàng ngày của mình.

Chùa Đại Ân ở tỉnh Saitama của Nhật Bản đã trở thành nơi trú ẩn cho các thực tập sinh Việt Nam bị mắc kẹt.

Chùa Đại Ân ở tỉnh Saitama của Nhật Bản đã trở thành nơi trú ẩn cho các thực tập sinh Việt Nam bị mắc kẹt.

“Vì không thể làm việc được nữa nên tôi phải rời khỏi ký túc xá công ty”, Phương cho biết. “May mắn thay, tôi biết về ngôi chùa này và họ cung cấp nơi trú ẩn. Nếu không, tôi không còn nơi nào khác để đến”.

Mọi chuyện có thể cũng không khá hơn nếu Phương vẫn hoàn toàn khẻo mạnh. Khi đại dịch Covid-19 tấn công vào các lĩnh vực như sản xuất và xây dựng, ngay cả những thực tập sinh kỹ thuật có khả năng làm việc cũng nằm trong số những người đầu tiên bị cắt giảm. Với tư cách là “thực tập sinh”, họ không nhận được sự bảo vệ từ luật lao động của Nhật Bản, bao gồm ngăn cấm việc sa thải vô cớ. Và ngay sau khi mất việc, họ cũng sẽ bị đuổi khỏi khu nhà ở do công ty cung cấp.

“Tôi muốn về Việt Nam càng sớm càng tốt”, Phương nói. “Tôi nhớ gia đình của tôi rất nhiều”.

Phương, và nhiều người đang trú ẩn tại chùa, cảm thấy bế tắc ở Nhật Bản. Cho dù họ bị cho thôi việc hay đơn giản là hết hợp đồng, thì các hạn chế đi lại do đại dịch khiến việc quay trở lại Việt Nam trở nên vô cùng khó khăn.

Theo Bộ Tư pháp Nhật Bản, khoảng 38.600 thực tập sinh đã không thể về nước tính đến tháng 3. Ngoài việc số lượng chuyến bay có hạn, giá cả cũng là một trở ngại. “Hiện tại, các chuyến bay có giá khoảng 230.000 yên (gần 46 triệu đồng)”, Phương cho biết. “Tôi không biết làm cách nào để có thể trả cho khoản đó, đặc biệt là bây giờ khi tôi không có thu nhập”.

Có thời điểm trong đại dịch, chùa Đại Ân đã đón khoảng 40 thực tập sinh có hoàn cảnh tương tự như Phương.

Vết nứt trong hệ thống

Kể từ khi được thành lập vào năm 1993, Chương trình Đào tạo Thực tập sinh Kỹ thuật đã đưa một lượng lớn lao động trẻ từ các nước đang phát triển ở Châu Á đến những trang trại và doanh nghiệp Nhật Bản. Số người tham gia tăng đáng kể từ 274.000 năm 2017 lên 410.000 năm 2019, trong đó lao động Việt Nam chiếm 51% tổng số.

Chính phủ Nhật Bản tuyên bố rằng mục tiêu của chương trình thực tập sinh là thúc đẩy hợp tác quốc tế để phát triển con người bằng cách chuyển giao kỹ năng cho người lao động từ các nước châu Á khác. Tuy nhiên, ý kiến phê bình cho rằng chương trình này không giúp ích được gì nhiều ngoài việc giải quyết tình trạng thiếu lao động kinh niên trong những công việc phổ thông, không yêu cầu tay nghề cao mà người Nhật không mặn mà. Thay vì có được những kỹ năng hữu ích, hầu hết các thực tập sinh chỉ làm công việc lặp đi lặp lại mà không dạy họ bất cứ điều gì sử dụng được khi trở về nước.

Hơn một nửa lao động trong Chương trình Đào tạo Thực tập sinh Kỹ thuật là người Việt Nam.

Hơn một nửa lao động trong Chương trình Đào tạo Thực tập sinh Kỹ thuật là người Việt Nam.

“Tôi đến Nhật Bản chủ yếu vì tôi nghĩ rằng tôi có thể học được cách làm việc hiện đại của người Nhật”, Dinh, 28 tuổi, từng làm việc tại một nhà máy ở tỉnh Miyazaki, cho biết. “Nhưng bản chất công việc mà tôi được giao hoàn toàn khác với những gì tôi đã mong đợi. Tôi không cảm thấy mình có thể học hỏi được gì nhiều trong suốt 3 năm ở đó”.

Dinh dành ít nhất 6 giờ mỗi ngày để học tiếng Nhật trong khi tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn. “Một ngày nào đó, tôi muốn bắt đầu kinh doanh tại Việt Nam”, anh nói.

Chương trình thực tập sinh phụ thuộc vào việc tuyển dụng những người trẻ tuổi từ các nền kinh tế kém phát triển, khao khát được làm việc trong môi trường tiên tiến và mong muốn kiếm được yên Nhật. Tuy nhiên, họ có nguy cơ bị bóc lột ngay cả trước khi lên đường sang Nhật Bản. Thực tập sinh Việt Nam phải trả rất nhiều khoản phí trước cho các công ty môi giới, khiến nhiều người phải đi vay và thế chấp tài sản. Họ có thể phải trả tới 1 triệu yên (gần 200 triệu đồng), khiến họ rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.

Yoshihisa Saito, phó giáo sư tại Đại học Kobe chuyên về luật lao động và quản trị thị trường lao động ở Đông Nam Á, cho biết: “Các thực tập sinh kỹ thuật vẫn sẵn sàng chi số tiền này để có cơ hội giành được tấm vé đến với điều mà họ tin rằng sẽ là “đặc ân” khi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là ở Nhật Bản”. Mặc dù luật pháp Việt Nam quy định rằng phí hoa hồng không được vượt quá 3.600 USD (khoảng 82 triệu đồng), quy tắc này hầu như không có hiệu lực.

Trung bình một tháng, một thực tập sinh Việt Nam có thể kiếm được từ 120.000 đến 150.000 yên (24-30 triệu đồng). Họ thường sẽ gửi từ 70.000 đến 100.000 yên (14-20 triệu đồng) về nước để giúp đỡ gia đình (và có thể để trả nợ). Điều này khiến họ chỉ còn rất ít tiền để sống ở Nhật Bản.

Các nhà phê bình và nhóm hoạt động đã kêu gọi đại tu hoàn toàn chương trình thực tập sinh kỹ thuật với lý do vi phạm nhân quyền. Lý do này được Mỹ đưa ra cho quyết định hạ cấp Nhật Bản trên bảng xếp hạng nạn buôn người của mình.

Năm 2019, Bộ Tư pháp Nhật Bản thông báo rằng có 759 trường hợp bị nghi ngờ lạm dụng trong chương trình, bao gồm cả làm việc không công và làm thêm giờ quá mức. Theo điều tra của Bộ, 171 thực tập sinh đã chết từ năm 2012 đến năm 2017. Bộ ngừng tiết lộ lý do của những cái chết này trong năm 2018 do lo ngại về quyền riêng tư, mặc dù họ thừa nhận có 98 trường hợp tử vong trong giai đoạn 2018-2019. Năm ngoái, có thông tin cho rằng chương trình này có thể gây tổn hại lâu dài cho mối quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam.

“Việc tuyển dụng sinh viên thực tập tạo thành một công việc kinh doanh riêng, giải thích lý do tại sao chương trình này lại trở nên phổ biến bất chấp nhiều sai sót”, Saito nói. “Các công ty trung gian nhận phí hoa hồng, cả ở đây và ở Việt Nam, miễn là họ có thể đưa được thực tập sinh vào Nhật Bản. Bất cứ điều gì xảy ra với các thực tập sinh sau đó – cho dù họ rơi vào những nơi làm việc tồi tệ, mất việc hay mất tích – đều không quan trọng đối với họ”.

Nối liền khoảng cách

Hiệp hội tương trợ Nhật Việt cung cấp các hình thức hỗ trợ cho những người Việt bị mắc kẹt ở Nhật Bản, chẳng hạn như phân phối thực phẩm và mặt hàng thiết yếu, bảo vệ cho họ, và tạo điều kiện tiếp cận với ngôn ngữ và hỗ trợ pháp lý.

Hiệp hội tương trợ Nhật Việt cung cấp nơi ở cho người Việt Nam mắc kẹt tại Nhật Bản.

Hiệp hội tương trợ Nhật Việt cung cấp nơi ở cho người Việt Nam mắc kẹt tại Nhật Bản.

Nhóm hiện đang phục vụ khoảng 20 người Việt Nam đang tạm trú tại Nisshinkutsu, một ngôi chùa ở phường Minato, Tokyo. Theo Giám đốc đại diện Jiho Yoshimizu, yêu cầu từ những người Việt Nam tuyệt vọng đang mắc kẹt tại Nhật Bản đã vượt 10.000 trong năm ngoái. Với con số đó, Yoshimizu tin rằng hình thức hỗ trợ ở mức cơ sở như vậy có thể không bền vững.

“Vấn đề với Chương trình Đào tạo Thực tập sinh Kỹ thuật là không có nhiều biện pháp theo sau để hỗ trợ những người mất việc làm hoặc gặp khó khăn như bị ngược đãi”, Yoshimizu cho biết. “Những người đến được đây và được bảo vệ thì may mắn, nhưng chính phủ nên có trách nhiệm phát triển các chính sách viện trợ cần thiết, đặc biệt vì đây là một chương trình do nhà nước quản lý”.

Ngoài việc hỗ trợ sinh kế của thực tập sinh, nhóm cũng vận động cho những thay đổi trong khuôn khổ chính sách và pháp luật bằng cách thu hút sự tham gia của các quan chức chính phủ và các nhà hoạch định chính sách.

“Thực tập sinh ở Nhật Bản phải đối mặt với nhiều hình thức áp bức và phân biệt đối xử, và với rào cản ngôn ngữ, họ không thể tự lên tiếng”, Yoshimizu cho biết. “Tôi cảm thấy nhiệm vụ của chúng tôi là khuếch đại tiếng nói của những người chịu ảnh hưởng của vấn đề này”.

Ở những nơi có vết nứt trong hệ thống, đại dịch khiến chúng trở nên tồi tệ hơn. Các nhóm hỗ trợ những người có trải nghiệm tồi tệ trong chương trình thực tập sinh kỹ thuật nói rằng chính phủ cần xem xét kỹ hơn các vấn đề mà thực tập sinh phải đối mặt. Nếu không, khi những người như Phương trở về nhà, họ sẽ không có những lời ca ngợi dành cho Nhật Bản.