VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Thương mại điện tử chiếm 2/3 giá trị nền kinh tế số

Thương mại điện tử chiếm 2/3 giá trị nền kinh tế số

09:35 - 06/01/2025

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam vừa có bước nhảy vọt khi quy mô đạt mốc 25 tỷ USD. Không những vậy, các số liệu cho thấy, thương mại điện tử đang chiếm 2/3 giá trị nền kinh tế số. Các con số ấn tượng này cho thấy sự chuyển dịch mạnh mẽ từ kinh tế truyền thống sang kinh tế số của Việt Nam.

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 mới đây, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng khi quy mô thị trường TMĐT sớm vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Đặc biệt, tỷ trọng về TMĐT chiếm 2/3 giá trị của nền kinh tế số Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn còn nhiều biến động lớn, xu hướng phi toàn cầu hoá trỗi dậy, cùng nhiều thách thức đan xen, tốc độ tăng trưởng của TMĐT Việt Nam vẫn giữ nguyên được hai con số vững chắc là một thành tích vô cùng ấn tượng. Thậm chí, chúng ta còn thuộc Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế số và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Với thành tích này, rõ ràng, thị trường đã và đang chứng kiến sự chuyển dịch mạnh mẽ từ các cửa hàng bán lẻ truyền thống sang nền tảng thương mại điện tử.

Theo đó, nếu như năm 2018, doanh thu TMĐT Việt Nam từ giao dịch trực tiếp giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng (B2C) Việt Nam đạt khoảng 8 tỷ USD, thì đến năm 2019, đã vượt mốc 10 tỷ USD.

Năm 2020, doanh thu này tiếp tục tăng lên đến mức 11,8 tỷ USD, đến năm 2022, doanh thu đã nhảy vọt lên 16,4 tỷ USD. Với doanh thu đạt 20,5 tỷ USD trong năm 2023, tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử B2C chiếm khoảng 7,8 – 8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Mức doanh thu tăng dần không chỉ phản ánh sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của người Việt Nam, mà còn đặt nền móng cho sự phát triển của kinh tế số.

Quy mô thị trường TMĐT Việt Nam năm 2024 sớm vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023

Thực tế, ngày nay, Việt Nam sở hữu nhiều yếu tố thúc đẩy tăng trưởng của TMĐT.

Trước tiên là sự phát triển của hạ tầng Internet, cùng sự phổ biến của các thiết bị di động thông minh. Việc tiếp cận Internet ngày càng dễ dàng đã tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng tham gia vào các hoạt động mua sắm trực tuyến.

Tiếp theo là sự xuất hiện của các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Tiki… cùng với các dịch vụ giao hàng nhanh chóng, tiện lợi đã tạo ra một hệ sinh thái thương mại điện tử hoàn chỉnh.

Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của TMĐT.

Đáng chú ý, TMĐT Việt Nam còn được đánh giá là nền tảng để các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng quốc tế, từ đó nâng cao vị thế của hàng hóa Việt Nam trên thị trường toàn cầu. Theo thống kê, năm 2023, giá trị xuất khẩu thương mại điện tử B2C (doanh nghiệp tới người tiêu dùng) của Việt Nam đạt 86 nghìn tỷ đồng (khoảng 3,5 tỷ USD). Dự kiến năm 2028, giá trị này sẽ tăng gấp 1,7 lần, đạt 145,2 nghìn tỷ đồng (khoảng 5,8 tỷ USD), trong đó, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa đóng góp 25% vào tổng giá trị này.

Có khoảng 65% trong số doanh nghiệp được khảo sát cho rằng, hơn một nửa doanh số thương mại điện tử B2C của doanh nghiệp đến từ thị trường nước ngoài, và 50% kỳ vọng mức tăng trưởng trên 20% tổng doanh số thương mại điện tử bán lẻ của doanh nghiệp trong 5 năm tới.

Dù đã đạt được những tăng trưởng ấn tượng trong năm 2024 vừa qua, tuy nhiên, trên thực tế, TMĐT vẫn gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý.

Theo đó, trong năm 2024, Cục TMĐT và Kinh tế số đã tiếp nhận hồ sơ, tư vấn và hỗ trợ 8.794 doanh nghiệp, tổ chức và 1.520 cá nhân đăng ký tài khoản, thực hiện thủ tục thông báo cho 13.340 website TMĐT và 583 website cung cấp dịch vụ TMĐT thực hiện thủ tục đăng ký. Tiếp nhận và xử lý 165 lượt phản ánh, trong đó bao gồm các hành vi vi phạm chính như không đăng ký, thông báo website/ứng dụng, cung cấp sản phẩm không đảm bảo chất lượng, giả mạo doanh nghiệp khác nhằm lừa đảo khách hàng.

Nhìn chung, theo các chuyên gia, để TMĐT phát triển bền vững, cần quan tâm về mặt chính sách cũng như công tác quản lý.

https://moit.gov.vn/tin-tuc/hoat-dong/hoat-dong-cua-cac-don-vi/cuc-thuong-mai-dien-tu-va-kinh-te-so-to-chuc-hoi-nghi-tong-ket-cong-tac-nam-2024-va-trien-khai-nhiem-vu-nam-2025.html