VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Thương mại điện tử thiếu nhân lực chất lượng cao

Thương mại điện tử thiếu nhân lực chất lượng cao

11:20 - 25/08/2022

Nguồn nhân lực cho thương mại điện tử (TMĐT), đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao đang là vấn đề lớn gây cản trở cho quá trình phát triển TMĐT trong nước.

Đòn bẩy phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19

Đà tăng trưởng của ngành TMĐT đã bắt đầu từ trước đại dịch, song trong giai đoạn 2020 – 2021, thị trường này đã có sự tăng trưởng bùng nổ. Ước tính, năm 2021 lĩnh vực TMĐT đạt tốc độ tăng trưởng vượt 20% và đạt quy mô trên 16 tỷ USD. Tốc độ này sẽ cao hơn nhiều trong giai đoạn 2022 – 2025 nhờ kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 và những động lực tăng trưởng từ làn sóng thứ hai của TMĐT.

Báo cáo kinh tế số của Google cũng khẳng định TMĐT Việt Nam giai đoạn 2020-2025 tăng trên 30%. Đến năm 2025, giá trị của nền kinh tế số Việt Nam đạt 57 tỷ USD trong đó TMĐT chiếm 39 tỷ USD. Đến năm 2030, nền kinh tế số Việt Nam có thể đạt 220 tỷ USD, trong đó TMĐT chiếm khoảng 150 tỷ USD.

Nhu cầu về nguồn ngân lực chất lượng cao ngành TMĐT đang tăng cao

Theo bà Vũ Thị Minh Tú – Giám đốc đối ngoại Lazada Việt Nam, TMĐT được dự báo vẫn phát triển mạnh mẽ, góp phần phục hồi kinh tế sau đại dịch bởi các lý do: Thứ nhất, thị trường còn nhiều dư địa phát triển với 71% người dùng Internet tại Việt Nam từng thực hiện ít nhất 1 lần mua hàng trực tuyến; 94% người dùng Việt sẽ tiếp tục sử dụng các dịch vụ số, 81% xem mua hàng trực tuyến trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Thứ hai, các DN đang ngày càng coi trọng và đầu tư nhiều vào việc chuyển đổi số và kinh doanh trên TMĐT. Thứ ba, tầm nhìn phát triển bền vững của các doanh nghiệp TMĐT.

Cũng theo báo cáo Toàn cảnh kinh doanh sàn TMĐT nửa đầu năm 2022 được trích xuất từ nền tảng số liệu của Metric.vn, TMĐT Việt Nam thời kỳ hậu đại dịch Covid-19 đang trên đà phát triển vượt bậc. Việt Nam đang trở thành thị trường TMĐT lớn thứ 2 tại Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia. Không thể phủ nhận với nền tảng TMĐT được đầu tư mạnh mẽ trong giai đoạn đại dịch đã tạo đà cho doanh nghiệp phát triển. Đồng thời, lĩnh vực chuyển đổi số và kinh doanh online chiếm tỷ lệ quan trọng hơn trong quản trị và vận hành doanh nghiệp Việt được tăng lên đáng kể.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) khẳng định, TMĐT là biện pháp tiếp cận kinh tế – xã hội, đã minh chứng trong thời gian vừa qua nhất là trong dịp giãn cách xã hội vì Covid-19, giúp cho giao thương thuận lợi hơn. Song hành với kênh truyền thống, TMĐT đã khẳng định là kênh chủ đạo, hỗ trợ phát triển kinh tế. VECOM đã kết hợp với các địa phương để phát triển, ứng dụng TMĐT vào các ngành hàng để lan tỏa, từ giao hàng, mua sắm, đến giáo dục từ xa. Chắc chắn thời gian tới, nhận thức, cũng như thói quen sẽ thay đổi.

Nhu cầu nhân lực tăng cao

Sự phát triển bùng nổ của TMĐT đã kéo theo nhu cầu về nguồn ngân lực chất lượng cao phục vụ ngành cũng tăng lên. Đặc biệt, qua 2 năm đại dịch, số lượng người mua sắm trực tuyến tăng mạnh. Cùng với đó, các doanh nghiệp tích cực triển khai chuyển đổi số, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trên TMĐT nên khi bước vào giai đoạn bình thường mới, phát triển ổn định, nhu cầu về nhân lực TMĐT được dự báo sẽ tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng.

Trao đổi tại buổi công bố báo cáo đào tạo thương mại điện tử năm 2022 ngày 24/8, đại diện VECOM đánh giá nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực thương mại điện tử chất lượng cao giai đoạn 2016-2020 tăng nhanh và dự đoán nhu cầu này sẽ tiếp tục tăng nhanh hơn nữa trong giai đoạn 2021-2025.

Ông Nguyễn Thành Hưng – nguyên Chủ tịch VECOM cho biết trên thực tế, thời gian qua các doanh nghiệp TMĐT tăng trưởng mạnh mẽ. Từ đó, nhu cầu tuyển dụng nhân sự của các doanh nghiệp là rất lớn. Các DN, hội viên của Hiệp hội liên tục tuyển nhân sự và nhu cầu nguồn nhân lực cho TMĐT ở Việt Nam đang tăng rất nhanh và sẽ còn tiếp tục tăng nhanh hơn nữa.

Chung quan điểm này, TS Nguyễn Trần Hưng – Trưởng khoa hệ thống thông tin kinh tế và thương mại điện tử, Đại học Thương mại cho rằng TMĐT là lĩnh vực thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo. Các sinh viên sau thời gian đi làm thường tự tạo viêc làm, mở doanh nghiệp, tuyển dụng nhân sự. Điều này khiến nhu cầu nhân lực sẽ tiếp tục “khát”.

Từ góc độ doanh nghiệp, đại diện Lazada cũng khẳng định thực tế gia tăng nhu tuyển dụng nhân lực TMĐT. Không chỉ các sàn TMĐT có nhu cầu mà ngay cả các doanh nghiệp bán lẻ đang chuyển đổi số, chuyển dịch kinh doanh lên TMĐT cũng cần nhân lực chuyên ngành để triển khai. Đây là lý do nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong TMĐT liên tục tăng nhanh.

Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của ngành, theo các chuyên gia, kênh chủ yếu để đào tạo nguồn nhân lực TMĐT chuyên nghiệp, chất lượng cao vẫn phải là các trường đại học. Ông Trần Văn Trọng – Tổng Thư ký VECOM cho biết số trường đào tạo ngành thương mại điện tử trình độ đại học đã liên tục tăng nhanh và đến nay đã lên tới 36 trường. Cùng với đó có 53 trường đã giảng dạy học phần thương mại điện tử tại nhiều ngành liên quan.

Mặc dù có những bước tiến lớn trong đào tạo nhân lực TMĐT nhưng đội ngũ giảng viên TMĐT chưa đáp ứng nhu cầu đào tạo cả về số lượng và chất lượng. Số trường đại học mở ngành TMĐT tăng nhanh song số lượng giảng viên chỉ đáp ứng quy định ở mức tối thiểu. Không những thế, học liệu phục vụ đào tạo TMĐT chưa đáp ứng đòi hỏi giảng dạy và học tập… Điều này đòi hỏi các trường đại học nỗ lực, nâng cao hơn nữa chất lượng, chương trình đào tạo, gắn đào tạo với nhu cầu thực tiễn của xã hội và doanh nghiệp.

“Mặc dù tốc độ đào tạo nhân lực TMĐT trong các trường đại học đã tăng nhanh nhưng vẫn chưa theo kịp nhu cầu tăng trưởng, phát triển “nóng” của ngành. Với tốc độ tăng trưởng TMĐT ở Việt Nam hơn 20% thì công tác đào tạo phải phấn đấu nhiều hơn nữa mới có thể đáp ứng được nhu cầu của lĩnh vực này.” – nguyên Chủ tịch VECOM nhận định.