VNReport»Kinh tế»Thương mại điện tử xuyên biên giới chú trọng phát triển nhân lực

Thương mại điện tử xuyên biên giới chú trọng phát triển nhân lực

12:11 - 29/08/2024

Trong bối cảnh Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 diễn ra trên toàn cầu cùng với cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, xu hướng dịch chuyển từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số ngày càng phổ biến ở Việt Nam. Nhất là sau khi đại dịch Covid 19 kết thúc, các doanh nghiệp đã nhanh chóng tận dụng cơ hội, ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến, và đặc biệt chú trọng tới hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới.

Thương mại điện tử xuyên biên giới (cross-border e-commerce) là hình thức giao dịch mua bán hàng hóa và dịch vụ qua Internet giữa các quốc gia khác nhau. Nghĩa là thay vì phải đến cửa hàng truyền thống, người tiêu dùng có thể dễ dàng truy cập vào các nền tảng trực tuyến để mua sắm sản phẩm từ các nhà cung cấp ở nước ngoài. Nhìn chung, thương mại điện tử xuyên biên giới không chỉ đơn thuần là việc vận chuyển hàng hóa mà nó sẽ bao gồm các dịch vụ thanh toán, giao hàng và chăm sóc khách hàng qua các kênh trực tuyến.

Trao đổi với Thời báo Tài chính Việt Nam vào tháng 6 vừa qua, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương khẳng định, thương mại điện tử sẽ là “từ khóa” xuyên suốt trong giai đoạn tới khi chúng ta nói về xuất nhập khẩu. Điều này phù hợp với quan điểm xuyên suốt của Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu của Việt Nam tới năm 2030 là phát triển xuất nhập khẩu bền vững. Phát triển xuất khẩu thông qua nền tảng trực tuyến và số hoá.

Thực tế, theo thống kê năm 2021, có 7,2 triệu sản phẩm do các nhà bán hàng Việt Nam bán ra trên sàn Amazon toàn cầu trong 1 năm, và doanh số xuất khẩu của doanh nghiệp Việt qua sàn này tăng 48%. Xuất khẩu qua thương mại điện tử B2C (mô hình chuyên về lĩnh vực bán lẻ) của Việt Nam được dự báo tăng từ 3,3 tỷ đô la Mỹ năm 2021 lên 11,1 tỷ đô la vào năm 2026 với tốc độ tăng trưởng TMĐT xuyên biên giới đạt mức ấn tượng hơn 20%/ năm.

Bên cạnh đó, báo cáo “Người bán hàng địa phương, Khách tiêu dùng toàn cầu 2022: Cơ hội xuất khẩu trực qua TMĐT tại Việt Nam” của AccessPartnership cũng cho biết, xuất khẩu TMĐT bán lẻ của Việt Nam ước đạt 296,3 nghìn tỷ đồng vào năm 2027.

Thương mại điện tử sẽ là “từ khóa” xuyên suốt trong giai đoạn tới khi nói về xuất nhập khẩu

Tại “Diễn đàn Thương mại điện tử xuyên biên giới 2024″ do Amazon Global Selling phối hợp Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức, dữ liệu của Amazon cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã mở rộng phạm vi kinh doanh quốc tế với số lượng sản phẩm xuất khẩu và bán ra trên Amazon tăng đáng kinh ngạc 300% trong 5 năm qua.

Tất cả các con số này đều là minh chứng thương mại điện tử xuyên biên giới đang trở thành xu hướng. Nhờ vào các nền tảng thương mại điện tử toàn cầu như Amazon, eBay, Alibaba, các sản phẩm Việt Nam có thể dễ dàng được giới thiệu đến người tiêu dùng trên khắp thế giới. Điều này không chỉ giúp tăng doanh thu mà còn nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tận dụng hình thức này để gia tăng xuất khẩu mà không cần phải đầu tư lớn vào các kênh phân phối truyền thống. Nó dần trở thành một phần không thể thiếu trong nền kinh tế Việt Nam.

Chú trọng phát triển nhân lực

Trên Tạp chí Hải quan online, Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử (EBI) 2024 cho thấy sự tăng trưởng của thương mại điện tử xuyên biên giới đòi hỏi đội ngũ nhân sự của doanh nghiệp cần phải có chuyên môn tốt, năng lực giỏi và tính thực chiến cao. Do đó, doanh nghiệp cần chú trọng hơn trong tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của mình.

Nhận thức được điều này, Việt Nam đang chú trọng vào việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng. Các trường đại học và cơ sở đào tạo nghề đã bắt đầu xây dựng chương trình giảng dạy liên quan đến thương mại điện tử, marketing trực tuyến, và quản lý chuỗi cung ứng. Điều này giúp cung cấp cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng cần thiết để tham gia vào lĩnh vực này.

Chiều ngày 28/8 vừa qua, Cuộc thi Sinh viên Kinh doanh số 2024 (Digital Business Contest) đã được Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) và Mạng lưới Các cơ sở đào tạo thương mại điện tử (VECOMNET) với sự hỗ trợ của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông được phát động.

Cuộc thi mang đến cho sinh viên cơ hội áp dụng kiến thức học tập vào thực tiễn kinh doanh số, đồng thời nâng cao kỹ năng làm việc nhóm và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp sáng tạo.

Sau hai mùa tổ chức, cuộc thi đã nhận được sự tham gia của 700 đội thi với trên 3.000 sinh viên đến từ hơn 80 trường đại học trên toàn quốc. Năm 2024, cuộc thi sẽ bao gồm 4 nội dung: bán hàng online, digital marketing, ý tưởng kinh doanh số, và thương mại điện tử xanh nhằm giảm rác thải nhựa.

Ông Đỗ Đăng Khang, Phó Tổng Giám đốc, Tổng công ty bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH) cho biết, sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các giảng viên, Ban lãnh đạo các trường Đại học trên toàn quốc đã cho thấy tinh thần hội nhập của ngành giáo dục giúp sinh viên kết hợp giữa kiến thức và thực hành, bắt kịp xu hướng thị trường lao động. Đồng thời, sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn nhân lực sẽ giúp Việt Nam không chỉ tham gia mà còn tỏa sáng trên sân chơi thương mại điện tử toàn cầu.

Theo: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thuong-mai-dien-tu-xuyen-bien-gioi-co-hoi-moi-cho-doanh-nghiep-viet-153958.html

https://haiquanonline.com.vn/ket-hop-giua-kien-thuc-va-thuc-hanh-ve-thuong-mai-dien-tu-cho-sinh-vien-189317.html