VNReport»Kinh tế»Kim ngạch thương mại Việt Nam – Mỹ sắp cán mốc 100 tỷ USD

Kim ngạch thương mại Việt Nam – Mỹ sắp cán mốc 100 tỷ USD

23:07 - 29/11/2021

Theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê, tính chung 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 299,67 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 tháng năm 2021 có 34 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,5% tổng kim […]

Theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê, tính chung 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 299,67 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 tháng năm 2021 có 34 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 84,8 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 50,5 tỷ USD, tăng 16,8%; thị trường EU đạt 35,7 tỷ USD, tăng 11,9%; thị trường ASEAN đạt 25,9 tỷ USD, tăng 23,3%; Hàn Quốc đạt 20 tỷ USD, tăng 14,6%; Nhật Bản đạt 18 tỷ USD, tăng 3%.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 11/2021 đạt 29,8 tỷ USD, tăng 14% so với tháng trước và tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 299,45 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 tháng năm 2021 có 43 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,7% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 98,5 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 50,3 tỷ USD, tăng 20,3%; thị trường ASEAN đạt 37 tỷ USD, tăng 36,1%; Nhật Bản đạt 20,3 tỷ USD, tăng 10,1%; thị trường EU đạt 15,5 tỷ USD, tăng 18,2%; Hoa Kỳ đạt 14,2 tỷ USD, tăng 14,6%.

Đáng chú ý, trong 11 tháng đầu năm, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Hoa Kỳ đã đạt 99 tỷ USD, con số rất gần với mức 100 tỷ USD. Trong 5 năm gần nhất, trung bình hàng năm, hàng Việt xuất sang Hoa Kỳ tăng 230%, từ Hoa Kỳ nhập vào Việt Nam tăng 175%. Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Hoa Kỳ. Trong năm 2021, theo nhận định của các chuyên gia, bất chấp các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam – Hoa Kỳ sẽ cán mốc 100 tỷ USD.

Trong điều kiện này, những ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam như dệt may, điện thoại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị dụng cụ và phụ tùng khác, giày dép, đồ gỗ sẽ có cơ hội hưởng lợi lớn.

Ở ngành hàng linh kiện điện tử, sản phẩm điện tử có giá trị cao hay ngành hàng may mặc, ngoài nhu cầu tăng khi nền kinh tế hồi phục hậu đại dịch của Hoa Kỳ, việc Vietnam Airlines được cấp phép bay thẳng thường lệ đến Hoa Kỳ sẽ càng tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu các mặt hàng này sang thị trường này.

Ngành da giày cũng sẽ hưởng lợi không ít khi cứ 1 người Hoa Kỳ tiêu thụ khoảng 6 đôi giày dép/năm, trong đó có 1,3 đôi giày dép xuất xứ từ Việt Nam. Trong những năm qua, Hoa Kỳ cũng là thị trường nhập khẩu nhiều nhất mặt hàng giày dép các loại của Việt Nam. Xuất khẩu sang thị trường này chiếm tới hơn 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.

Hay như mặt hàng gỗ, dữ liệu thống kê từ Uỷ ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC) cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2021, Hoa Kỳ nhập khẩu đồ nội thất gỗ từ thị trường Việt Nam nhiều nhất, đạt 6,7 tỷ USD, tăng 73,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 40,6% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Hoa Kỳ, tăng 4,5 điểm % so với cùng kỳ năm 2020.

Ngành gỗ Việt Nam cũng đứng trước cơ hội lớn khi Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trước đó đã thay mặt Chính phủ Việt Nam đã ký thỏa thuận với Trưởng đại diện thương mại (USTR) của Chính phủ Hoa Kỳ về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp. Thỏa thuận này chính thức khép lại vụ Điều tra 301 của Hoa Kỳ về khai thác và thương mại gỗ của Việt Nam.

Có thể thấy, kể từ khi bình thường hoá quan hệ đến nay, quan hệ kinh tế, thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt được tiến bộ to lớn với nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, mặc dù dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy nhưng tổng kim ngạch trao đổi thương mại Việt – Mỹ vẫn liên tục lập đỉnh trong vài năm trở lại đây.

Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý, Hoa Kỳ đang có xu hướng tăng cường bảo hộ thông qua các quy định, tiêu chuẩn mới về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc sản phẩm… nên doanh nghiệp Việt gặp trở ngại không ít khi xuất khẩu sang nước này. Các doanh nghiệp Việt cần nâng cao năng lực, quy mô đủ lớn và chú trọng tới việc đáp ứng các chứng chỉ về nguồn gốc nguyên liệu sản xuất, gia tăng chế biến sâu để tăng giá bán, thương hiệu cho hàng Việt và tránh các vụ kiện phòng vệ thương mại…