VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Tiết lộ bất ngờ về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam và Đông Nam Á sản xuất Malt của đại gia Đường “bia”

Tiết lộ bất ngờ về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam và Đông Nam Á sản xuất Malt của đại gia Đường “bia”

09:23 - 07/06/2023

Công ty sản xuất đường này có máy móc hoàn toàn tự động, cả khu vực Đông Nam Á vẫn chưa có một nhà máy sản xuất Malt thứ hai nào.

Đường Man kinh doanh thua lỗ

Công ty Cổ phần Đường Man là một doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam và Đông Nam Á sản xuất Malt – nguyên liệu chính để sản xuất bia.

Với số vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng, Nhà máy Đường Man được trang bị một dây chuyền sản xuất Malt đồng bộ, hiện đại và hoàn toàn tự động của hãng Lausmann – CHLB Đức (một trong những hãng hàng đầu thế giới về cung cấp thiết bị sản xuất malt). Dây chuyền máy móc khu sản xuất 100% xuất xứ từ châu Âu.

Tính đến thời điểm này ngoài Đường Man (Việt Nam) thì cả khu vực vẫn chưa có một nhà máy sản xuất Malt thứ hai nào. Với lợi thế đó, ngay sau khi đi vào hoạt động, Công ty Đường Man đã xác định mục tiêu không chỉ là cung cấp nguyên liệu sản xuất bia cho thị trường Việt Nam mà còn từng bước khai phá và chinh phục thị trường Đông Nam Á giàu tiềm năng này.

Mới đây, Công ty CP Đường Man vừa có thông báo về tình hình tài chính doanh nghiệp và hoạt động thanh toán lãi, gốc trái phiếu gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Báo cáo tài chính được Đường Man đưa ra là năm tài chính 2021.

Cụ thể, năm 2021 với khoản lỗ sau thuế hơn 51 tỷ đồng, cải thiện hơn so với khoản lỗ gần 92 tỷ đồng ở năm 2020. Như vậy chỉ trong hai năm, Đường Man đã lỗ tới hơn 153 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/12/2021, vốn chủ sở hữu của Đường Man ghi nhận ở mức 158 tỷ đồng, giảm 25% so với năm liền trước. Do kết quả kinh doanh kém sáng, tỉ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu ghi nhận âm 0,33%, trong khi đó năm trước ghi nhận âm 0,44%.

Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu tăng từ 6,09 lần lên 8,42 lần vào thời điểm cuối năm 2021, tương ứng nợ phải trả hơn 1.300 tỷ đồng. Trong năm 2021, công ty ghi nhận dư nợ trái phiếu trên vốn chủ sở hữu tăng từ 0,95 lên 1,26 lần, tương đương dư nợ trái phiếu gần 200 tỷ đồng.

Theo dữ liệu lưu hành trái phiếu, hiện Đường Man có 1 lô trái phiếu DMBOND2017 đang lưu hành với tổng giá trị 200 tỷ đồng, lô trái phiếu này phát hành ngày 20/11/2017 và đáo hạn ngày 20/11/2024, lưu ký tại Ngân hàng TNHH Indovina.

Thời điểm phát hành, tài sản thế chấp của lô trái phiếu này là hệ thống dây chuyền mạ vàng của Đường Man với tổng giá trị gần 160 tỷ đồng. Thế nhưng đến năm 2018, tài sản đảm bảo đã được thay đổi sang máy móc thiết bị, phương tiện vận tải và thiết bị văn phòng.

Theo Đường Man, công ty đã chậm thanh toán gần 5,5 tỷ đồng lãi lô trái phiếu này trong kỳ 30/11/2021. Đến ngày 9/12/2021, công ty mới thực hiện thanh toán cho trái chủ. Lý do chậm thanh toán được đưa ra là doanh nghiệp chưa thu xếp đủ nguồn tiền để thanh toán theo kế hoạch.

Đường Man là công ty của ông Nguyễn Hữu Đường (Đường “bia”, chủ khách sạn dát vàng ở Hà Nội). Tính đến tháng 11/2014, Đường Man có quy mô vốn điều lệ 277,5 tỷ đồng, trong đó ông Nguyễn Hữu Đường góp 244 tỷ đồng, tương ứng 88% vốn điều lệ. Ông Đường trước đó là Chủ tịch Hội đồng quản trị của doanh nghiệp này. Tuy nhiên, từ tháng 9/2021 đến nay, Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện Đường Man là ông Trần Minh Thông.

Chân dung ông Nguyễn Hữu Đường

Ngoài Đường Man, ông Nguyễn Hữu Đường còn là Chủ tịch của Hoà Bình Group. Tại doanh nghiệp này, ông Đường sở hữu 47,7% vốn và cũng là cổ đông lớn nhất tại công ty này.

Năm 1979, sau khi xuất ngũ, ông Đường trở thành “tay buôn chuyến” Bắc Nam được 9 chuyến, đến chuyến thứ 10, ông lại trắng tay khi số hàng lớn “buôn lậu” bị thu giữ toàn bộ. Sau đó, ông Đường chuyển hướng học nghề lái xe. Trong thời gian chờ mở lớp đào tạo lái xe, ông làm tạm “chân” đạp xích lô chở bia. Một ngày đi chở bia, ông được trả 1 thùng bia trị giá 60 đồng (tương tương cả tháng lương một kỹ sư khi ấy). Hôm nào trời nóng nực, khan bia thì được trả đến 80 đồng. Kiếm được nhiều tiền bằng công việc này, ông Đường quyết định không học lái xe nữa, xin vào làm chính thức tại Hợp tác xã bia.

Từ năm 1981 – 1986, với nghề đạp xích lô chở bia, ông đã tích lũy một số tiền kha khá, nảy ra ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh. Cuối năm 1986, ông Đường quyết định rút vốn mua đất thành lập Tổ hợp thương binh nặng Hòa Bình để tạo công ăn việc làm cho nhiều anh em đồng đội, trong đó có 7 thương binh. Tổ hợp của ông làm nhiều nghề như làm nút chai cho nhà máy rượu đến sản xuất nước ngọt, nước đá, đóng bia…

Năm 1988, khi Nhà nước cho phép phát triển các thành phần kinh tế, ông và các đồng nghiệp chuyển sang làm nhà máy bia và kinh doanh phát đạt. Có ngày nhà máy kiếm được 2 – 3 cây vàng. Ba tháng hè liên tục như vậy, nhà máy làm giàu nhanh chóng từ nghề kinh doanh siêu lợi nhuận này. Đây cũng là thời điểm biệt danh Đường “bia” của ông xuất hiện.

Sau khi thành công với bia, ông Đường lấn sân sang mảng bất động sản và trở thành “đại gia” bất động sản có tiếng ở đất Hà Thành. Một loạt dự án bất động sản được triển khai, xây dựng thành công đã đưa tên tuổi Đường “Bia” gắn với những thương hiệu như: Khách sạn Hòa Bình Palace (Hà Nội); Hòa Bình Green Apartment (Hà Nội); Hòa Bình Green City (Hà Nội)…

Năm 2020, Tập đoàn Hòa Bình gây chú ý với dư luận khi xây dựng Khách sạn dát vàng Dolce Hanoi Golden Lake  tại địa chỉ B7 phường Giảng Võ, quận Ba Đình. Đây là khách sạn được dát vàng ròng 9999 đầu tiên trên thế giới, với tổng mức đầu tư hơn 100 triệu USD, được xây dựng trong vòng hơn 12 tháng và chính thức khai trường ngày 02/7/2020.

Dự án cao 25 tầng nổi với 3 tầng hầm, công trình hơn 2.230 m2 này có thể chống chọi với động đất cấp 8. 120.000 m2 mặt ngoài của khách sạn được phủ vàng. Bên trong, trần, phào của sảnh, cửa thang máy… của khách sạn đều được phủ vàng 24k, còn lan can cầu thang mạ vàng 18k.

Tuy nhiên, tháng 3 vừa qua, ông Đường chia sẻ rao bán khách sạn dát vàng với mức giá khởi điểm 250 triệu USD. “Phải bán đi một thứ là niềm tự hào của mình thì đấy là một điều đau thương, xót xa”, ông Đường cho biết.

Nguyên nhân phải rao bán khách sạn này là do mấy năm gần đây, do ảnh hưởng của Covid-19, Hòa Bình liên tục làm ăn thua lỗ. Năm 2022, công ty lỗ 19 tỷ.

Trước tình hình đó, công ty đã xin chuyển 2 khu đất 393 Lĩnh Nam và 468 Vĩnh Hưng (Hoàng Mai, Hà Nội) để làm nhà ở xã hội. Ít nhất làm nhà ở xã hội vẫn có lãi và có tiền trả lương cho công nhân. Tuy nhiên, sau hơn một năm chờ đợi, dự án vẫn chưa được chính quyền cấp giấy phép xây dựng.

“Chính vì thế nhân viên của công ty 3 tháng gần đây không có lương. Do đó, tôi mới phải đưa ra quyết định đau xót bán đi “niềm tự hào” của mình để giải quyết tiền lương cho nhân viên và các chi phí trả lãi cho ngân hàng”, ông cho biết.