VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Tiêu dùng của người Việt ở nông thôn tăng trưởng cao hơn thành thị dịp Tết 2025

Tiêu dùng của người Việt ở nông thôn tăng trưởng cao hơn thành thị dịp Tết 2025

14:05 - 02/12/2024

Theo dự báo của Kantar, mức tăng trưởng FMCG trong dịp Tết 2025 sẽ đạt từ 1 – 3%, với khu vực nông thôn có tốc độ tăng trưởng cao hơn thành thị. Con số này cho thấy sự chuyển dịch đáng kể trong thói quen tiêu dùng của người Việt, khi mà nông thôn đang dần trở thành một thị trường tiềm năng.

Mới đây, Tổng Cục thống kê đưa ra Báo cáo về chỉ số niềm tin tiêu dùng (CCI) đã đã tăng từ 67% trong quý 4/2023 lên 78% trong quý 1/2024. Mặc dù thế, người tiêu dùng vẫn giữ tâm lý thận trọng trong quyết định chi tiêu bởi những lo ngại về lạm phát và bất ổn kinh tế.

Đặc biệt là trong bối cảnh dịp Tết 2025 sắp đến như hiện nay. Thực tế, trong những năm gần đây, tỷ lệ chi tiêu cho FMCG trong dịp Tết có xu hướng giảm. Cụ thể, chi tiêu cho FMCG trong Tết 2019 chiếm 21% tổng chi tiêu cả năm ở các thành phố lớn, nhưng đến Tết 2024, tỷ lệ này giảm còn khoảng 19%. Tổng giá trị tiêu dùng FMCG (Fast-Moving Consumer Goods – Hàng tiêu dùng nhanh) trong năm 2024 đạt mức cao nhất trong 5 năm qua, song mức tăng trưởng chỉ ở mức 1 – 2 % so với năm trước.

Mức tăng trưởng FMCG (Fast-Moving Consumer Goods – Hàng tiêu dùng nhanh) là tỷ lệ phần trăm mà doanh thu hoặc khối lượng bán hàng của các sản phẩm FMCG tăng lên trong một khoảng thời gian nhất định, so với cùng kỳ năm trước hoặc một thời điểm tham chiếu khác.

Đặc biệt, theo dự báo của Kantar, mức tăng trưởng FMCG trong dịp Tết 2025 sẽ đạt từ 1 – 3%, với khu vực nông thôn có tốc độ tăng trưởng cao hơn thành thị. Mặc dù đây là một tín hiệu tích cực từ sự phục hồi kinh tế sau khi Việt Nam phải gánh chịu hậu quả từ bão Yagi và lũ lụt miền Bắc. Tuy nhiên, con số này không tác động quá lớn tới tài chính người tiêu dùng.

Rõ ràng, người tiêu dùng đang cho thấy xu hướng hạn chế chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu và có xu hướng đơn giản hóa và ưu tiên các sản phẩm có giá trị lâu dài.

Cũng theo dự báo của Kantar, có 4 nhóm ngành hàng sẽ được ưa chuộng trong dịp Tết 2025. Cụ thể:

Dinh dưỡng và thực phẩm chức năng, nhóm ngành hàng này được dự đoán tăng 45%. Hiện nay, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe. Nhiều người có xu hướng ưu tiên các sản phẩm từ thiên nhiên, bổ sung dinh dưỡng nhằm chuẩn bị cho một năm mới tràn đầy năng lượng.

Cũng được dự đoán tăng 45% là nhóm hàng thời trang và phụ kiện. Việc sắm sửa trang phục mới không chỉ là truyền thống mà còn mang ý nghĩa cầu chúc may mắn trong năm mới. Do đó, chẳng có gì lạ khi nhóm ngành hàng này có xu hướng tăng trong dịp cuối năm.

Các sản phẩm chăm sóc cá nhân cũng được dự đoán tăng khoảng 43%. Năm nào cũng thế, Tết là dịp để chăm chút, làm mới bản thân. Đặc biệt là với Gen Z và Millennials, sinh ra trong thời đại công nghệ với vô số xu hướng làm đẹp, lực lượng này đặc biệt chi tiêu vào các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp và vệ sinh cá nhân, với nhu cầu cải thiện diện mạo tức thì.

Đồ ăn và đồ uống không cồn cũng được dự đoán tăng với lần lượt 42% và 38%. Đây là nhóm ngành hàng không thể thiếu trong các bữa tiệc Tết, góp phần tạo nên không khí sum vầy trong đầu xuân năm mới.

Người tiêu dùng đang cho thấy xu hướng hạn chế chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu

Mức độ mua sắm giữa nông thôn và thành thị cũng có sự chênh lệch. Ở khu vực nông thôn thường xảy ra tình trạng người từ thành phố về quê ăn Tết kéo theo chi tiêu sẽ tăng mạnh và kéo dài thời gian mua sắm. Thời gian mua sắm Tết ở nông thôn có thể cao gấp 2 – 3 lần so với chi tiêu tuần thường.

Trong khi đó, tại các thành phố lớn, nhịp độ mua sắm sẽ diễn ra nhanh chóng và dồn dập. Các mặt hàng thường được người tiêu dùng “sắm sửa” ngay trước khi tết đến.

Đáng chú ý, khảo sát tiêu dùng của Kanter Worldpanel tại 4 thành phố lớn và khu vực nông thôn cũng đã tổng hợp được 3 điểm thay đổi chính trong xu hướng tiêu dùng Tết 2025 của người Việt.

Thứ nhất, người tiêu dùng trong dịp Tết 2025 sẽ tiếp tục ưu tiên các sản phẩm thiết yếu và hữu ích như đồ gia dụng, dụng cụ nấu ăn, sản phẩm chăm sóc cá nhân và thực phẩm đồ uống không cồn.

Thứ hai,  người tiêu dùng Việt ưu tiên các bộ quà tặng thiết thực và có chi phí hợp lý hơn các sản phẩm FMCG truyền thống. Các bộ quà tặng thiết thực ở đây là những sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực tế của gia đình, như dầu ăn, gia vị, và các sản phẩm tốt cho sức khỏe như hạt, sữa chua, yến hơn là các sản phẩm tiêu dùng phổ biến trước đây như bia hay bánh kẹo.

Thứ ba, sự phổ biến của xu hướng du lịch Tết. Người tiêu dùng có xu hướng tìm kiếm sự thư giãn qua các chuyến du lịch trong dịp Tết sau 1 năm vất vả lao động.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy số lượng các chuyến du lịch nội địa và quốc tế trong dịp Tết 2024 đã tăng đáng kể.

Nhìn chung, sau những tác động phức tạp từ nền kinh tế và môi trường sống, người tiêu dùng có xu thế đón tết 2025 một cách bình tĩnh và trầm lắng, đồng thời dành nhiều thời gian cho gia đình hơn.

https://vneconomy.vn/tieu-dung-cua-nguoi-viet-o-nong-thon-tang-truong-cao-hon-thanh-thi-dip-tet-2025.htm