VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Tiêu thụ cà phê ở Việt Nam chưa bằng một nửa trung bình thế giới, lý do tại sao?

Tiêu thụ cà phê ở Việt Nam chưa bằng một nửa trung bình thế giới, lý do tại sao?

11:05 - 31/03/2025

Một số lý do người Việt tiêu thụ ít cà phê: cà phê không phải là thức uống chính để thưởng thức, sự phổ biến của cà phê hòa tan giá rẻ, văn hóa cà phê cao cấp chưa phát triển mạnh.

Với mức trung bình chỉ 2,2 kg/người mỗi năm, người Việt tiêu thụ cà phê chưa bằng một nửa so với mức trung bình thế giới là 5,5 kg/người mỗi năm, theo ông Trịnh Đức Minh – Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, trao đổi với VTC News.

Phần Lan đứng đầu thế giới với mức tiêu thụ trung bình 12 kg/người/năm, ông cho biết thêm.

Mặc dù là một trong những nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, người Việt tiêu thụ ít cà phê vì một số lý do. Thứ nhất, cà phê không phải là thức uống chính trong ngày để thưởng thức, mà chủ yếu dùng để giúp tỉnh táo. Thứ hai là sự phổ biến của cà phê hòa tan giá rẻ so với cà phê chất lượng cao. Cuối cùng là văn hóa cà phê đặc sản và cà phê pha chế cao cấp chưa phát triển mạnh: các quán cà phê chủ yếu phục vụ những sản phẩm đơn giản, thiếu sự đa dạng về loại hình và hương vị.

Người Việt tiêu thụ trung bình 2,2 kg cà phê/người mỗi năm, so với mức trung bình thế giới 5,5 kg/người.

Người Việt tiêu thụ trung bình 2,2 kg cà phê/người mỗi năm, so với mức trung bình thế giới 5,5 kg/người.

Ông Minh cho biết, mục tiêu đến năm 2030, tiêu thụ cà phê nội địa của Việt Nam đạt 3 kg/người/năm, tương đương với 300.000 tấn cà phê trong nước, chiếm 18% tổng sản lượng 1,6 triệu tấn. Trong khi đó, Brazil, quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới, có tỷ lệ tiêu thụ nội địa khoảng 30%.

Việt Nam vẫn có cơ hội phát triển mạnh mẽ thị trường cà phê nội địa. Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, tiêu thụ cà phê trong nước giai đoạn 2025-2030 dự báo sẽ tăng trưởng bình quân 6,6% mỗi năm.

Nhiều doanh nghiệp hiện nay không chỉ tập trung vào xuất khẩu mà còn chú trọng vào phát triển thị trường nội địa.

Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn Cầu, chia sẻ: “Trước đây, tiêu thụ nội địa của doanh nghiệp chỉ chiếm 30%, nhưng hiện nay đã tăng lên 40%, và mục tiêu trong năm 2025-2026 sẽ đạt 50-60%”.

Theo ông Luận, người dân hiện nay tiếp cận nhiều hơn với cà phê chế biến sâu chất lượng cao qua các sản phẩm OCOP, mở ra cơ hội lớn để doanh nghiệp quảng bá sản phẩm và tăng trưởng tiêu thụ trong nước. Ngoài ra, xuất khẩu không phải lúc nào cũng thuận lợi, nhất là trong bối cảnh chiến tranh thương mại.

Ông Hoàng Danh Hữu, Giám đốc Công ty TNHH Thương Mại Dịch Vụ Nông Trại EDE, cho biết: “Mục tiêu của công ty là chinh phục thị trường nội địa, xem đây là chiến lược đảm bảo sự ổn định và an toàn trong bối cảnh rủi ro chiến tranh thương mại đang gia tăng toàn cầu”. Ông nhận định việc tập trung vào thị trường nước giúp doanh nghiệp giảm rủi ro, củng cố vốn và phát triển bền vững trong một thế giới đầy biến động.

Tham khảo:

https://vtcnews.vn/ly-do-muc-tieu-thu-ca-phe-viet-nam-chi-bang-mot-nua-muc-trung-binh-the-gioi-ar927385.html