VNReport»Kinh tế»Tài chính»TikToker Mr Pips Phó Đức Nam bị bắt, cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo đầu tư chứng khoán

TikToker Mr Pips Phó Đức Nam bị bắt, cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo đầu tư chứng khoán

16:19 - 11/12/2024

Công an thành phố Hà Nội vừa triệt phá đường dây lừa tài chính đảo trên mạng Internet với quy mô đặc biệt lớn do TikToker Mr.Pips Phó Đức Nam cầm đầu với tổng giá trị tiền và tang vật thu giữ khoảng hơn 5.200 tỷ đồng.

Theo nguồn tin báo Lao động Thủ Đô, ngày 10/12 vừa qua, Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố Phó Đức Nam – TikToker Mr Pips và Lê Khắc Ngọ, 34 tuổi, cùng 29 người về 5 tội danh. Trong đó, 26 người đối mặt cáo buộc Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 3 người về tội Rửa tiền, một người tội Không tố giác tội phạm.

Công an TP Hà Nội cho biết TikToker Mr. Pips Phó Đức Nam là đối tượng cầm đầu trong đường dây lừa đảo “lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay trong lĩnh vực ngoại hối chứng khoán”. Quá trình điều tra, bước đầu cơ quan chức năng đã làm rõ, Phó Đức Nam cùng đồng bọn thành lập hàng chục công ty “ma”, hoạt động như một doanh nghiệp về tài chính để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của hơn 2.660 bị hại.

Thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng này cũng rất tinh vi, gây nhiều khó khăn cho quá trình điều tra, thu thập thông tin của công an.

Theo đó, núp bóng dưới danh nghĩa công ty hoạt động về lĩnh vực tư vấn đầu tư tài chính, môi giới chứng khoán, các đối tượng đã thành lập 44 văn phòng trên cả nước. Riêng Hà Nội có hơn 1.900 nhân viên là quản lý và kinh doanh hoạt động chuyên nghiệp, được phân công rất chặt chẽ.

Các đối tượng đã tạo lập, quản lý 5 trang mạng có giao diện tiếng Anh để người tham gia hiểu lầm là giao dịch trên các sàn quốc tế, có uy tín, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư. Các trang mạng này về bản chất đều đã được lập trình, gắn với các tài khoản ngân hàng của các đối tượng quản lý; mỗi sàn giao dịch đều được kết nối với ứng dụng MetaTrader 4, MetaTrader 5 là nền tảng giao dịch ngoại hối, chứng khoán phổ biến trên thế giới hiện nay.

Sau đó, các đối tượng này đã thành lập công ty, tuyển dụng nhân viên và phân công, phân cấp quản lý. Các bộ phận trong Công ty thực hiện các hoạt động độc lập, bổ trợ lẫn nhau, tiếp xúc với khách hàng thông qua các mạng xã hội (phổ biến nhất là Zalo, Telegram…) để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc cung cấp thông tin sai sự thật để khách hàng tin tưởng, chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng chỉ định rồi chiếm đoạt.

Phó Đức Nam tại cơ quan Công an

Để thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng đã cấu kết với nhóm đối tượng người nước ngoài tổ chức lừa đảo trên 22 sàn đầu tư chứng khoán quốc tế do nhóm người nước ngoài cung cấp.

Ban đầu, các đối tượng lừa đảo này sẽ dùng các thủ đoạn để dụ dỗ khách hàng giao dịch nhiều lần với số lượng tiền thấp, “có lãi” và rút tiền được, sau đó sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để hướng dẫn, thúc đẩy khách hàng nâng vốn giao dịch.  Khi bị hại thực hiện lệnh mua bán trên sàn, các đối tượng sẽ can thiệp vào hệ thống khiến bị hại thua lỗ hết tiền đã nạp. Đến bị hại thực hiện lệnh rút tiền, nhóm đối tượng sẽ treo lệnh sau đó sẽ nhắn tin thuyết phục các bị hại tiếp tục giao dịch, chuyển thêm tiền để “gỡ”. Đến khi khách hàng không còn khả năng về tài chính thì các đối tượng chặn liên lạc, chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà khách đã chuyển.

Đến nay, Công an Thành phố Hà Nội đã xác định được 2.661 bị hại trên toàn quốc. Đồng thời thu giữ, phong toả nhiều tài sản của các đối tượng, ước tính hơn 5.200 tỷ đồng, cụ thể: 316 tỷ đồng trong tài khoản, trái phiếu trị giá 9 tỉ đồng, sổ tiết kiệm trị giá hơn 200 tỷ đồng, 69 tỷ đồng tiền mặt VNĐ, 2,3 triệu USD, 890 miếng vàng SJC, 246 kg vàng nguyên khối, 31 siêu xe, 7 xe mô tô hạng sang, đắt tiền, 59 đồng hồ nhãn hiệu nổi tiếng trị giá khoảng 300 tỷ đồng 84 cùng trang sức các loại bằng vàng, khảm kim cương…. Ngoài ra, Công an cũng đã phong tỏa giao dịch đối với 125 bất động sản.

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo tham gia đầu tư tài chính trên mạng xã hội

Với quy mô lớn và thủ đoạn tinh vi, công an TP Hà Nội cho biết đây là đường dây lừa đảo “lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay trong lĩnh vực ngoại hối chứng khoán”.

Theo thông tin từ Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, trong 10 tháng năm nay, nhà đầu tư trong nước đã mở mới gần 1,73 triệu tài khoản, gấp 4,4 lần cả năm 2023. Số lượng nhà đầu tư tăng nhanh thì cũng theo đó xuất hiện các chiêu trò lừa đảo đầu tư trên thị trường chứng khoán ngày một nhiều và không ít người đã trở thành nạn nhân.

Giống như trong vụ của Phó Đức Nam, các đối tượng thường sử dụng phương thức “đầu tư tài chính” dựa trên mô hình kinh doanh đa cấp biến tướng. Chúng lập các trang mạng xã hội mạo danh Sở Giao dịch chứng khoán, công ty chứng khoán và các chuyên gia tài chính đăng các bài viết hô hào nhà đầu tư tham gia các lớp đào tạo, các nhóm cộng đồng đầu tư cổ phiếu, tiền ảo. Và đương nhiên, tiền đã nộp vào sẽ không bao giờ lấy lại được.

Hoặc các đối tượng có thể sử dụng thủ đoạn mạo danh những chuyên gia có tiếng trên thị trường, nhằm lừa đảo được nhiều người hơn. Các chuyên gia này cũng không hề hay biết cho đến khi người quen, hoặc thậm chí là các nạn nhân gọi điện tới thông báo, xác minh thông tin.

Sự việc của Phó Đức Nam cùng các chiêu trò lừa đảo tinh vi đã gióng lên hồi chuông cảnh báo với những ai đang có nhu cầu đầu tư tài chính, tăng thêm thu nhập. Theo các chuyên gia đầu tư tài chính, người dân cần tuyệt đối cảnh giác với các lời mời chào đầu tư có lãi suất cao bất thường so với thị trường. Bên cạnh đó, cần tìm hiểu kỹ về phía chủ quản, công ty quản trị trước khi đầu tư. Đồng thời tăng cường kiến thức về tài chính, đầu tư để tránh rủi ro lừa đảo. Nếu gặp phải tình huống nghi ngờ lừa đảo, người dân phải liên hệ với cơ quan Công an để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

https://laodongthudo.vn/cong-an-thanh-pho-ha-noi-thong-tin-ve-thu-doan-lua-dao-cua-tiktoker-mr-pips-pho-duc-nam-181785.html