VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Tìm giải pháp tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp

Tìm giải pháp tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp

08:05 - 26/07/2023

Dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tăng trưởng thấp trong 6 tháng đầu năm, đòi hỏi có thêm giải pháp để tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm trong 6 tháng đầu năm và tín dụng tăng trưởng thấp, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang tìm cách tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng.

Ngày 25/7, Thời bào Ngân hàng phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo “Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp”, có sự tham gia của Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, các chuyên gia kinh tế tài chính trong nước và quốc tế, đại diện doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng …

Mặc dù đã thực hiện một số giải pháp để thúc đẩy tín dụng, nhưng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tính đến ngày 30/6 chỉ tăng 4,73% so với hồi đầu năm nay lên 12,49 triệu tỷ đồng, trong khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 14%. Điều đó đòi hỏi phải có thêm những biện pháp nhằm tăng cường khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp.

Hội thảo “Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp” ngày 25/7.

Hội thảo “Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp” ngày 25/7.

TS Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV ­– và nhóm của ông đề xuất một số giải pháp tổng thể.

Đầu tiên, các cơ quan quản lý cần nghiêm túc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, nghị định gần đây của Quốc hội, Chính phủ để đưa ra những chính sách phù hợp, kịp thời, tác động nhanh hơn, quyết liệt hơn. Chính sách tiền tệ ngoài cho phép cơ cấu lại nợ cần tiếp tục giảm lãi suất cả huy động và cho vay, đẩy nhanh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém. Chính sách tài khóa cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế giá trị gia tăng, các chính sách giãn hoãn thuế, phí, tiền thuê đất ….

Bộ Kế hoạch Đầu tư cần chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai Chương trình phục hồi 2022-2023, các chương trình mục tiêu quốc gia và giải ngân đầu tư công.

Các cơ quan quản lý cần chú trọng những động lực tăng trưởng bao gồm giải ngân đầu tư công, kích cầu tiêu dùng nội địa và thúc đẩy tăng trưởng ở các đầu tàu kinh tế, nhất là Hà Nội và TP HCM.

Tiếp tục thực hiện phối hợp chính sách hiệu quả, đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách giá cả và các chính sách vĩ mô khác.

Cần đánh giá đúng thực trạng tình hình doanh nghiệp, từ đò tháo gỡ kịp thời và chính xác những tồn tại, vướng mắc đã và đang được chỉ ra. Quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực từ suy giảm xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng.

Để gia tăng nguồn lực cho các tổ chức tín dụng nhằm hỗ trợ nền kinh tế, nhóm chuyên gia cho rằng Quốc hội và Chính phủ cần tiếp tục cho các ngân hàng thương mại quốc doanh giữ lại lợi nhuận Nhà nước hàng năm để tăng vốn.

Cần đồng bộ phát triển thị trường tài chính cân bằng hơn, bao gồm việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp để giảm bớt áp lực tín dụng trung dài hạn cho hệ thống ngân hàng.

Cuối cùng, các cơ quan nhà nước cần đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế; xây dựng chiến lượng cụ thể để tăng tích độc lập, tự chủ và nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế.

Trong khó khăn chung, bản thân doanh nghiệp cũng cần có những giải pháp để tăng khả năng hấp thụ vốn của mình, bao gồm việc tái cơ cấu để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và giải quyết đúng các cam kết trả nợ.

Doanh nghiệp cũng cần nâng cao tính công khai, minh bạch trong huy động vốn, sử dụng vốn; đa dạng hóa nguồn vốn, tăng cường kiểm soát rủi ro; và có những chiến lược dài hơn hơn như chú trọng chuyển đối số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý doanh nghiệp.