VNReport»Kinh tế»Bất động sản»Tín dụng bất động sản giảm tốc

Tín dụng bất động sản giảm tốc

16:43 - 08/05/2021

Các doanh nghiệp bất động sản không dễ vay vốn ngân hàng nhưng thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang bùng nổ.

Tín dụng bất động sản tiếp tục tăng trong những năm gần đây nhưng tốc độ tăng đang chậm dần. Trong năm 2019, mức tăng là 30%, sau đó giảm xuống còn 11% trong năm 2020 và chỉ còn khoảng 3% trong quý đầu năm 2021.

Số liệu trên cho thấy tín dụng bất động sản vẫn đang được kiểm soát và nguyên nhân khiến thị trường bất động sản tăng giá gần đây không phải là tín dụng.

“Theo phân tích của nhiều tổ chức, cá nhân chuyên ngành thì có hiện tượng nguồn tài chính, thay vì chuyển vào sản xuất – kinh doanh, đã chuyển hướng sang bất động sản. Bên cạnh đó, lãi suất gửi tiết kiệm thời gian qua giảm mạnh, khiến dòng tiền nhàn rỗi chuyển vào đầu tư bất động sản”, ông Bùi Xuân Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết.

Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho rằng việc vay vốn tại các ngân hàng không dễ vì doanh nghiệp chưa thực sự hồi phục sau đại dịch.

Trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng mạnh

Trong khi đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang bùng nổ. Trái phiếu các doanh nghiệp bất động sản tăng mạnh cả về giá trị phát hành và lãi suất. Điều này cho thấy nhu cầu về vốn dài hạn của doanh nghiệp là rất lớn.

Thống kê từ Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam cho thấy: trong tháng 3 vừa qua, các doanh nghiệp có tổng cộng 19 đợt phát hành trái phiếu với tổng giá trị là 8.035 tỷ đồng. Các doanh nghiệp bất động sản tiếp tục dẫn đầu về giá trị phát hành với 5.460 tỷ đồng, tương đương 68%.

“Có thể nhận định rằng nguyên nhân thị trường bất động sản tăng giá trong thời gian gần đây không chỉ xuất phát từ tín dụng”, ông Dũng nhận xét.

Một số công ty bất động sản huy động trái phiếu với giá trị lớn như: Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Nhật Quang (2.150 tỷ đồng), Công ty cổ phần Đầu tư Smart Dragon (1.900 tỷ đồng)… Trước đó, đầu tháng 1/2021, nhiều doanh nghiệp lớn trong nành cũng tham gia huy động vốn từ thị trường trái phiếu. Điển hình là việc Tập đoàn Vingroup chào bán gần 7.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 36 tháng để tài trợ cho hoạt động của công ty con.

Từ cuối năm 2020 đến nay, trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản có xu hướng kéo dài kỳ hạn, trung bình khoảng 3,8 năm, dài hơn 1 năm so với năm 2019. Lãi suất trái phiếu bình quân cũng tăng gần 2,1%, lên mức 9,7 – 11%/năm.

Đơn cử như đợt phát hành trái phiếu gần đây, Sunshine Group huy động vốn với lãi suất 11%/năm, Novaland lãi suất 10,5%, hay đặc biệt như Phát Đạt từng phát hành trái phiếu lãi suất 14%/năm. Hiện nay, trái phiếu Happybond có tài sản đảm bảo của Tập đoàn Apec Group đang phát hành với lãi suất lên tới 13%/năm.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc các doanh nghiệp bất động sản tăng phát hành trái phiếu với lãi suất cao cho thấy nhu cầu vốn dài hạn của doanh nghiệp, cũng như tác động của triển vọng ngành. Yếu tố dịch bệnh cũng đã dẫn đến nhu cầu tăng kỳ hạn dài hơn của các nhà phát hành trái phiếu trong ngành.

Vốn đầu tư nước ngoài cũng sẽ tăng mạnh

Nguồn vốn quan trọng khác cho bất động sản là vốn đầu tư nước ngoài. Theo đại diện Bộ Xây dựng, trong tháng 3, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản tăng 15,56% so với tháng 3 năm 2020. Tổng vốn đăng ký vào lĩnh vực bất động sản quý 1/2021 là 0,6 tỷ USD, tăng 56% so với cùng kỳ.

Theo dự đoán của nhiều chuyên gia và tổ chức tài chính quốc tế, dòng vốn FDI vào Việt Nam trong thời gian tới sẽ còn lớn hơn do các doanh nghiệp nước ngoài tin tưởng vào Việt Nam. Việc kiểm soát thành công đại dịch là một lợi thế lớn. Ngoài ra, với các hiệp định thương mại lớn đã được ký kết, Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực về thu hút vốn FDI.

Bộ Xây dựng đánh giá dòng vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản tăng do Việt Nam ổn định chính trị và tăng trưởng kinh tế. Việt Nam đã rất tích cực cải thiện môi trường đầu tư trong những năm gần đây. Ngoài ra, việc chuyển tiếp giữa Luật Đầu tư 2014 và Luật Đầu tư 2020 đã tác động tích cực đến tình hình cấp mới/điều chỉnh các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.