VNReport»Kinh tế»Bất động sản»Tín dụng bị siết chặt hạn chế nguồn cung bất động sản

Tín dụng bị siết chặt hạn chế nguồn cung bất động sản

21:35 - 17/07/2022

Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) nhận định rằng nguồn cung bất động sản bị hạn chế trong nửa đầu năm, do tín dụng vào lĩnh vực này bị thắt chặt.

Lạm phát phủ bóng lên nền kinh tế, dòng tiền có dấu hiệu chững lại. Thanh khoản thị trường bất động sản giảm rõ rệt và chính sách thắt chặt tín dụng, hạn chế nguồn cung đã đẩy giá nhà lên cao, vượt quá sức mua của đại đa số người dân. Đây là những nhận định tình hình thị trường bất động sản nửa đầu năm nay của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS).

“Chỉ sau một tuần mở lại kênh huy động vốn tín phiếu từ 21/6, Ngân hàng Nhà nước đã hút về lượng tiền hơn 85.000 tỷ đồng. Tín hiệu này cho thấy tình hình thắt chặt tiền tệ trong tương lai không xa dù cơ quan này cho biết sẽ không tăng lãi suất điều hành trong năm nay”, báo cáo của VARS cho biết.

Mặc dù đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức cho biết không có chủ trương siết tín dụng với bất động sản, nhưng dự thảo sửa đổi Thông tư 39/2016 đưa ra nhiều tín hiệu về điều đó, theo VARS.

Cụ thể, NHNN đề xuất quy định chặt chẽ hơn về quy trình, điều kiện, hồ sơ, thủ tục, phương án sử dụng vốn vay, phương án trả nợ … của các khoản vay mua nhà để ở, đặc biệt là các khoản vay với số tiền lớn. Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cũng bổ sung hàng loạt quy định yêu cầu các ngân hàng không được cho vay cho những nhu cầu như: cho vay để khách hàng chứng minh khả năng tài chính trong giao dịch với bên thứ ba; cho vay thanh toán tiền đặt cọc dự án chưa đủ điều kiện …

NHNN đưa ra tín hiệu siết tín dụng với bất động sản thông qua các quy định và chính sách.

NHNN đưa ra tín hiệu siết tín dụng với bất động sản thông qua các quy định và chính sách.

Theo báo cáo, các chính sách tín dụng và quyết định của các cơ quan chức năng liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp bất động sản trong thời gian qua đã ngay lập tức khiến nguồn cung bất động sản chững lại. Trong nửa đầu năm 2022, chỉ riêng phân khúc căn hộ đã có gần 22.800 căn được chào bán. Trong đó, hơn một nửa là căn hộ thấp tầng và đất nền. Hầu hết các căn hộ là của các dự án đã chào bán trước đó, tình hình cấp phép rất hạn chế. Tỷ lệ hấp thụ căn hộ sẽ tiếp tục duy trì ở mức 51% như năm 2021.

Trong bối cảnh nguồn cung bị thắt chặt do nhiều nguyên nhân, VARS dự báo mặt bằng giá bất động sản có thể tăng trong thời gian tới. “Mua nhà để ở trong giai đoạn bản lề này sẽ tận dụng được tối ưu những lợi thế về tín dụng và mặt bằng giá cả”, báo cáo viết. Ngoài ra, VARS cũng nhận thấy thị trường bất động sản căn hộ đang hình thành mặt bằng giá mới khi nguồn cung tiếp tục không theo kịp nhu cầu của nhà đầu tư và người dân, nhất là trong xu hướng đô thị hóa ngày càng rõ rệt.

Hầu hết các dự án sắp mở bán tại Hà Nội và TP HCM đều nằm ở các quận, huyện xa trung tâm, nơi quỹ đất còn nhiều. Báo cáo cho biết: “Cơ sở hạ tầng không ngừng hoàn thiện sẽ tiếp tục đẩy mặt bằng giá các dự án này lên cao hơn nữa trong tương lai”.

Dự báo về thị trường nửa cuối năm, VARS cho rằng với quỹ đất hạn hẹp, tốc độ cấp phép dự án chậm cùng với một số chính sách kiểm soát tín dụng, thị trường bất động sản có thể rơi vào tình trạng khan hiếm nguồn cung. “Những bất cập trong kênh huy động vốn trái phiếu doanh nghiệp khiến chủ đầu tư đang gặp khó khăn trong việc triển khai dự án. Ngoài ra, việc cấp phép chậm cho các dự án khiến nguồn cung bất động sản nhà ở gặp khó”, báo cáo viết.

VARS nhận định rằng nguồn cung eo hẹp trong khi nhu cầu được đẩy mạnh là những yếu tố khiến giá bất động sản ở phân khúc căn hộ xác lập mặt bằng giá mới, dù giao dịch sẽ trầm lắng. Họ dự báo giá bất động sản nhà ở sẽ tăng trung bình 10% trong nửa cuối năm.

Về bất động sản công nghiệp, VARS dự báo tinh hình sẽ khởi sắc cả về cung và cầu. Tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp đạt 80-85% sẽ tiếp tục được duy trì trong nửa cuối năm.

Theo hiệp hội, sự thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng sau đại dịch khiến tình hình cho thuê ở phân khúc shophouse gặp nhiều khó khăn. Giá cho thuê được dự báo sẽ tiếp tục giảm khoảng 15-20% trong nửa cuối năm nay.