VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Tình trạng thiếu chip toàn cầu lan sang đồ gia dụng

Tình trạng thiếu chip toàn cầu lan sang đồ gia dụng

09:00 - 26/04/2021

Các thiết nhà sản xuất bị châu Á bị ảnh hưởng khi cuộc khủng hoảng chip bắt đầu lan sang toàn ngành.

Theo các nhà cung cấp ở châu Á, cuộc khủng hoàng chip toàn cầu đang lan sang các nhà sản xuất smartphone, TV và thiết bị gia dụng.

Nguồn cung chip đã thắt chặt do nhu cầu đồ điện tử bùng nổ trong đại dịch COVID-19 và tình trạng các cơ sở sản xuất lớn ngừng hoạt động. Nhưng tình trạng thiếu hụt càng trở nên tồi tệ hơn do các tập đoàn Trung Quốc đang tích trữ chip để tránh các lệnh trừng phạt. Điều này khiến các công ty khó bảo đảm các linh kiện cho các thiết bị điện tử gia dụng như máy giặt hay lò nướng.

Tập đoàn Samsung Electronics và LG Electronics của Hàn Quốc nằm trong số các tập đoàn đang cảm nhận thấy ảnh hưởng của đợt thiếu hụt dự kiến sẽ kéo dài đến năm 2022.

Hai trong số các nhà sản xuất linh kiện chính của Samsung cho biết hãng đã bắt đầu giảm đơn đặt hàng đối với một số linh kiện smartphone trong tháng này. Trong tháng 3 vừa qua, nhà sản xuất chip máy tính lớn nhất thế giới cảnh bảo về “sự mất cân bằng nghiêm trọng giữa cung và cầu” đối với thiết bị bán dẫn.

“Bộ xử lý ứng dụng, trình điều khiển màn hình và cảm biến camera đều đang thiếu hụt. Do đó, chúng tôi nhận thấy số đơn đặt hàng từ Samsung giảm trong quý hiện tại”, một nhà cung cấp linh kiện smartphone lớn của công ty Hàn Quốc cho biết. “Doanh số bán hàng tạm thời giảm là không thể tránh khỏi. Nhưng chúng tôi hy vọng tình hình sẽ cải thiện từ tháng 6 vì các đơn đặt hàng bị trì hoãn có thể sẽ có khối lượng lớn hơn trong nửa cuối năm”.

Koh Dong-Jin, đồng giám đốc điều hàng và trưởng bộ phận kinh doanh di động của Samsung, đã cảnh báo về những vấn đề có thể xảy ra trong quý II do tình trạng thiếu chip. Ông cho biết vào tháng trước rằng công ty có thể phải hoãn việc ra mắt smartphone cao cấp cho đến năm sau. Samsung cũng là một nhà sản xuất chip lớn thông qua xưởng đúc bán dẫn.

LG cho biết tình trạng thiếu chip vẫn chưa làm gián đoạn hoạt động sản xuất của hãng nhưng thừa nhận đó là một rủi ro. “Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình vì không nhà sản xuất nào có thể tránh khỏi ảnh hưởng nếu tình trạng này kéo dài”, công ty cho biết.

LG cho biết tình trạng thiếu hụt chip chưa ảnh hưởng đến công ty nhưng thừa nhận đây là một rủi ro

LG cho biết tình trạng thiếu hụt chip chưa ảnh hưởng đến công ty nhưng thừa nhận đây là một rủi ro

Một nhà sản xuất TV nhỏ ở Seoul cho biết: “Càng ngày càng khó kiếm được các linh kiện chính trừ phi bạn trả giá cao hơn. Chúng tôi phải tăng giá TV, phản ánh chi phí vật liệu tăng”.

Việc sản xuất các bộ xử lý có tỷ lệ lợi nhuận thấp, thực hiện các công việc đơn giản như cân quần áo trong máy giặt hoặc làm giòn bánh mì trong máy nướng thông minh cũng bị ảnh hưởng.

“Các bộ vi điều khiển đang khan hiếm nguồn cung, có thể ảnh hưởng đến các thiết bị gia dụng”, Randy Abrams, trưởng bộ phận nghiên cứu chất bán dẫn châu Á tại Credit Suisse cho biết.

Một chuyên gia trong ngành cho biết việc sản xuất chip trong các thiết bị gia dụng đã bị giảm ưu tiên. Các nhà sản xuất đang ưu tiên công suất cho các sản phẩm có tỷ lệ lợi nhuận cao.

Các xưởng đúc ở Hàn Quốc cho biết họ không thể đáp ứng các đơn đặt hàng tăng đột biến ngay cả khi đang hoạt động hết công suất.

“Đơn đặt hàng từ khách hàng đối với chip dùng trong smartphone, TV và các thiết bị gia dụng khác đang vượt quá khả năng của chúng tôi”, một quan chức tại công ty sản xuất chip DB HiTek cho biết. “Các chip trình điều khiển màn hình, chip quản lý năng lượng và cảm biến hình ảnh đang đặc biệt thiếu hụt”.

Một quan chức trong ngành cho biết tình trạng thiếu hụt đã khiến các công ty phải đặt hàng với nhiều nhà sản xuất chip, một hiện tượng được gọi là “đặt hàng hai lần”.

Quan chức này nói thêm rằng cuộc khủng hoảng chip đã trở nên tồi tệ hơn do sự tích trữ của các công ty Trung Quốc. Những công ty này đang chuẩn bị cho các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn khi Washington tìm cách cản trở tham vọng 5G của Bắc Kinh.

Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) dự kiến ​​tình trạng thiếu chip sẽ kéo dài đến năm 2022. Công ty này đang hoạt động hết công suất và sẽ đầu tư 100 tỷ USD trong vòng 3 năm để mở rộng công suất.

Nanya Technology, nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu của Đài Loan, vào hôm thứ Ba đã công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy trị giá 10 tỷ đô la tại nước này. Kế hoạch này nhằm giảm bớt sự thiếu hụt và nắm bắt nhu cầu ngày càng tăng đối với các thành phần liên quan đến 5G.

Tuy nhiên, các nhà phân tích tin rằng tình trạng thiếu hụt có thể kết thúc nhanh chóng như bắt đầu nếu chi tiêu cho thiết bị điện tử giảm dần khi đại dịch rút đi.

Khi đó, các nhà đầu tư sẽ “tìm ra bao nhiêu nhu cầu là thực và bao nhiêu là ảo”, Stacy Rasgon, một nhà phân tích chất bán dẫn của Bernstein, viết trong một lưu ý.