VNReport»Kinh tế»Tốc độ Internet Việt Nam tăng 15 bậc: Động lực bứt phá cho kinh tế số

Tốc độ Internet Việt Nam tăng 15 bậc: Động lực bứt phá cho kinh tế số

09:40 - 19/08/2024

Vnexpress công bố thống kê của Ookla Speedtest cho biết tốc độ Internet cố định tại Việt Nam tháng 7 đạt 146,79 Mbps chiều tải xuống, và 127,56 Mbps tải lên, đưa thứ hạng của Việt Nam từ thứ 37 của tháng trước đó lên thứ 32.

 

Tốc độ Internet băng rộng là tốc độ truyền tải dữ liệu qua mạng Internet sử dụng công nghệ băng rộng. Internet cho phép truyền tải dữ liệu nhanh hơn, liên tục và cho phép người dùng truy cập Internet với tốc độ cao hơn nhiều, không bị gián đoạn so với công nghệ truyền thống (dial-up). Internet băng rộng cho phép nhiều thiết bị kết nối cùng lúc mà không ảnh hưởng đến tốc độ.

Trước khi đạt thứ hạng 32 như hiện tại, Việt Nam đã có tốc độ đo đạt 107 Mbps hồi tháng 2, sau đó chúng ta tiếp tục duy trì chuỗi tăng liên tục này trong 5 tháng cho đến hiện tại. Bên cạnh đó, Internet băng rộng di động cũng chứng kiến việc tăng về tốc độ và xếp hạng qua bốn tháng. Ở kết quả đo tháng 7, chỉ số này đạt 55,41 Mbps đường tải về, 20,58 Mbps đường tải lên, xếp 44 toàn cầu.

Trong khi đó, trên thế giới, tốc độ Internet cao nhất ở cả hạng mục di động và cố định là UAE với các chỉ số lần lượt là 359,85 Mbps cho hạng mục di động và 291,85 Mbps cho hạng mục cố định.

Lý giải biến động này, đại diện Ookla đã có câu trả lời trên Vnexpress rằng, đó là do sự tăng cường đầu tư về cơ sở hạ tầng của nhà mạng trong nước. Không chỉ thế, hồi tháng 7 vừa qua, theo thông tin trên Tạp chí điện tử Viettimes, Mobifone đã trở thành nhà mạng thứ 3 sau Viettel và VNPT thành công giành quyền sử dụng tần số vô tuyến điện cho khối băng 5G tại Việt Nam. Việc đấu giá thành công băng tần 5G này trở thành chất xúc tác quan trọng thúc đẩy tốc độ Internet trung bình tại Việt Nam tăng lên bởi các nhà mạng mở rộng triển khai thử nghiệm 5G và người dùng ở một số khu vực có khả năng trải nghiệm công nghệ mới này.

Thống kê của Ookla về tốc độ Internet Việt Nam

Thực tế, thời gian qua, các cơ quan quản lý đưa ra nhiều biện pháp thúc đẩy chất lượng Internet Việt Nam. Ngoài việc công bố quy hoạch Hạ tầng Thông tin và Truyền thông đến năm 2030, trong đó có nhiệm vụ quan trọng như tăng số cáp quang biển, phổ cập 5G, Bộ Thông tin và Truyền thông hàng tháng cũng công khai chất lượng Internet theo từng nhà mạng, chi tiết đến cấp xã phường. Ứng dụng iSpeed trên Android cũng bổ sung tính năng tự động đo nhằm tăng số lượng mẫu để cho kết quả chính xác hơn.

Tại hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết tỷ lệ người sử dụng Internet tại Việt Nam ước đạt 78,1%. Số thuê bao băng rộng di động tăng 7,6% so với cùng kỳ 2023, đạt trung bình 91,9 thuê bao trên 100 dân. Đây cũng là lần đầu tỷ lệ này trên 90%, vượt mục tiêu 87,5% của Bộ trong 2024.

Thành tích này không chỉ là minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng nền tảng hạ tầng số vững chắc mà nó còn là động lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế số bứt phá. Bởi tốc độ Internet cao đồng nghĩa với việc người sử dụng có thể truy cập và khai thác các dịch vụ trực tuyến hiệu quả hơn, từ đó tạo ra nhiều cơ hội mới cho sự phát triển kinh tế.

Một trong số đó, không thể bỏ qua thương mại điện tử. Đây là lĩnh vực được hưởng lợi trực tiếp từ việc tốc độ Internet băng rộng tăng cao.

Với tốc độ như thế, khách hàng có thể dễ dàng truy cập các trang web mua sắm trực tuyến, xem sản phẩm, đặt hàng và thanh toán chỉ trong “phút mốt”. Điều này thúc đẩy sự phát triển của các sàn thương mại điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh online tiếp cận thị trường rộng lớn hơn, tăng doanh thu và mở rộng quy mô hoạt động.

Mặt khác, tốc độ Internet cao sẽ giúp người dùng dễ dàng tiếp cận các buổi khám chữa bệnh từ xa, các buổi hội thảo trực tuyến, xem phim, nghe nhạc trực tuyến tốc độ cao, mượt mà. Nhìn chung, nó thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ trực tuyến khác như y tế từ xa, giáo dục trực tuyến, giải trí trực tuyến,… Điều này góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận kiến thức, dịch vụ và giải trí cho người dùng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể sử dụng các dịch vụ trực tuyến như lưu trữ dữ liệu, marketing trực tuyến, quản lý nhân sự,… để nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm chi phí và tăng năng suất lao động. Tốc độ Internet cao cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ thông tin, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp phần mềm, dịch vụ công nghệ, dữ liệu lớn…

Tuy nhiên, để làm được những điều này, Việt Nam cần chú trọng đến việc nâng cao an ninh mạng, thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số, đảm bảo mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận Internet và các dịch vụ kỹ thuật số và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để khai thác tối đa tiềm năng của kinh tế số, góp phần đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên số.

Theo: https://vnexpress.net/toc-do-internet-viet-nam-lien-tuc-tang-4782296.html

https://viettimes.vn/trung-dau-gia-bang-tan-5g-mobifone-cam-ket-gi-post176320.html