VNReport»Kinh tế»Tài chính»Vốn FDI vào Việt Nam đạt gần 5 tỷ USD trong hai tháng đầu năm

Vốn FDI vào Việt Nam đạt gần 5 tỷ USD trong hai tháng đầu năm

09:27 - 28/02/2022

Giá trị vốn đăng ký mới giảm mạnh so với cùng kỳ nhưng các dự án điều chỉnh tăng vốn và góp vốn mua cổ phần lại tăng mạnh.

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính đến ngày 20/2, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 5 tỷ USD, bằng 91,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài trong 2 tháng đầu năm 2022 ước đạt 2,68 tỷ USD, vẫn tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong 2 tháng qua, cả nước có 183 dự án đầu tư mới đăng ký vào Việt Nam với số vốn 631,8 triệu USD, tăng 45,2% về số lượng nhưng giảm 80,9% về giá trị. Vốn đăng ký cấp mới giảm so với cùng kỳ năm trước do không có những dự án quy mô lớn trên 100 triệu USD. Trong 2 tháng đầu năm 2022, chỉ có một dự án có vốn đầu tư lớn được ghi nhận với số vốn 136,4 triệu USD.

Dự án VSIP Bắc Ninh tăng vốn đầu tư thêm gần 941 triệu USD.

Dự án VSIP Bắc Ninh tăng vốn đầu tư thêm gần 941 triệu USD.

Các dự án đầu tư quy mô lớn đều thuộc diện dự án tăng vốn, nổi bật là dự án đầu tư VSIP Bắc Ninh (của Singapore) được điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm gần 941 triệu USD và dự án của Công ty TNHH Samsung Electro-mechanics Việt Nam (của Hàn Quốc) đã điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 920 triệu USD tại Thái Nguyên. Ngoài ra, Dự án Nhà máy sản xuất thiết bị điện tử, thiết bị mạng và sản phẩm âm thanh đa phương tiện (Hong Kong, Trung Quốc) cũng điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm gần 306 triệu USD tại Bắc Ninh.

Từ đầu năm đến nay, có 142 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 23,5% về số dự án và tăng hơn 2,2 lần về vốn so với cùng kỳ.

Về góp vốn mua cổ phần, số liệu cho thấy có 400 lượt nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức này, giảm 10,1% về số lượng nhưng giá trị vốn góp đạt 769,6 triệu USD, tăng 41,7% so với cùng kỳ.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, điểm nổi bật là vốn điều chỉnh và vốn đầu tư đều tăng mạnh so với cùng kỳ. Mặc dù vốn đầu tư đăng ký mới giảm mạnh do không có nhiều dự án quy mô lớn nhưng số lượng dự án đầu tư mới lại tăng lên. Cục cho biết điều này thể hiện sự tin tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài vào kết quả của Chính phủ trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, cũng như môi trường đầu tư tại Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới.

Số liệu tổng hợp của Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17/21 lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân.

Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu về thu hút vốn FDI với tổng vốn đầu tư hơn 3,13 tỷ USD, chiếm 62,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp đến là lĩnh vực kinh doanh bất động sản, thu hút gần 1,52 tỷ USD, xếp sau là khoa học công nghệ, sản xuất và phân phối điện …

Về đối tác đầu tư, Singapore vẫn dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 1,7 tỷ USD, chiếm 34,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam và tăng 59,3% so với cùng kỳ năm 2021. Hàn Quốc đứng thứ hai với hơn 1,4 tỷ USD, chiếm 28,2% tổng vốn đầu tư và giảm 12% so với cùng kỳ. Trung Quốc đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 538 triệu USD.