VNReport»Top»Top 10 địa điểm nhất định phải dừng chân khi đến Hà Nội

Top 10 địa điểm nhất định phải dừng chân khi đến Hà Nội

11:53 - 03/04/2023

Khi đến Hà Nội, du khách nên các địa điểm và công trình sau đây để thăm viếng, ngắm cảnh và cảm nhận về lịch sử của thành phố nghìn năm. 

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn gọi là Lăng Hồ Chủ tịch, Lăng Bác, là nơi gìn giữ di hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lăng được chính thức khởi công ngày 2 tháng 9 năm 1973. Hiện, đây là địa danh thu hút rất đông người Việt Nam và bạn bè quốc tế đến viếng Bác. Công trình có ý nghĩa to lớn thể hiện tình cảm sâu sắc của người dân Việt Nam với vị lãnh tụ kính yêu.

Bên cạnh đó, du khách đến đây có thể ghé thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh – nơi lưu giữ nhiều hiện vật về quãng đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nhà sàn Bác Hồ và khu di tích trong Phủ Chủ Tịch.

Hồ Hoàn Kiếm 

Hồ Hoàn Kiếm là địa danh nổi tiếng với các du khách khi đến Hà Nội. Ở giữa hồ có tháp Rùa cổ kính, xung quanh là hệ thống cây xanh và đường đi bộ tuyệt đẹp. Ngoài ra, khi tới hồ Hoàn Kiếm, du khách cũng đừng quên đi qua cầu Thê Húc, Tháp Bút, vào đền Ngọc Sơn thắp hương.

Hồ Tây

Hồ Tây là hồ nước tự nhiên có diện tích khoảng 500ha. Đi một vòng quanh hồ là đi quãng đường dài 20km. Không có thời gian hồ Tây được hình thành nhưng có thể đã có tuổi hàng ngàn năm.

Hồ Tây là thắng cảnh đẹp, thu hút đông du khách khi đến Hà Nội. Ven hồ có những cung đường uốn lượn ấn tượng và các quán cafe với view ra hồ đưa đến trải nghiệm thú vị cho mọi người. Khi đến đây, du khách còn được chiêm bái chùa Trấn Quốc hay Phủ Tây Hồ đều là các công trình Phật giáo linh thiêng.

Văn Miếu Quốc Tử Giám

Văn Miếu Quốc Tử Giám là trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Trải qua cả ngàn năm hình thành, đến nay, Văn Miếu Quốc Tử Giám vẫn giữ được những công trình kiến  trúc cổ kính.

Văn Miếu được xây dựng vào năm 1070, dưới thời vua Lý Thánh Tông. Nơi đây thờ Khổng Tử, các bậc Hiền triết của Nho giáo và Tư nghiệp Quốc tử giám Chu Văn An.

Trong khuôn viên của Văn Miếu Quốc Tử Giám có những hàng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, các con đường lát gạch rợp bóng cây xanh. Du khách được thăm bia Tiến sĩ vẫn còn được bảo tồn nguyên vẹn theo thời gian ở đây.

Chùa Một Cột

Chùa Một Cột còn có tên khác là Liên Hoa Đài hay Diên Hựu Tự. Đây là công trình kiến trúc độc đáo của Việt Nam và châu Á.Kiến trúc của chùa tựa như đoá sen trên mặt hồ nước.  Chùa đã được xây dựng vào năm Kỷ Sửu, niên hiệu Sùng Hưng Đại Bảo 1 (năm 1049) đời Lý Thái Tông. Ngày 28/4/1962, chùa Một Cột đã được xếp hạng Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Hình ảnh của chùa tượng trưng cho đoá sen mà Phật Bà Quan Âm ban tặng cho vua Lý Thái Tông trong một lần nằm mộng.

Nhà Hát Lớn Hà Nội

Nhà Hát Lớn nằm tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Công trình nhà hát này giữ được nguyên vẹn kiến trúc và nghệ thuật Pháp từ xưa để lại. Nhìn từ bên ngoài, công trình nguy nga, tráng lệ, nội thất bên trong sang trọng, phù hợp tổ chức các chương trình, nghệ thuật biểu diễn.

Nhà Hát Lớn Hà Nội phỏng theo kiến trúc của  nhà hát Opéra Garnier ở Paris. Từ địa điểm này, du khách có thể sang khu vực Bảo Tàng Lịch Sử Quốc gia để tham quan hoặc qua phố Tràng Tiền ra hồ Hoàn Kiếm.

Phố cổ Hà Nội

Phố cổ Hà Nội là khu vực buôn bán sầm uất từ xa xưa. Đến nay, nhiều căn nhà cổ đã được thay thế bằng các căn nhà cao tầng nhưng nhiều nét cổ kính, thâm trầm, nhịp sống của nơi đây từ xưa vẫn được lưu giữ. Khu phố cổ Hà Nội thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm tổng diện tích khoảng 100 ha, có 76 tuyến phố thuộc 10 phường.

Du khách có thể đi dạo qua các con phố ngắn, nhỏ đan xen nhau theo hình ô bàn cờ tại khu vực này để cảm nhận sự nhộn nhịp và nét đẹp riêng của phố cổ Hà Nội.

Nhà Thờ Lớn Hà Nội

Toạ lạc tại điểm giao 3 con phố là Nhà Thờ, Lý Quốc Sư và Nhà Chung, Nhà Thờ Lớn Hà Nội là Nhà thờ chính toà của Tổng giáo phận Hà Nội.

Nhà Thờ Lớn Hà Nội được đánh giá là là một trong những kiến trúc nhà thờ đẹp nhất ở Việt Nam. Công trình được xây từ năm 1884-1886 và là một trong những nhà thờ được xây dựng sớm nhất ở nước ta.

Công trình có chiều rộng 20,5m, dài 64,5m, có 2 tháp chuông cao 31,5m, trên đỉnh là cây thánh giá bằng đá.

Chùa Trấn Quốc

Chùa Trấn Quốc toạ lạc ở phía Đông của hồ Tây. Đây là ngôi chùa cổ và linh thiêng bậc nhất Hà Nội. Chùa toạ lạc trên gò đất nhìn từ xa như một hòn đảo nhỏ với khung cảnh yên bình, thanh tịnh.

Chùa được xây từ thời tiền Lý, thế kỷ thứ 6. Năm 1440, vua Lê Thái Tông đổi tên chùa từ Khai Quốc thành An Quốc. Chùa có tên Trấn Quốc từ thời vua Lê Hy Tông.

Xét về tổng thể, nhìn từ trên cao, chùa có hình chữ Công với 3 phần chính là Thượng điện, Tiền đường và Nhà Thiêu hương.

Làng gốm Bát Tràng 

Với những du khách đam mê tìm hiểu về gốm sứ, cách làm một món đồ gốm sứ thì làng gốm Bát Tràng là địa điểm không thể bỏ qua.

Theo nghĩa Hán Việt, “Bát” nghĩa là cái “bát ăn cơm”, còn chữ “Tràng” nghĩa là “sân lớn”. Vì vậy, có thể hiểu nơi đây là địa điểm sản xuất gốm sứ.

Bát Tràng là làng gốm lâu đời bậc nhất Việt Nam. Gốm sứ thủ công Bát Tràng đã được nhắc đến trong các thư tịch cổ.