VNReport»Sự kiện & Bình luận»Kinh tế Đông Nam Á nhiều triển vọng tăng trưởng

Kinh tế Đông Nam Á nhiều triển vọng tăng trưởng

17:28 - 01/12/2022

Bất chấp lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều nền kinh tế Đông Nam Á đang cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19.

Mặc dù thế giới đang phải đối mặt với thời kỳ tăng trưởng yếu và lạm phát cao kéo dài, khu vực Đông Nam Á vẫn tăng trưởng tích cực và kỳ vọng về tương lai tươi sáng.

Trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng toàn cầu bị hạ bậc, Báo cáo Triển vọng tháng 9/2022 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã nâng dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDPP) của khu vực Đông Nam Á từ 4,9% lên 5,1%. Ngân hàng HSBC kỳ vọng Thái Lan, Singapore, Indonesia, Philippines, Malaysia và Việt Nam sẽ tăng trưởng từ 3,2% lên 7,6% trong năm 2022 bất chấp những bất ổn và biến động kinh tế.

Giới chuyên gia kinh tế quốc tế nhận định, tại phương Tây, lạm phát ở ngưỡng khoảng 10%. Trong khi đó, tại khu vực Đông Nam Á, lạm phát vẫn ở mức tương đối khả quan, nhất là khi các nước đang cho thấy sự vào cuộc mạnh mẽ để kiểm soát chặt chẽ lạm phát.

Cùng với đó, trong khi các đơn vị tiền tệ như đồng Euro của EU, đồng Won của Hàn Quốc, đồng Yen của Nhật… đều sụt giá mạnh so với đồng USD, trong khi tiền tệ của các nước ASEAN thì không bị sụt giá mạnh.

Kinh tế Đông Nam Á vẫn duy trì xu hướng tăng trưởng bất chấp biến động thế giới

Năm 2022, khảo sát của HSBC đối với 1.500 công ty từ Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Mỹ, Vương quốc Anh cho thấy 90% công ty nước ngoài hoạt động trong khu vực Đông Nam Á có kế hoạch tăng cường sự hiện diện trong hai năm tới. 2/3 trong số này kỳ vọng tăng trưởng cơ bản từ 20% trở lên trong 12 tháng tới.

Bên cạnh đó, nhờ sự cởi mở và chủ động trong các thỏa thuận thương mại quốc tế, ASEAN gồm 10 thành viên là khối thương mại phát triển nhanh nhất thế giới và hiện chiếm gần 8% xuất khẩu toàn cầu. Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, ASEAN hiện chiếm khoảng 10% tổng đầu tư toàn cầu, gần bằng với Trung Quốc đại lục.

Một trong số những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng của Đông Nam Á là dân số khu vực ngày càng trở nên giàu có và có học thức, với lực lượng lao động ngày càng lành nghề và mức lương cạnh tranh. Bên cạnh đó, dân số trẻ và năng động còn thúc đẩy tiêu dùng và thương mại điện tử. EMarketer dự báo doanh số bán hàng thương mại điện tử của khu vực sẽ tăng 21%, mức nhanh nhất trên thế giới, lên 90 tỷ USD trong năm 2022.

Hơn nữa, khi thế giới dần trở lại bình thường và các hạn chế đi lại được nới lỏng, khu vực Đông Nam Á càng nhận được sự thúc đẩy đáng kể, đặc biệt là đối với các nền kinh tế chú trọng du lịch giống như Thái Lan.

Dù triển vọng tích cực tuy nhiên Đông Nam Á vẫn đối mặt với không ít thách thức. Lạm phát toàn cầu sẽ làm giảm nhu cầu xuất khẩu, trong khi những thách thức địa chính trị làm gia tăng mức độ bất ổn sẽ ảnh hưởng không ít đến các quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam, Thái Lan và Malaysia.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu được coi là thách thức lớn nhất. Đông Nam Á là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất trên thế giới liên quan tới sự nóng lên toàn cầu nói chung và mực nước biển dâng cao. ADB ước tính, nếu không được kiểm soát, biến đổi khí hậu sẽ làm giảm 11% GDP của Đông Nam Á vào cuối thế kỷ này.

Mặc dù vậy, dự báo những năm tới sẽ là thời kỳ đầy hứa hẹn đối với Đông Nam Á, với những cơ hội tiềm năng từ tính bền vững và công nghệ kỹ thuật số đến thương mại. Trong bối cảnh thế giới đầy biến động hiện nay, việc hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia ASEAN để tạo động lực tăng trưởng bền vững cho kinh tế khu vực là hết sức quan trọng.

Một khu vực ASEAN có nền kinh tế năng động, bền vững không chỉ đóng góp vào tăng trưởng chung của kinh tế toàn cầu, mà còn giúp khối giữ vững được “vai trò trung tâm” trong các cơ chế hợp tác đa phương ở khu vực Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương.