VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Triều Tiên thiếu lương thực

Triều Tiên thiếu lương thực

17:13 - 03/03/2023

Tình hình cung cấp lương thực ở Triều Tiên trở nên tồi tệ hơn trong những tháng gần đây do các hạn chế biên giới liên quan đến Covid-19 và thiên tai.

Triều Tiên đang trải qua nạn đói trên diện rộng khi đất nước này phải hứng chịu một trong những cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.

Tuần này, chính quyền Bình Nhưỡng tổ chức một cuộc họp khẩn cấp về nông nghiệp và kinh tế. Một cuộc họp như vậy rất hiếm và cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình hình, theo các quan chức Hàn Quốc.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ra lệnh cho các quan chức giải quyết vấn đề nguồn cung lương thực bằng thiết bị canh tác tốt hơn và phương pháp khoa học trong cuộc họp toàn thể kéo dài 4 ngày, theo truyền thông nhà nước Triều Tiên. Báo cáo không nêu chi tiết về các chính sách cụ thể nhưng cho biết ông Kim kêu gọi thay đổi cơ bản trong sản xuất nông nghiệp để tạo ra bước ngoặt cho sự thịnh vượng của đất nước.

Với dân số 26 triệu người, Triều Tiên thường xuyên rơi vào tình trạng bấp bênh về lương thực do quản lý kinh tế yếu kém. Nhưng tình hình trở nên tồi tệ hơn trong những tháng gần đây do các hạn chế biên giới trong đại dịch Covid-19, cũng như lũ lụt và hạn hán vào năm ngoái ảnh hưởng đến mùa màng. Tháng 5 năm ngoái, Triều Tiên báo cáo đợt hạn hán tồi tệ thứ hai kể từ khi nước này bắt đầu đo đạc vào năm 1981, ảnh hưởng đến thủ đô Bình Nhưỡng và các tỉnh lân cận. Vào mùa hè, khu vực dọc biên giới với Trung Quốc bị ngập lụt sau những trận mưa lớn.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ra lệnh cho các quan chức giải quyết vấn đề nguồn cung lương thực.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ra lệnh cho các quan chức giải quyết vấn đề nguồn cung lương thực.

Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, ít có khả năng Triều Tiên phải chịu nạn đói với quy mô như những năm 1990, khi Liên Xô dừng hỗ trợ lương thực cho họ, nhưng đã có báo cáo về các trường hợp chết vì đói. Các chuyên gia về Triều Tiên cho biết cuộc khủng hoảng này là một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ nạn đói những năm 1990 và có nguy cơ gieo rắc bất ổn nếu chế độ không cho thấy họ đang cố gắng giải quyết vấn đề.

Kwon Tae-jin – nhà kinh tế cấp cao chuyên về nông nghiệp Triều Tiên tại Viện GS&J ở Hàn Quốc – cho biết: “Tình trạng mất an ninh lương thực sẽ dẫn đến sự mất lòng tin vào chế độ ngày càng tăng và phiên họp toàn thể nhằm mục đích cho thấy chính phủ nghiêm túc trong giải quyết vấn đề lương thực”.

Theo Cơ quan Phát triển Nông thôn Hàn Quốc, trong năm 2022, sản lượng lương thực của Triều Tiên giảm khoảng 180.000 tấn so với năm trước. Sự sụt giảm trong sản xuất lương thực được cho là do hạn hán và lũ lụt, cũng như các biện pháp kiểm soát xuất khẩu phân bón của Nga.

Chính phủ Hàn Quốc ước tính Triều Tiên sản xuất được 4,5 triệu tấn ngũ cốc trong năm ngoái, giảm 3,8% so với năm 2021. Cơ quan tình báo Hàn Quốc cho biết Triều Tiên cần khoảng 5,5 triệu tấn ngũ cốc để nuôi dân số.

Hơn 10 triệu người Triều Tiên bị suy dinh dưỡng và đói trong đại dịch, với 41% dân số bị suy dinh dưỡng từ năm 2019 đến 2021, theo một báo cáo được công bố vào năm ngoái bởi Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc. Khoảng 1/5 trẻ em Bắc Triều Tiên bị chậm phát triển.

Ông Kwon từ Viện GS&J cho biết các biện pháp hạn chế biên giới do Covid-19 của Triều Tiên làm giảm cả hoạt động nhập khẩu chính ngạch cũng như dòng hàng hóa buôn lậu tại biên giới. Ông cho biết lượng lương thực sẵn có ở Triều Tiên thay đổi theo vùng, với lý do giá gạo và ngô khác nhau trên cả nước. Nhưng tính trung bình, giá ngô đã tăng gấp đôi, cho thấy nhiều người đang sử dụng nó để thay thế gạo trong khẩu phần ăn của họ.

Việc đóng cửa biên giới cũng làm dừng dòng viện trợ quốc tế và ngăn cản các nhân viên cứu trợ nước ngoài vào Triều Tiền, gây khó khăn cho nỗ lực đánh giá mức độ nghiêm trọng của tình hình. Tuy nhiên, thiệt hại về thương mại và viện trợ quốc tế làm tổn thương nền kinh tế Triều Tiên vốn đã yếu do quản lý yếu kém trong nhiều thập kỷ.

Triều Tiên chi gần 1/4 tổng sản phẩm quốc nội cho quân đội, theo ước tính của Bộ Ngoại giao Mỹ. Chính quyền Kim chi từ 340 triệu đến 530 triệu USD cho các vụ phóng tên lửa đạn đạo vào năm ngoái, đủ để trang trải chi phí cung cấp lương thực trong vài tháng cho người dân Triều Tiên, theo ước tính của Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc.

Tình hình sản xuất lương thực ở Triều Tiên đã bấp bênh từ lâu.

Tình hình sản xuất lương thực ở Triều Tiên đã bấp bênh từ lâu.

Ngay cả giới quân đội – thường nhận những đặc quyền đặc biệt ở Triều Tiên – cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu lương thực, theo Lee Sang-yong – người điều hành một trang web tin tức ở Seoul và có một mạng lưới nguồn tin bên trong Triều Tiên. Ông Lee cho biết các quan chức quân đội không nhận được khẩu phần lương thực cho gia đình họ trong một vài tháng vào năm ngoái. Ông bổ sung thêm rằng các hiệu thuốc chỉ có 1/5 nguồn cung cấp vật tư y tế so với trước đại dịch.

“Việc không thể cung cấp cho quân đội, cơ sở hỗ trợ trung thành nhất của chế độ Kim, cho thấy vấn đề lương thực rất nghiêm trọng”, ông Lee nói.

Bộ trưởng Thống nhất của Hàn Quốc, Kwon Young-se, nói với các nhà lập pháp vào tháng 2 rằng Triều Tiên đã yêu cầu sự giúp đỡ từ Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã xuất hiện tại một số sự kiện gần đây cùng với 1 trong 3 người con của ông, con gái Kim Ju Ae, làm dấy lên suy đoán về lý do tại sao ông Kim lại làm việc này. Bộ trưởng Bộ Thống nhất cho biết rằng những lần xuất hiện có thể nhằm mục đích một phần để tăng cường sự ủng hộ dành cho chế độ Kim trong bối cảnh khủng hoảng nhân đạo.

Mặc dù Triều Tiên vẫn giữ nhiều hạn chế biên giới, hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy sự gia tăng thương mại giữa nước này và Nga. Các chuyên gia về Triều Tiên cho biết nhiên liệu và phân bón nhập khẩu từ Nga có thể giúp ích cho ngành nông nghiệp của Bình Nhưỡng, nhưng thương mại tăng cường không có khả năng hạ nhiệt cuộc khủng hoảng lương thực trong thời gian ngắn.

Alexander Matsegora – Đại sứ Nga tại Triều Tiên – đổ lỗi tình trạng thiếu lương thực ở Triều Tiên cho các biện pháp trừng phạt quốc tế. Viện trợ nhân đạo không chịu lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc.

Triều Tiên đã từ chối hỗ trợ nhân đạo từ Mỹ và Hàn Quốc. Thay vào đó, Bình Nhưỡng thúc giục người dân tự cung tự cấp khi đối mặt với khó khăn kinh tế. Vào tháng 2, tờ Rodong Sinmun của nước này so sánh viện trợ nhân đạo với kẹo độc.