VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Trịnh Văn Quyết: Từ người giàu nhất thị trường chứng khoán đến nhà giam

Trịnh Văn Quyết: Từ người giàu nhất thị trường chứng khoán đến nhà giam

17:12 - 16/11/2022

Có thời điểm tài sản lên tới 2,5 tỷ USD, Trịnh Văn Quyết bị bắt đầu năm nay vì “thao túng thị trường chứng khoán”, nhiều khả năng đặt dầu chấm hết cho một trong những nhân vật tai tiếng nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ngày 29/3, ông Trịnh Văn Quyết – đại gia bất động sản lớn và nhân vật có ảnh hưởng trên thị trường chứng khoán – bị bắt tạm giam với cáo buộc “thao túng thị trường chứng khoán”. Vụ việc này gây sốc cho thị trường, đặc biệt với những nhà đầu tư vào các doanh nghiệp thuộc “hệ sinh thái FLC” của ông Quyết.

Ông Quyết từng là người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ông Quyết từng là người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Từng là luật sư, nhưng ông Quyết lại có những hành vi vi phạm pháp luật để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của nhà đầu tư. Sau khi bị phát giác, vụ việc nên trở thành một bài học cho nhà đầu tư, cơ quan quản lý, cũng như lời cảnh báo cho các chủ doanh nghiệp muốn trục lợi phi pháp từ cổ phiếu của công ty mình.

Xây dựng “hệ sinh thái FLC”

Trịnh Văn Quyết sinh tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc ngày 27/11/1975. Ngay từ hồi còn đi học tại Đại học Luật Hà Nội, ông Quyết thể hiện sự nhạy bén trong kinh doanh bằng việc mở một trong những văn phòng gia sư đầu tiên ở Hà Nội. Sau đó, ông còn kinh doanh mua bán điện thoại. Những công việc đầu tiên giúp ông trả học phí và mang lại nguồn vốn ban đầu để mở một văn phòng luật ngay sau khi tốt nghiệp.

Sau khi thành lập văn phòng luật sư SMiC, ông Quyết tiếp tục thành lập công ty tư vấn SMiC. Các công ty này chuyên tư vấn về luật doanh nghiệp, luật đầu tư và các vấn đề sở hữu trí tuệ doanh nghiệp. Văn phòng luật của ông Quyết để lại dấu ấn qua vụ Honda Vietnam tranh chấp với công ty GMN về tiền đền bù đất ở Hưng Yên, hay vụ việc giữa Techcombank và một nhóm khách hàng năm 2005.

Năm 2008, ông Quyết sáng lập công ty Trường Phú Fortune – tiền đề để thành lập Tập đoàn FLC sau này. Ông Quyết cũng tham gia lĩnh vực chứng khoán với công ty chứng khoán FLC (sau này là công ty chứng khoán BOS). Ông Quyết bắt đầu ghi dấu trên thị trường bất động sản với việc khởi công dự án FLC Landmark Tower vào năm 2009. Đến năm 2010, ông đổi tên Trường Phú Fortune thành FLC, thu tất cả mảng kinh doanh về một mối.

Ông Trịnh Văn Quyết sáng lập FLC vào năm 2008, với tên ban đầu là Trường Phú Fortune.

Ông Trịnh Văn Quyết sáng lập FLC vào năm 2008, với tên ban đầu là Trường Phú Fortune.

Trong những năm sau đó, “đế chế” của ông Quyết ngày càng mở rộng, với động lực chính là mảng bất động sản. Năm 2014, FLC khởi công dự án bất động sản nghỉ dưỡng đầu tiên của công ty tại Sầm Sơn (Thanh Hóa). Hai năm sau đó là các dự án ở Hạ Long (Quảng Ninh) và Quy Nhơn (Bình Định). Những dự án đánh dấu FLC là một trong những doanh nghiệp lớn nhất cả nước trong mảng bất động sản nghỉ dưỡng.

Đến năm 2017, hệ thống các công ty FLC khá lớn, hầu hết xoay quanh lĩnh vực bất động sản. Nhằm đa dạng hóa tập đoàn, ông Quyết quyết định đầu tư vào ngành hàng không, với việc thành lập hãng hàng không Tre Việt (Bamboo Airways). Sau khi được cấp phép và thời gian chuẩn bị, Bamboo Airways cất cánh vào ngày 16/1/2019.

Tham gia vào thị trường hàng không đang bùng nổ, Bamboo Airways có những bước đi ban đầu đầy hứa hẹn, vươn lên đứng thứ ba về thị phần chỉ trong một năm (sau Vietjet Air và Vietnam Airlines).

Nhưng công ty sau đó phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử ngành hàng không. Năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới và Việt Nam đóng cửa biên giới. Điều này khiến doanh thu từ các chuyến bay quốc tế giảm về con số 0. Tuy vậy, nhờ tập trung vào thị trường trong nước, vốn tương đối “miễn nhiễm” với đại dịch, Bamboo Airways vẫn thể hiện khả năng chống chọi tốt. Lợi nhuận trước thuế năm 2020 của hãng thậm chí còn tăng 34%.

Đến năm 2021, khi thị trường trong nước cũng đóng băng vì đại dịch, Bamboo Airways không tránh khỏi khoản lỗ khổng lồ, lên đến gần 2.300 tỷ đồng.

Tỷ phú USD

Năm 2011, FLC trở thành công ty đầu tiên của ông Quyết niêm yết trên sàn chứng khoán, với mã FLC ở sàn HNX. Ngay từ thời gian đầu niêm yết, FLC thể hiện là cổ phiếu mang tính chất đầu cơ, với thị giá tăng khoảng ba lần từ khi lên sàn lần đầu vào tháng 10/2011 đến tháng 3/2012. Nhưng “bong bóng” này sau đó “xì hơi” nhanh chóng, với giá của FLC giảm về chỉ còn khoảng 1/8 mức giá đỉnh vào tháng 9/2012.

Bước ngoặt trên thị trường chứng khoán của ông Quyết đến khi công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros bắt đầu niêm yết ở sàn HoSE vào ngày 1/9/2016 với mã ROS. Vốn điều lệ khi chào sàn của cổ phiếu này đạt mức 4.300 tỷ đồng. Đến năm 2022, con số này mới bị Bộ Công an vạch trần là do ông Quyết nâng khống hàng nghìn lần.

Với giá tham chiếu phiên đầu tiên là 10.500 đồng/cổ phiếu, tương đương vốn hóa khoảng 4.500 tỷ đồng, ROS ngay lập tức tăng trần 12 phiên liên tiếp và tổng cộng 30 phiên chỉ sau hai tháng niêm yết, đạt tổng mức tăng gần 600%. Trong khoảng một năm kể từ khi niêm yết, giá cổ phiếu ROS tăng lên gấp 20 lần, đồng thời là một trong những cổ phiếu được mua bán nhiều nhất trên thị trường, với giá trị giao dịch mỗi phiên lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Vào đầu tháng 11/2017, cổ phiếu ROS đạt mức đỉnh lịch sử 214.000 đồng (sau điều chỉnh còn khoảng 178.000 đồng). Vốn hóa của công ty lên tới hơn 100.000 tỷ đồng. Cổ phiếu này cũng lọt vào nhóm VN30 bao gồm 30 cổ phiếu được đánh giá là có quy mô và sức ảnh hưởng lớn nhất trên sàn HoSE, trong đợt đánh giá tháng 7/2017.

Giá cổ phiếu ROS tăng 20 lần trong một năm nhưng sau đó giảm mạnh.

Giá cổ phiếu ROS tăng 20 lần trong một năm nhưng sau đó giảm mạnh.

Sở hữu hàng trăm triệu cổ phiếu ROS, ông Quyết hưởng lợi lớn từ đà tăng giá này. Cuối năm 2016, ông trở thành tỷ phú USD thứ hai trên thị trường chứng khoán Việt Nam, sau ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Tập đoàn Vingroup. Khi cổ phiếu ROS tiếp tục tăng giá không ngừng, có thời điểm, ông Quyết vượt ông Vượng để trở thành người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Ở thời kỳ đỉnh cao, giá trị tài sản của ông Quyết lên đến gần 60.000 tỷ đồng, tương ứng khoảng 2,5 tỷ USD.

Dù vậy, ông Quyết không được tổ chức quốc tế nào công nhận là một tỷ phú USD, có thể vì hầu hết khối tài sản của ông, lên đến 98%, là từ cổ phiếu ROS. Đà tăng giá của cổ phiếu này bị nhiều chuyên gia đặt dấu hỏi. Với lợi nhuận ròng hàng năm chỉ khoảng vài trăm triệu đồng, định giá của ROS lớn gấp hàng trăm lần lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu. Đây là điểu bất thường, đặc biệt đối với một công ty xây dựng – lĩnh vực thường chỉ ghi nhận tỷ lệ này ở khoảng 10x.

Bê bối

Ngay ở thời đỉnh cao, có nhiều dấu hiệu cho thấy ông Quyết là người sẵn sàng sử dụng mánh khóe, thủ thuật để thao túng thị trường chứng khoán.

Từ ngày 20/10 đến 24/10/2017, trong vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC, ông Quyết bán 57 triệu cổ phiếu FLC mà không đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM. Ông Quyết bán chui cổ phiếu ở mức giá 7.100-7.700 đồng, tổng giá trị giao dịch ước tính hơn 400 tỷ đồng. Ngay sau đó, cổ phiếu FLC mất gần 10% giá trị.

Theo nhiều chuyên gia chứng khoán và nhà đầu tư, hành vi này của ông Quyết nên bị xử phạt nặng, thậm chí xem xét xử lý hình sự. Nhưng ngày 10/11/2017, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quyết định xử phạt ông Quyết số tiền chỉ 65 triệu đồng, con số quá nhỏ so với quy mô của hành động bán chui trước đó.

Ông Quyết bán chui số cổ phiếu trị giá 400 tỷ đồng vào năm 2017.

Ông Quyết bán chui số cổ phiếu trị giá 400 tỷ đồng vào năm 2017.

Ông Nguyễn Hoàng Hải – Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam nói rằng vi phạm của ông Quyết khiến hàng trăm nhà đầu tư bị thua lỗ. Hiệp hội chỉ ra rằng ông Quyết từng tuyên bố mua 37 triệu cổ phiếu FLC vào ngày 23/10, khiến nhiều người khác tăng cường mua cổ phiếu FLC, khiến giá trị giao dịch tăng lên 3-4 lần bình thường. Nhưng sau đó, ông Quyết không mua vào mà thậm chí bán ra, đẩy toàn bộ thiệt hại về những nhà đầu tư khác.

Chỉ bị phạt tiền nhẹ, nhưng sau vụ việc này, niềm tin của nhà đầu tư với ông Quyết lung lay mạnh, khiến cổ phiếu ROS “vỡ bong bóng”, mất khoảng một nửa giá trị chỉ trong 12 phiên và khoảng 70% tính đến giữa năm 2018. Sau đó, cổ phiếu này giảm dần và trở về mệnh giá 10.000 đồng hồi đầu năm 2020. Đến tháng 1/2021, ROS cũng bị loại ra khỏi nhóm VN30 sau hơn ba năm.

Sau vài năm khó khăn, giá trị tài sản của ông Quyết giảm về còn hơn 2.000 tỷ đồng vào cuối năm 2020, các cổ phiếu thuộc “họ FLC” tăng mạnh trở lại trong năm 2021, khi toàn bộ thị trường chứng khoán tăng vọt với sự tham gia của hàng triệu nhà đầu tư mới. Điều này thúc đẩy ông Quyết cố gắng bán chui cổ phiếu một lần nữa.

Ngày 10/1, thị trường chứng khoán bất ngờ khi cổ phiếu FLC được giao dịch với khối lượng lớn nhất trong lịch sử, lên tới 135 triệu đơn vị. Sau khi kết thúc phiên giao dịch, trang web của FLC công bố đơn đăng ký bán 175 triệu cổ phiếu FLC của ông Quyết, với thời gian dự kiến từ ngày 10-17/1.

Nhưng không giống như lần bán chui trước đó, lần này, ông Quyết phải nhận hình phạt nặng hơn nhiều. Ngày 11/1, HoSE thông báo hủy giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC của ông Quyết vào ngày 10/1 vì ông không công bố thông tin trước khi giao dịch. Sau đó, ông bị xử phạt 1,5 tỷ đồng và đình chỉ giao dịch chứng khoán trong 5 tháng.

Rơi vào vòng lao lý

Hai tháng sau khi bị xử phạt nặng vì đợt bán chui ngày 10/1, đến ngày 29/3, cơ quan công an quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Quyết vì cáo buộc “thao túng thị trường chứng khoán”. Nhà chức trách cho rằng ông điều hành nhân viên sử dụng 20 tài khoản chứng khoán, liên tục mua bán để tạo cung cầu giả nhằm giao dịch chui 1.689 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra xác định rằng từ ngày 1/12/2021 đến 10/1, các thuộc cấp của ông Quyết tạo cung cầu giá để thao túng giá cổ phiếu tăng từ 14.650 đồng lên 24.000 đồng. Khi cổ phiếu được đẩy giá lên cao, ông Quyết và người thân đặt lệnh bán 175 triệu cổ phiếu nhưng không công bố thông tin trước theo quy định. Nhà chức trách cáo buộc rằng ông Quyết hưởng lợi bất chính hơn 530 tỷ đồng.

Ông Trịnh Văn Quyết bị bắt vào ngày 29/3.

Ông Trịnh Văn Quyết bị bắt vào ngày 29/3.

Sau đó, Bộ Công an cũng bắt giữ những người thân và cấp dưới của ông Quyết bị cáo buộc có liên quan đến vụ việc, bao gồm hai em gái của ông, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị và một kế toán viên của FLC cùng Tổng giám đốc công ty cổ phần chứng khoán BOS – đơn vị giúp sức cho ông Quyết thao túng chứng khoán.

Cơ quan điều tra cũng lật lại những lùm xùm liên quan đến cổ phiếu ROS, cho biết ông Quyết và các đồng phạm tăng khống vốn điều lệ của doanh nghiệp này. Theo Bộ Công an, nhóm nâng khống vốn điều lệ từ 1,5 tỷ đồng vào tháng 3/2014 lên 4.300 tỷ đồng vào tháng 3/2016, trước khi đưa cổ phiếu lên sàn vào tháng 9/2016. Vụ việc này khiến ông Trịnh Văn Quyết và một số người liên quan bị khởi tố thêm tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Số tiền mà họ bị cáo buộc chiếm đoạt là hơn 6.400 tỷ đồng.

Sau vụ bắt giữ ông Quyết, các cổ phiếu thuộc hệ sinh thái FLC chìm vào khủng hoảng, thua lỗ và lần lượt phải rời sàn. Vì không thể công bố báo cáo tài chính đúng hạn, các mã ROS, FLC và HAI bị đình chỉ giao dịch, với ROS bị hủy niêm yết ở sàn HoSE. Mức giá cuối cùng của các cổ phiếu này chỉ từ 1.400-3.600 đồng – bằng một phần rất nhỏ so với thị giá thời đỉnh cao. Các mã khác như AMD, KLF hay ART đang trên đường giảm về 0 và có khả năng cũng bị hủy giao dịch.

Cái kết của một tỷ phú

Bị cáo buộc lừa đảo hàng nghìn tỷ đồng, ông Quyết có thể bị phạt tù hàng chục năm, thậm chí tù chung thân, theo luật sư Lâm Thị Mai Anh thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội. Nếu phải nhận mức án này, ông Quyết không còn cơ hội vực dậy các doanh nghiệp.

Các tài sản của hệ sinh thái FLC đang lần lượt ra đi nhằm đảm bảo nghĩa vụ với các chủ nợ. Theo một báo cáo của ngân hàng OCB, hàng trăm căn thuộc khách sạn Grand Hotel ở Sầm Sơn, Thanh Hóa bị siết để trả nợ cho FLC Faros. Một thửa đất ở Vĩnh Thịnh, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc bị lấy để thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho FLC Travel, FLC Land và Bamboo Airways.

Tòa nhà trụ sở của FLC bị bán để trả nợ.

Tòa nhà trụ sở của FLC bị bán để trả nợ.

Hàng loạt bất động sản khác của FLC ở Thanh Hóa, Quy Nhơn, TP HCM… cũng bị các ngân hàng siết nợ. Thậm chí, đến trụ sở công ty cũng bị bán để trang trải nợ nần. Cuối tháng 10, FLC cho biết đạt được thỏa thuận bán tòa nhà số 265 Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội – nơi đặt trụ sở của FLC, Bamboo Airways và các công ty thành viên khác với giá 2.000 tỷ đồng.

Tài sản của cá nhân ông Quyết cùng bị bán, bao gồm xe Rolls-Royce Ghost. Chiếc siêu xe mạ vàng này được đem ra đấu giá lần đầu vào đầu tháng 10 với mức giá khởi điểm 10 tỷ đồng. Sau hai lần đấu giá không có người mua, mức giá khởi điểm của tài sản này hiện giảm xuống còn 9,4 tỷ đồng.

Bamboo Airways có lẽ là mảnh ghép giá trị nhất còn lại trong “bức tranh” FLC cũng sắp sang tay chủ mới. Ngày 16/8, ông Dương Công Minh trở thành cố vấn cao cấp hội đồng quản trị của hãng hàng không này. Ông Minh là lãnh đạo nhiều tập đoàn lớn như Sacombank, công ty cổ phần Him Lam…

Động thái báo hiệu rằng Bamboo Airways có thể được mua lại, đặc biệt khi Sacombank nắm giữ nhiều cổ phiếu của Bamboo Airways dưới dạng tài sản thế chấp cho các khoản vay của nhóm FLC.

Ông Quyết có lẽ sẽ được nhớ đến với những hành vi thao túng chứng khoán nhiều hơn là những thành công trong sự nghiệp kinh doanh của ông. Ngay cả khi các cổ phiếu FLC và ROS dừng giao dịch, nhà đầu tư chứng khoán vẫn nhắc đến chúng như ví dụ của những cổ phiếu chuyên để đầu cơ, bị chủ doanh nghiệp thao túng nhằm “úp bô” nhà đầu tư.

Đây là bài học cho nhà đầu tư trên thị trường nên tránh những cổ phiếu bị đẩy lên quá cao so với giá trị thật và có diễn biến giá bất thường. Thực tế, ngay cả sau khi ông Quyết bị phát hiện bán chui cổ phiếu vào năm 2017, nhiều người vẫn mua các cổ phiếu “họ FLC” với mục đích đầu cơ mà không quan tâm đến những hành vi mờ ám của lãnh đạo doanh nghiệp.

Cơ quan quản lý cũng cần xử phạt nghiêm khắc và điều tra sát sao hơn những vi phạm trên thị trường chứng khoán. Nếu ông Quyết bị phạt nặng khi bán chui cổ phiếu lần đầu, có thể sẽ không xảy ra vụ việc đầu năm nay. Nếu hành vi nâng khống vốn điều lệ bị phát giác sớm hơn khi mà các đơn vị kiểm toán lưu ý đến cơ cấu tài chính bất thường của FLC Faros, nhà đầu tư có thể không bị thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.