VNReport»Kinh tế»Tài chính»Trung Quốc hạ lãi suất

Trung Quốc hạ lãi suất

09:47 - 16/08/2022

Nhiều dữ liệu kinh tế của Trung Quốc trong tháng 7 xấu đi, từ doanh thu bán lẻ, giá bất động sản đến tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ.

Nền kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn trong tháng 7 sau khi động lực nhờ nới lỏng phong tỏa biến mất, khiến ngân hàng trung ương nước này bất ngờ cắt giảm 2 loại lãi suất chính trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng đang chững lại.

Một loạt dữ liệu được công bố hôm thứ Hai cho thấy hoạt động kinh tế chậm lại trên diện rộng trong tháng 7, bao gồm sản lượng nhà máy, đầu tư, chi tiêu tiêu dùng, việc làm của giới trẻ và bất động sản. Điều này cho thấy thách thức kinh tế mà Bắc Kinh phải đối mặt trong một năm nhạy cảm về chính trị đối với nhà lãnh đạo Tập Cận Bình. Ông nhiều khả năng sẽ phá vỡ tiền lệ với nhiệm kỳ nắm quyền thứ 3 vào cuối năm nay.

Các nhà kinh tế cho rằng những động thái chính sách hôm thứ Hai không thúc đẩy hộ gia đình và doanh nghiệp vay nhiều hơn. Họ vẫn đứng trước mối đe dọa gián đoạn cuộc sống liên quan đến Covid và triển vọng u ám trong bối cảnh tăng trưởng và việc làm xấu đi.

Bằng chứng mới về sự chậm lại của Trung Quốc làm tăng thêm những khó khăn mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt trong năm nay. Nền kinh tế thế giới đang lao đao vì hậu quả từ cuộc xâm lược Ukraine của Nga và những nỗ lực của các ngân hàng trung ương ở nhiều nền kinh tế lớn kiềm chế lạm phát bằng cách tăng chi phí vay.

Giá nhà mới trung bình ở Trung Quốc giảm tháng thứ 11 liên tiếp trong tháng 7.

Giá nhà mới trung bình ở Trung Quốc giảm tháng thứ 11 liên tiếp trong tháng 7.

Tác động nhanh chóng được cảm nhận thấy trên thị trường hàng hóa, phản ánh vị thế của Trung Quốc là nước tiêu thụ nguyên liệu thô lớn nhất thế giới. Giá dầu thô Brent giao sau giảm hơn 5% xuống 93,19 USD/thùng, đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ giữa tháng 2, trước khi cuộc chiến ở Ukraine khiến thị trường tăng cao. Giá đồng giảm 2,5% xuống khoảng 7.900 USD/tấn và giá đậu tương giao sau mất 3,1% xuống 14,09 USD/giạ. Trung Quốc tiêu thụ khoảng 15% lượng dầu của thế giới, nhập khẩu nhiều dầu thô hơn bất kỳ nước nào khác và tiêu thụ hơn một nửa lượng đồng tinh luyện trên toàn cầu.

Chứng khoán Mỹ và lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc cũng giảm, trong khi đồng USD tăng khoảng 0,7% so với đồng nhân dân tệ ở nước ngoài.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ở tình trạng căng thẳng dưới tác động của cách tiếp cận “zero Covid” và bong bóng bất động sản xì hơi, gây ra các cuộc biểu tình và tẩy chay thanh toán thế chấp ở một số địa phương. Alicia García-Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại ngân hàng đầu tư Natixis ở Hong Kong, cho biết người tiêu dùng ngại chi tiêu và doanh nghiệp ngại đầu tư, một hệ quả của “sự không chắc chắn khổng lồ về tương lai”.

Một dấu hiệu rõ ràng cho thấy kinh tế Trung Quốc bất ổn: 19,9% thanh niên Trung Quốc, tương đương gần 1/5, thất nghiệp vào tháng 7, theo số liệu công bố hôm thứ Hai. Đây là mức cao nhất kể từ khi Trung Quốc bắt đầu công bố dữ liệu này vào năm 2018.

Hôm thứ Hai, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) giảm 0,1 điểm phần trăm 2 loại lãi suất chính và bơm số tiền tương đương 59,3 tỷ USD vào hệ thống tài chính để thúc đẩy tín dụng và tăng trưởng kinh tế. Một số nhà kinh tế cho biết rằng động thái bất ngờ này đánh dấu một bước tiến nhỏ nhằm hỗ trợ nhiều hơn cho nền kinh tế Trung Quốc và có thể báo trước việc cắt giảm chi phí vay trong những tháng tới.

“Tăng trưởng nhu cầu trong nước vẫn còn mong manh, bị kìm hãm bởi các chính sách của chính phủ cũng như lo ngại gia tăng về triển vọng của nền kinh tế, vì vậy PBOC đang cố gắng làm những gì có thể để ít nhất là hỗ trợ doanh nghiệp và niềm tin của người tiêu dùng nhằm thúc đẩy nhu cầu”, theo Eswar Prasad – giáo sư kinh tế tại Đại học Cornell.

Trong tháng 7, cứ 5 thanh niên Trung Quốc thì có 1 người thất nghiệp.

Trong tháng 7, cứ 5 thanh niên Trung Quốc thì có 1 người thất nghiệp.

Tuy nhiên, các quan chức chính phủ hàng đầu báo hiệu rằng họ không thấy cần thực hiện những biện pháp kích thích quy mô lớn như từng tung ra sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-09 và những đợt hỗn loạn kinh tế gần đây. Họ nhắc đến những rủi ro như lạm phát và nợ gia tăng, đồng thời đối lập quan điểm tài chính và tiền tệ của Bắc Kinh với điều mà họ cho là sự hoang phí ở phương Tây.

Kế hoạch thúc đẩy cơ sở hạ tầng chưa có kết quả đáng kể. Các nhà kinh tế cho rằng điều này phản ánh những hạn chế về tài chính của những chính quyền địa phương cũng như sự thiếu hụt các dự án sẵn sàng triển khai.

Tại một sự kiện do Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức vào cuối tháng 7, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp rằng chính phủ sẽ không triển khai những biện pháp kích thích lớn hoặc bơm quá nhiều tiền mới vào hệ thống tài chính, thay vào đó hướng tới giá cả ổn định và thành tích kinh tế “tương đối tốt”, theo báo chí nhà nước.

Các quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc thông báo không có biện pháp kích thích tài chính mới nào tại một cuộc họp vào cuối tháng trước và cam kết gắn bó với chính sách “zero Covid”. Họ cũng không nhắc đến mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm nay, và câu hỏi hiện nay đối với nhiều nhà kinh tế là mức tăng trưởng sẽ kém mục tiêu đó bao nhiêu.

Hôm thứ Hai, các nhà kinh tế tại Standard Chartered cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2022 của nền kinh tế Trung Quốc xuống 3,3% từ mức 4,1% trước đó. Các nhà kinh tế Wei Li, Shuang Ding và Hunter Chan cho biết: “Chúng tôi dự báo con đường phục hồi kinh tế của Trung Quốc khó khăn”.

Dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm thứ Hai cho thấy sản xuất công nghiệp tăng 3,8% so với một năm trước đó vào tháng Bảy, giảm so với mức tăng 3,9% của tháng 6 và thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng tăng trưởng 4,5% của các nhà kinh tế do The Wall Street Journal thăm dò.

Sản lượng nhà máy và xuất khẩu là một điểm sáng cho tăng trưởng của Trung Quốc trong 2 năm qua, đặc biệt là sau khi ngành sản xuất trở lại và những trục trặc trong chuỗi cung ứng giảm bớt sau khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa hồi đầu năm để ngăn chặn Covid-19. Nhưng từ lâu, các nhà kinh tế đã kỳ vọng nhu cầu đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ bắt đầu giảm dần khi người tiêu dùng ở phương Tây cảm thấy sức ép từ giá cả và lãi suất tăng.

Tăng trưởng doanh số bán lẻ tháng 7 chỉ bằng một nửa dự báo của các nhà kinh tế.

Tăng trưởng doanh số bán lẻ tháng 7 chỉ bằng một nửa dự báo của các nhà kinh tế.

Doanh số bán lẻ – một thước đo chính về chi tiêu của người tiêu dùng – tăng 2,7% so với một năm trước vào tháng 7, thấp hơn so với mức 3,1% được ghi nhận vào tháng Sáu và mức tăng 5,0% theo dự kiến ​​của các nhà kinh tế được khảo sát.

Niềm tin của người tiêu dùng bị lung lay bởi mối đe dọa phong tỏa và vỡ bong bóng bất động sản. Dữ liệu khác được công bố hôm thứ Hai cho thấy giá nhà mới giảm mạnh nhất trong hơn 6 năm vào tháng Bảy, thể hiện sự căng thẳng trên thị trường bất động sản. Việc siết chặt quy định trong suốt năm ngoái ảnh hưởng đến doanh số bán hàng và dẫn đến các dự án đình trệ và chủ đầu tư vỡ nợ.

Giá nhà mới trung bình tại 70 thành phố lớn giảm 1,67% trong tháng 7 so với một năm trước đó, so với mức giảm 1,29% của tháng 6. Tính theo tháng, giá nhà mới trung bình giảm tháng thứ 11 liên tiếp. Giá giảm 0,11% trong tháng 7 so với tháng 6, tăng tốc từ mức giảm 0,10% của tháng trước, cơ quan thống kê cho biết. Chỉ có 30 trong số 70 thành phố ghi nhận giá nhà tăng theo tháng trong tháng 7, giảm so với 31 thành phố trong tháng 6.

Dữ liệu cho thấy lợi ích hạn chế của kế hoạch thúc đẩy cơ sở hạ tầng. Đầu tư vào tài sản cố định chậm lại trong tháng 7, tăng 5,7% so với cùng kỳ trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 7, so với tốc độ 6,1% ghi nhận trong nửa đầu năm. Các nhà kinh tế dự kiến ​​tăng trưởng 6,2%.

Tỷ lệ thất nghiệp của người từ 16-24 tuổi tăng lên 19,9% trong tháng 7, từ 19,3% trong tháng 6, lập kỷ lục. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp chung giảm xuống 5,4% từ 5,5%.