VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Trung Quốc cam kết thúc đẩy các chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế

Trung Quốc cam kết thúc đẩy các chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế

10:43 - 10/12/2024

Bắc Kinh sẽ lần đầu tiên trong 14 năm áp dụng chính sách tiền tệ “nới lỏng thích hợp”, đồng thời cam kết chính sách tài khóa chủ động hơn trong năm 2025.

Trung Quốc sẽ áp dụng chính sách tiền tệ “nới lỏng thích hợp” vào năm tới, lần nới lỏng đầu tiên trong 14 năm, cùng với chính sách tài khóa chủ động hơn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Tân Hoa Xã đưa tin, trích lời Bộ Chính trị.

Một bản ghi chép cuộc họp của các quan chức Bộ Chính trị cho biết Bắc Kinh sẽ tăng cường các biện pháp điều chỉnh “phi truyền thống”, tập trung vào thúc đẩy nhu cầu và tiêu dùng trong nước.

Thông tin này xuất hiện trước Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương thường niên để đặt ra các mục tiêu và ý định chính sách cho năm tới.

Cổ phiếu và trái phiếu chính phủ tăng sau thông tin, với chỉ số Hang Seng ở Hong Kong tăng 2,8% lên cao nhất trong một tháng.

Năm 2025, các quan chức phải tuân thủ “nguyên tắc theo đuổi tiến bộ trong khi vẫn duy trì sự ổn định”, Tân Hoa Xã cho biết.

“Cần thực hiện chính sách tài khóa chủ động hơn và chính sách tiền tệ nới lỏng phù hợp, tăng cường và tinh chỉnh bộ công cụ chính sách, củng cố các điều chỉnh phản chu kỳ phi truyền thống”, bản ghi chép viết. Bộ Chính trị bổ sung rằng thị trường nhà ở và cổ phiếu phải được ổn định.

Cho đến nay, các chính sách của Trung Quốc tập trung vào thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu. Ảnh: Getty Images.

Cho đến nay, các chính sách của Trung Quốc tập trung vào thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu. Ảnh: Getty Images.

Tuyên bố mới đánh dấu lần nới lỏng quan điểm chính sách tiền tệ đầu tiên kể từ năm 2010.

Kinh tế Trung Quốc khó khăn trong năm nay, thúc đẩy chính quyền hành động vào tháng 9, với việc ngân hàng trung ương công bố các biện pháp nới lỏng tiền tệ mạnh nhất kể từ đại dịch, bao gồm cắt giảm lãi suất và bơm 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (140 tỷ USD) vào hệ thống tài chính.

Trung Quốc được kỳ vọng sẽ đạt vừa đủ mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay, nhưng khó duy trì tốc độ đó trong năm 2025 – với việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng sau khi đe dọa áp thuế 60% trở lên đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ngân hàng trung ương đã phác thảo 5 quan điểm chính sách: “nới lỏng”, “nới lỏng thích hợp”, “thận trọng”, “thắt chặt thích hợp” và “thắt chặt”.

Trung Quốc từng áp dụng chính sách tiền tệ “nới lỏng thích hợp” sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, trước khi chuyển sang “thận trọng” vào cuối năm 2010.

Tháng 11, Trung Quốc đã công bố gói nợ 10 nghìn tỷ nhân dân tệ (1,4 nghìn tỷ USD) để giảm bớt căng thẳng tài chính của các chính quyền địa phương và ổn định tăng trưởng kinh tế. Nhưng nỗ lực này – nhằm khắc phục cân đối ngân sách của các địa phương – nhắm đến mục tiêu về lâu dài, thay vì trực tiếp bơm tiền vào nền kinh tế.

Chủ tịch Tập Cận Bình, tại một hội nghị ngày 6/12, đã kêu gọi chuẩn bị đầy đủ để đạt được các mục tiêu kinh tế năm 2025 và cho biết sự phát triển hiện tại của đất nước đang đối mặt với nhiều thách thức, Tân Hoa Xã đưa tin ngày 9/12.

Kinh tế Trung Quốc dường như phụ thuộc quá mức vào sản xuất và xuất khẩu trong năm nay, với nhu cầu tiêu dùng kém khi cuộc khủng hoảng thị trường bất động sản nghiêm trọng đánh vào tài sản của người tiêu dùng, trong khi hầu hết các biện pháp kích thích của chính phủ đều dành cho sản xuất và cơ sở hạ tầng.

Các cố vấn chính phủ đang khuyến nghị Bắc Kinh giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng năm 2025, nhưng cũng kêu gọi kích thích tài khóa mạnh mẽ hơn để chống áp lực giảm phát và giảm thiểu tác động của thuế quan dự kiến của Mỹ.

Nguy cơ thuế quan của ông Trump đã gây nhiều lo lắng cho các ngành công nghiệp của Trung Quốc – quốc gia bán hơn 400 tỷ USD hàng hóa hàng năm cho Mỹ.

Các nhà kinh tế thúc giục Bắc Kinh tập trung nhiều hơn vào người tiêu dùng, hỗ trợ tài chính mạnh mẽ hơn cho người dân thu nhập thấp, đồng thời thúc đẩy những thay đổi đã cam kết về các chính sách như thuế và phúc lợi để giải quyết tình trạng mất cân bằng cấu trúc.

Tuy nhiên, cho đến nay, chính quyền vẫn tập trung thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu, với thành công đáng kể trong những lĩnh vực như xe điện hay năng lượng mặt trời khiến các đối tác thương mại lớn phản ứng.