VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Trung Quốc sẽ “nghèo chung” nếu can thiệp thị trường quá mức

Trung Quốc sẽ “nghèo chung” nếu can thiệp thị trường quá mức

16:31 - 04/09/2021

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình liên tục chỉ trích chênh lệch giàu nghèo của nước này trong thời gian gần đây. Nhưng một số nhà kinh tế cảnh báo sự can thiệp quá mức của Bắc Kinh có thể phản tác dụng.

Một số nhà kinh tế học có ảnh hưởng nhất của Trung Quốc đang cho rằng sự nhấn mạnh gần đây của chủ tịch nước này Tập Cận Bình về “sự thịnh vượng chung” nên được thúc đẩy thông qua các cải cách theo định hướng thị trường. Những nỗ lực như vậy có thể phản tác dụng nếu chính phủ có cách tiếp cận thô bạo khi thực hiện, họ cảnh báo.

Các chuyên gia này cũng cảnh báo rằng việc tổ chức một cuộc tấn công toàn diện chống lại các doanh nhân giàu có, hoặc thậm chí áp dụng phong cách chỉ huy đàn áp thị trường, nhằm theo đuổi sự phân phối của cải cân bằng hơn, có thể kìm hãm cả thu nhập và quá trình tạo việc làm.

“Nếu chúng ta mất niềm tin vào các lực lượng thị trường và dựa vào sự can thiệp thường xuyên của chính phủ, điều đó sẽ dẫn đến nghèo đói chung”, Zhang Weiying, một giáo sư kinh tế tại Đại học Bắc Kinh, lập luận trong một bài viết được đăng tuần này trên một diễn đàn của các học giả.

Thay vào đó, Zhang và những người khác nói rằng cần hỗ trợ nhiều hơn cho khu vực tư nhân, trong khi các nỗ lực chống độc quyền của Bắc Kinh phải được điều chỉnh lại – bằng cách đầu tiên hướng mũi dùi vào các doanh nghiệp nhà nước.

Zhang nổi tiếng là một trong những nhà kinh tế ủng hộ thị trường nổi bật nhất ở Trung Quốc, và ông từ lâu đã là một nhà phê bình các chính sách công nghiệp do nhà nước lãnh đạo. Sau khi đăng bài viết chỉ trích trên kênh WeChat của chính ông, bài viết đó đã bị xóa do “người dùng phàn nàn”, nhưng phiên bản trên trang web vẫn tồn tại cho đến tối thứ Sáu.

Zhang Weiying, giáo sư kinh tế nổi tiếng tại Đại học Bắc Kinh, cảnh báo về nguy cơ can thiệp quá mức của chính phủ vào thị trường Trung Quốc.

Zhang Weiying, giáo sư kinh tế nổi tiếng tại Đại học Bắc Kinh, cảnh báo về nguy cơ can thiệp quá mức của chính phủ vào thị trường Trung Quốc.

Những người khác kêu gọi xem lại các chính sách của chính phủ bao gồm Wei Jianing, một cựu thành viên nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của Quốc vụ viện, nội các của Trung Quốc. Ngoài việc kêu gọi một “chính phủ thân thiện với thị trường” trong tuần này, Wei cũng nói về việc Bắc Kinh đàn áp các hoạt động kinh doanh độc quyền.

“[Khái niệm] chống độc quyền là đúng, nhưng [chúng ta] trước tiên nên tập trung vào độc quyền hành chính và độc quyền doanh nghiệp nhà nước”, ông nói tại một hội nghị chuyên đề trực tuyến do Trường Kinh doanh Cheung Kong tổ chức hôm thứ Tư ở Bắc Kinh.

Những lời cảnh báo của họ lúc này mang tính thời sự cao, xuất hiện sau một cơn bão quy định đã quét qua một loạt các lĩnh vực, bao gồm công nghệ, giáo dục và giải trí. Bắc Kinh đã thực hiện cách tiếp cận cứng rắn đối với các nền tảng công nghệ và internet trong năm nay. Chiến dịch chống độc quyền của chính quyền dẫn đến một đợt bán tháo đã xóa sạch 1 nghìn tỷ USD khỏi các cổ phiếu công nghệ Trung Quốc.

Một bài luận đã được lan truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông nhà nước vào tuần trước đã tiếp tục làm bùng lên cuộc thảo luận. Bài luận này cho rằng những cuộc đàn áp như thế này báo hiệu một “cuộc cách mạng sâu sắc”, ưu tiên người dân hơn là lợi nhuận.

Nhưng hôm thứ Tư, Wei cảnh báo rằng sự can thiệp của chính phủ kiểu này có thể làm suy yếu khả năng cạnh tranh của quốc gia.

Vào tháng trước, ông Tập đã tăng cường các phát biểu về sự thịnh vượng chung, theo đó kêu gọi mọi người chia sẻ cơ hội trở nên giàu có. Tuy nhiên, đó không phải là một khái niệm mới ở Trung Quốc, vì nó có từ những năm 1950 ở thời Mao Trạch Đông, sau đó lại nổi lên vào những năm 1980 với sự đề cập nhiều lần của Đặng Tiểu Bình – cả 2 đều là cựu lãnh đạo tối cao của Trung Quốc.

Nhưng việc nhấn mạnh lại vào thu hẹp khoảng cách giàu nghèo đã làm dấy lên cuộc tranh luận rộng rãi trong giới trí thức và doanh nghiệp, đặc biệt là lo ngại về những biện pháp sẽ được thực hiện để “điều chỉnh hợp lý thu nhập quá mức”.

Sau đó, các công ty tư nhân lớn như Tencent, Pinduoduo, Meituan, Geely và Alibaba bắt đầu ra sức chứng minh rằng họ đứng sau sự thịnh vượng chung, bao gồm cả việc tuyên bố quyên góp và cấp cổ phần cho nhân viên.

Việc ông Tập kêu gọi các nhóm và công ty có thu nhập cao đóng góp cho xã hội được đưa ra trong cuộc họp của Ủy ban Tài chính và Kinh tế Trung ương của Đảng Cộng sản vào ngày 17/8.

Một quan chức đảng đã bổ sung những lời của ông Tập khi nói rằng sự thúc đẩy thịnh vượng chung mới không có nghĩa là “giết người giàu để giúp người nghèo”, nhưng nó sẽ “làm cho chiếc bánh lớn hơn và chia sẻ nó một cách công bằng”. Han Wenxiu, một quan chức của Ủy ban Kinh tế và Tài chính Trung ương cho biết những người “làm giàu trước” nên giúp đỡ những người bị bỏ lại phía sau.

Tập Cận Bình kêu gọi các nhóm và công ty có thu nhập cao đóng góp cho xã hội vào ngày 17/8.

Tập Cận Bình kêu gọi các nhóm và công ty có thu nhập cao đóng góp cho xã hội vào ngày 17/8.

Nhưng trong bài báo phản biện của mình, nhà kinh tế Zhang nói: “Nếu các doanh nhân không có động lực để tạo ra của cải, chính phủ sẽ không có tiền để phân phối – quỹ từ thiện sẽ trở thành một dòng sông không có nguồn”.

“Đừng quên rằng, việc thực hiện nền kinh tế kế hoạch nhằm cung cấp nhiều phúc lợi hơn cho người nghèo, nhưng kết quả là tạo ra nhiều người nghèo hơn”, ông nói.

Zhang nói rằng việc thúc đẩy cải cách theo định hướng thị trường là cách duy nhất để tạo ra một xã hội công bằng hơn, cho rằng nền kinh tế tự do có thể mang lại cho người dân bình thường cơ hội thoát khỏi xiềng xích của nghèo đói và làm giàu. Cách tốt nhất để tăng thu nhập của tầng lớp trung lưu là tiếp tục giải phóng các doanh nhân và cạnh tranh trên thị trường, thay vì ngược lại, ông nói.

Wei lặp lại quan điểm của Zhang bằng cách kêu gọi các chính sách “chính phủ thân thiện với thị trường” để bảo vệ các doanh nhân và khuyến khích đầu tư tư nhân, đang có tốc độ tăng trưởng giảm nhưng vẫn là một phần quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc. Đặc biệt là trong bối cảnh đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc khó có thể tăng trưởng đáng kể, do tình hình quan hệ quốc tế hiện nay.

Trong khi đó, mức nợ đang cao ở các chính quyền địa phương trên khắp Trung Quốc, cũng như tại các doanh nghiệp nhà nước.

Wei nói: “Đầu tư tư nhân đã trở thành “cứu cánh cuối cùng” của nền kinh tế Trung Quốc”. Ông cũng bổ sung thêm rằng cũng phải có những biện pháp bảo vệ pháp lý mạnh mẽ hơn đối với quyền sở hữu tài sản để tránh “rối loạn do hoảng sợ” trong khu vực tư nhân.

“Đối xử tốt với vốn, nhân tài và sự đổi mới – đây là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế dài hạn và thành công lâu dài của Trung Quốc, cũng như sự thịnh vượng chung”, ông nói tại hội nghị chuyên đề.

Wang Xiaolu, phó giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia, cũng đồng ý rằng việc theo đuổi sự thịnh vượng chung phải được thực hiện trong các điều kiện của nền kinh tế thị trường. Nhưng ông cho rằng một mình thị trường không thể giải quyết vấn đề chênh lệch giàu nghèo quá mức.

Trong một bài viết đăng trực tuyến cách đây một tuần, Wang cho biết đất nước nên phấn đấu tiến về phía trước bằng cách để thị trường xác định nguồn lực nên được phân bổ ở đâu. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng cần hỗ trợ thêm để cải thiện các dịch vụ công và tạo ra các mạng lưới an sinh xã hội có phạm vi rộng hơn.

“[Trung Quốc] không bao giờ nên quay lại hệ thống cũ trước khi cải cách, bằng cách dựa vào một phương pháp can thiệp hành chính lỗi thời”, ông nói, đề cập đến chiến lược phát triển cải cách và mở cửa của Trung Quốc đã được đưa ra 4 thập kỷ trước.