VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng thấp nhất nhiều thập kỷ

Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng thấp nhất nhiều thập kỷ

18:03 - 05/03/2023

Bắc Kinh hướng đến mức tăng trưởng GDP 5% trong năm nay, thấp hơn mục tiêu 5,5% mà Trung Quốc không đạt được vào năm ngoái.

Trung Quốc công bố mục tiêu tăng trưởng thấp nhất trong hơn 1/4 thế kỷ khi Bắc Kinh phải đối mặt với những thách thức kinh tế trong nước và toàn cầu sau 3 năm áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt liên quan đến đại dịch Covid-19.

Mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội trong năm nay của Trung Quốc là khoảng 5%, được Thủ tướng Lý Khắc Cường công bố vào Chủ nhật khi bắt đầu phiên họp quốc hội thường niên, cho thấy các quan chức ít quan tâm đến tốc độ tăng trưởng kinh tế thô khi họ chú ý đến những ưu tiên khác.

Tại các cuộc họp quốc hội tuần này, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình dự kiến sẽ củng cố hơn nữa sự kiểm soát của mình đối với an ninh, tài chính và công nghệ, cải tổ các chức vụ chủ chốt để tiếp tục làm loãng vai trò của chính phủ và tăng cường vai trò của Đảng Cộng sản trong hoạch định chính sách.

Mục tiêu tăng trưởng của năm nay thận trọng hơn so với mục tiêu khoảng 5,5% Bắc Kinh đặt ra vào năm ngoái – mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới kém xa, bị cản trở bởi các biện pháp kiểm soát Covid nghiêm ngặt của ông Tập và cuộc suy thoái bất động sản kéo dài. Tốc độ tăng trưởng 3% năm ngoái là mức chậm nhất trong nhiều thập kỷ, ngoại trừ năm 2020 khi các quan chức không đặt mục tiêu vì Covid.

Thủ tướng sắp từ chức Lý Khắc Cường thông báo mục tiêu tăng trưởng của Trung Quốc tại phiên họp quốc hội vào Chủ Nhật.

Thủ tướng sắp từ chức Lý Khắc Cường thông báo mục tiêu tăng trưởng của Trung Quốc tại phiên họp quốc hội vào Chủ Nhật.

“Năm nay, điều quan trọng là ưu tiên ổn định kinh tế và theo đuổi tiến bộ trong khi vẫn đảm bảo ổn định”, ông Lý cho biết trong báo cáo công việc của chính phủ, lần cuối cùng trước khi ông chuẩn bị từ chức. Bắc Kinh nhấn mạnh vào sự ổn định sau 3 năm thực hiện chính sách “zero Covid”, khi việc ngăn chặn đại dịch vượt trên tất cả các ưu tiên khác, bao gồm cả hỗ trợ nền kinh tế.

Đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay có nghĩa là nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng trung bình khoảng 4,6% trong 4 năm từ 2020 đến 2023, giảm một bậc so với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm 6,7% trong giai đoạn 2015-2019.

Trong ngắn hạn, mục tiêu tăng trưởng tương đối thận trọng cho thấy Bắc Kinh đang cảnh giác với hàng loạt thách thức có thể làm chậm tốc độ phục hồi, ngay cả khi đã loại bỏ các biện pháp kiểm soát Covid-19. Những trở ngại bao gồm niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp kém, nhu cầu ở nước ngoài yếu đối với hàng hóa do Trung Quốc sản xuất và gánh nặng nợ nần của các chính quyền địa phương hạn chế khả năng kích thích nền kinh tế.

Louise Loo – chuyên gia kinh tế về Trung Quốc tại Oxford Economics – cho biết mục tiêu 5% đặc biệt thận trọng trong bối cảnh hoạt động kinh doanh phục hồi mạnh mẽ trong 2 tháng đầu năm, theo dữ liệu về lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và xây dựng của Trung Quốc. “Ngôn từ sử dụng hôm nay cho thấy Bắc Kinh tin rằng sự thúc đẩy nhờ tái mở cửa có thể chỉ tạm thời”, bà Loo cho biết. “Chính sách thúc đẩy bằng cách chi tiêu vừa đủ để đạt được mục tiêu tăng trưởng 5%”.

Hôm Chủ nhật, ông Lý nói rằng chính phủ sẽ tăng chi tiêu ngân sách thêm 5,6% trong năm nay, thấp hơn mức tăng của năm ngoái, trong khi thu ngân sách dự kiến tăng 6,7% trong năm nay, cao hơn năm ngoái. Các quan chức đặt mục tiêu thâm hụt ngân sách ở mức 3% so với GDP trong năm nay, tăng nhẹ từ mức 2,8% năm 2022 – cho thấy Bắc Kinh ít khả năng kích thích mạnh mẽ nền kinh tế.

Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc dự báo chậm lại khi người tiêu dùng và doanh nghiệp phương Tây cắt giảm chi tiêu.

Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc dự báo chậm lại khi người tiêu dùng và doanh nghiệp phương Tây cắt giảm chi tiêu.

Một câu hỏi trong năm nay là tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc chậm lại đến mức nào khi người tiêu dùng và doanh nghiệp phương Tây cắt giảm chi tiêu trong bối cảnh các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách để kiểm soát lạm phát. Trung Quốc dự kiến công bố dữ liệu thương mại 2 tháng đầu năm vào thứ Ba.

Giới phân tích cho rằng chi phí vận chuyển giảm mạnh và tình trạng dư thừa container rỗng tại các cảng ở Trung Quốc trong những tuần gần đây cho thấy nhu cầu thương mại vẫn chậm chạp. “Nếu xuất khẩu yếu hơn nhiều so với chúng tôi kỳ vọng, giới hoạch định chính sách có thể lại cần phải tăng cường nới lỏng tiền tệ hoặc tài khóa và xây cơ sở hạ tầng”, các nhà kinh tế của Goldman Sachs viết trong một ghi chú vào ngày 2/3.

Một yếu tố quan trọng khác là sự phục hồi chi tiêu tiêu dùng nội địa Trung Quốc bền vững đến đâu. Các nhà kinh tế đang theo dõi cách mà các hộ gia đình sử dụng số tiền tiết kiệm dư thừa tích lũy trong đại dịch, mặc dù một số người cho rằng bất ổn kéo dài làm giảm ham muốn chi tiêu của người tiêu dùng.

Vào Chủ nhật, các quan chức cũng đưa ra ít tín hiệu về những biện pháp hỗ trợ mới cho thị trường bất động sản, vốn bị mắc kẹt trong suy thoái từ cuối năm 2020, khi cơ quan quản lý bắt đầu thực thi nghiêm ngặt những hạn chế cho vay đối với các nhà phát triển bất động sản. Điều này cho thấy “Bắc Kinh sẽ ưu tiên vấn đề bền vững tài chính trong năm nay”, theo Houze Song thuộc viện nghiên cứu Paulson ở Chicago.

Để đạt được mục tiêu đó, Bắc Kinh đưa ra tín hiệu hỗ trợ khiêm tốn cho các chính quyền địa phương, vốn có gánh nặng nợ nần tăng mạnh do chi tiêu liên quan đến Covid và nguồn thu từ đấu giá đất giảm do suy thoái bất động sản. Phân bổ ngân sách mà Bắc Kinh dành cho chính quyền địa phương dự kiến tăng 3,6% trong năm nay, kém xa so với mức tăng 18% của năm ngoái.