VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Trung Quốc giảm phát trở lại trong tháng 10

Trung Quốc giảm phát trở lại trong tháng 10

12:04 - 10/11/2023

Việc giảm phát trở lại cho thấy khó khăn của Bắc Kinh khi cố gắng phục hồi nhu cầu nội địa.

Trung Quốc lại rơi vào tình trạng giảm phát trong tháng 10, sau một thời gian ngắn lạm phát, cho thấy khó khăn của Bắc Kinh khi cố gắng phục hồi nhu cầu nội địa tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Ngược lại với Mỹ và nhiều nền kinh tế tiên tiến vẫn đang nỗ lực kiềm chế lạm phát, Trung Quốc đang vật lộn để vực dậy lạm phát trong năm nay. Việc giảm phát trở lại là bằng chứng mới nhất cho thấy một loạt các biện pháp kích thích cho đến nay chưa thúc đẩy được niềm tin của người tiêu dùng khi thị trường bất động sản vẫn khủng hoảng.

Dữ liệu giảm phát mới xuất hiện sau những dữ liệu đáng thất vọng khác cho thấy đà phục hồi của đất nước đang biến mất. Xuất khẩu tháng 10 giảm trong tháng thứ sáu liên tiếp và hoạt động sản xuất bất ngờ thu hẹp.

Giảm phát chủ yếu là do giá thực phẩm giảm mạnh.

Giảm phát chủ yếu là do giá thực phẩm giảm mạnh.

Một số nhà kinh tế cho rằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) âm cho thấy nhu cầu cơ bản của Trung Quốc vẫn yếu, nhưng không nhất thiết có nghĩa là nền kinh tế nước này sẽ suy giảm mạnh.

Robert Carnell – người đứng đầu bộ phận nghiên cứu khu vực Châu Á Thái Bình Dương của ING – cho biết: “Những gì chúng ta đang chứng kiến chủ yếu là do nguồn cung dư thừa chứ không phải do nhu cầu sụt giảm”.

Ngày 9/11, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết giá tiêu dùng đã giảm 0,2% trong tháng 10 sau khi giữ nguyên trong tháng 9 – lần thứ hai CPI âm trong 4 tháng gần đây. Con số này thấp hơn nhiều so với mục tiêu 3% mà chính phủ đặt ra.

Giảm phát chủ yếu là do giá thực phẩm giảm mạnh: 4% trong tháng 10. Giá thịt lợn – một món ăn chính trên bàn ăn của người Trung Quốc – giảm 30% so với cùng kỳ năm trước do dư cung.

Dong Lijuan – nhà thống kê cấp cao của Cục Thống kê – cho biết giá tiêu dùng giảm là do “có đủ nguồn cung nông sản khi điều kiện thời tiết được cải thiện”, và nhu cầu tiêu dùng giảm sau kỳ nghỉ lễ kéo dài một tuần vào tháng 10.

Lạm phát cơ bản – không bao gồm thực phẩm và các hàng hóa dễ biến động khác – là 0,6%, chậm lại so với mức tăng 0,8% trong tháng 9.

Trong khi đó, giá sản xuất tại Trung Quốc giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tháng giảm phát giá sản xuất thứ 13 liên tiếp, làm dấy lên mối lo ngại rằng nhiều chủ nhà máy đang giảm giá để tranh thị phần.

Tại một khu công nghiệp ở Thâm Quyến, giám đốc nhà máy Huang Guanhua cho biết ông phải giảm giá mạnh sản phẩm camera hành trình cho ô tô sau khi số lượng đơn đặt hàng giảm gần 40% trong năm nay so với năm trước.

Áp lực giảm phát ám ảnh nền kinh tế Trung Quốc trong hầu hết năm nay. Sau khi từ bỏ tất cả các hạn chế Covid-19, nước này ngap lập tức chứng kiến sự bùng nổ chi tiêu – nhanh chóng hạ nhiệt sau đó khi cuộc khủng hoảng bất động sản trở nên nghiêm trọng hơn.

Các nhà kinh tế đang tranh luận liệu Trung Quốc có đang đối mặt với nguy cơ rơi vào bẫy giảm phát nợ, khi mà giá cả giảm khiến nợ tăng theo giá trị thực, làm người tiêu dùng không trả được nợ và hạn chế chi tiêu.

Nhiều người nghĩ rằng Trung Quốc sẽ tránh được giai đoạn giảm phát kéo dài khi tung ra thêm nhiều biện pháp kích thích. “Lạm phát của Trung Quốc có vẻ sẽ vẫn ở mức thấp trong tương lai gần. Nhưng chúng tôi không nghĩ nước này sắp bước vào vòng xoáy giảm phát”, theo các nhà kinh tế của Capital Economics. Họ lưu ý rằng khi các chính sách hỗ trợ bắt đầu thẩm thấu vào nền kinh tế, lạm phát cơ bản có thể sẽ quay trở lại trên 1% trong nửa đầu năm tới.

Một số chuyên gia cảnh báo rằng áp lực giảm phát vẫn còn, một phần vì Trung Quốc đang vật lộn xử lý rủi ro ngày càng tăng về năng lực sản xuất dư thừa khi các nền kinh tế phương Tây cố gắng giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc.

Serena Chu – chuyên gia kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại Mizuho Securities Asia – cho biết: “Trung Quốc nhiều khả năng phải đối mặt với áp lực giảm phát dài hạn do nhu cầu trong nước có thể không hấp thụ được công suất dư thừa”. Bà cho rằng tác động có thể nhẹ nhưng lâu dài, và kỳ vọng CPI của Trung Quốc đạt khoảng 0,2% vào cuối năm nay.

Giảm phát làm yếu đi hy vọng rằng nền kinh tế Trung Quốc đang lấy lại thăng bằng sau một mùa hè suy giảm nghiêm trọng.

Dữ liệu công bố trong tuần này cho thấy xuất khẩu tiếp tục giảm trong tháng 10 do nhu cầu kém của người tiêu dùng phương Tây. Các chỉ số hoạt động sản xuất, dịch vụ và xây dựng đều suy yếu trong tháng 10 so với tháng trước.

Ngoài cắt giảm lãi suất thế chấp và nới lỏng yêu cầu mua nhà ở các thành phố lớn, tháng trước, Trung Quốc công bố kế hoạch phát hành trái phiếu trị giá 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 137 tỷ USD) để hỗ trợ. nền kinh tế. Nhưng nhiều nhà kinh tế cho rằng cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn để thúc đẩy tăng trưởng.