VNReport»Sự kiện & Bình luận»Trong nước»Trung Quốc mua nhiều bộ xét nghiệm PCR trước ca Covid-19 đầu tiên

Trung Quốc mua nhiều bộ xét nghiệm PCR trước ca Covid-19 đầu tiên

14:36 - 05/10/2021

Trong năm 2019, tỉnh Hồ Bắc (có thủ phủ là Vũ Hán) chi gấp đôi so với năm 2018 cho các bộ xét nghiệm PCR.

Theo một báo cáo của công ty an ninh mạng Internet 2.0 có trụ sở tại Úc, việc mua các bộ xét nghiệm PCR ở tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc (tỉnh có thủ phủ là Vũ Hán) đã tăng vọt nhiều tháng trước khi có báo cáo chính thức về ca nhiễm Covid-19 đầu tiên.

Khoảng 67,4 triệu nhân dân tệ (10,5 triệu USD theo tỷ giá hiện tại) đã được chi cho những bộ xét nghiệm PCR ở Hồ Bắc trong năm 2019, gần gấp đôi tổng số năm 2018, với sự gia tăng bắt đầu từ tháng 5, theo báo cáo.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm một cơ sở y tế ở Vũ Hán tháng 3/2020.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm một cơ sở y tế ở Vũ Hán tháng 3/2020.

Internet 2.0 đã thu thập và phân tích dữ liệu từ một trang web tổng hợp thông tin về các gói thầu mua sắm công ở Trung Quốc. Nhóm phân tích bao gồm cựu quan chức từ các cơ quan tình báo ở Mỹ, Anh, Úc và những nước khác.

Báo cáo càng làm dấy lên nghi ngờ về tuyên bố chính thức của Trung Quốc liên quan đến nguồn gốc của virus, một chủ đề đã làm gia tăng căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington. Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản bác những phát hiện của báo cáo.

PCR (phản ứng chuỗi polymerase) được sử dụng để phát hiện sự hiện diện của một trình tự di truyền cụ thể trong mẫu, và có các ứng dụng ngoài xét nghiệm Covid-19. Nhưng báo cáo cáo buộc sự gia tăng bất thường có khả năng báo hiệu đã có người biết về một căn bệnh mới đang lây lan trong và xung quanh Vũ Hán.

Số đơn đặt hàng từ các trường đại học tăng gấp đôi, từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc tăng gấp 5 lần và từ các phòng xét nghiệm động vật tăng gấp 10 lần. Lượng mua từ các bệnh viện giảm hơn 10%.

Dữ liệu mua sắm hàng tháng cho thấy lượng đơn đặt hàng tăng đột biến trong tháng 5, đặc biệt là từ CDC và Quân đội Giải phóng Nhân dân. “Chúng tôi tin rằng việc tăng chi tiêu trong tháng 5 cho thấy đây là ngày sớm nhất có khả năng lây nhiễm bệnh”, báo cáo cho biết.

Lượng mua cũng tăng mạnh từ tháng 7 đến tháng 10, đặc biệt là từ Đại học Khoa học và Công nghệ Vũ Hán. Tổ chức này đã chi 8,92 triệu Nhân dân tệ cho các bộ xét nghiệm PCR vào năm 2019, gấp khoảng 8 lần tổng số tiền của năm trước đó.

Trường đại học này, cùng với các bệnh viện địa phương và cơ quan y tế công cộng, đóng vai trò trực tiếp trong việc ứng phó với sự bùng phát của các bệnh mới, theo báo cáo.

Sự tham gia của các nhóm này cung cấp bằng chứng cho thấy “việc gia tăng mua hàng có liên quan đến sự xuất hiện của Covid-19 ở tỉnh Hồ Bắc vào năm 2019”, báo cáo cho biết. “Chúng tôi đánh giá với mức tin cậy cao rằng đại dịch bắt đầu sớm hơn nhiều so với khi Trung Quốc thông báo cho [Tổ chức Y tế Thế giới] về Covid-19”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản bác kết quả nghiên cứu. Trả lời Bloomberg News, một người phát ngôn cho biết những phát hiện này thuộc cùng loại với những tuyên bố đáng ngờ khác về nguồn gốc của virus corona, bao gồm một “cái gọi là bài nghiên cứu” phân tích lưu lượng giao thông gần một số bệnh viện ở Vũ Hán và lượng tìm kiếm các từ khóa “ho” và “tiêu chảy” trước khi kết luận rằng đợt bùng phát bắt đầu ở Vũ Hán vào đầu tháng 8/2019.

“Truy xuất nguồn gốc virus là một vấn đề khoa học nghiêm túc cần được các nhà khoa học giải quyết”, người phát ngôn nói với Bloomberg và bổ sung rằng: Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc đã công bố một sách trắng về các hành động của nước này để chống lại Covid-19, với “lịch trình rõ ràng và sự thật chắc chắn” ghi lại những nỗ lực của họ để chống lại dịch bệnh.

Mỹ và Trung Quốc đã đối đầu về vấn đề này kể từ những ngày đầu của đại dịch. Bắc Kinh nói với WHO rằng trường hợp có triệu chứng đầu tiên được ghi nhận vào ngày 8/12/2019. Nhưng một số người ở Mỹ cáo buộc rằng virus lây lan ở người trước đó, với tuyên bố rằng nó bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm.

“Chúng ta không thể chắc chắn chỉ với” thông tin về mua sắm công, theo Akira Igata, giáo sư thỉnh giảng tại Trường Cao học Kinh doanh Tama ở Tokyo. Ông đã kiểm tra dữ liệu một cách độc lập và cho biết: “nhưng đó là thông tin mạnh mẽ để đưa ra lập luận rằng có người biết về một đợt bùng phát virus xung quanh Vũ Hán vài tháng đến nửa năm trước tháng 12 đó”.

“Báo cáo này có thể tạo cơ hội cho các quốc gia thúc ép Trung Quốc cung cấp thông tin một lần nữa”, Igata nói.

Hình ảnh vệ tinh từ các bãi đỗ xe của bệnh viện Vũ Hán cho thấy hoạt động gia tăng mạnh bắt đầu từ tháng 8/2019, theo một nghiên cứu năm ngoái của các nhà khoa học từ Harvard và những tổ chức khác. Nhưng một báo cáo vào tháng 8 của các cơ quan tình báo Mỹ không tìm thấy bằng chứng xác nhận nào về việc dịch bệnh lây lan từ vật chủ động vật hay bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm.

“Trung Quốc không chia sẻ dữ liệu nào dùng được về cách thức và thời điểm Covid-19 bùng phát”, David Robinson, một trong những tác giả của báo cáo mới nhất, cho biết. “Sự không minh bạch làm nảy sinh rất nhiều giả thuyết, lý thuyết, thông tin sai lệch cũng như sự đau lòng cho các nạn nhân… Internet 2.0 đã sử dụng các kỹ năng của chúng tôi để thử và cung cấp một số dữ liệu đáng tin cậy cho thế giới trước những tác động của đại dịch này”, ông nói thêm.