VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Trung Quốc ngày càng phụ thuộc năng lượng Nga

Trung Quốc ngày càng phụ thuộc năng lượng Nga

15:57 - 23/09/2022

Chỉ trong tháng 8/2022, Trung Quốc đã chi trên 8,3 tỷ USD cho các mặt hàng năng lượng của Nga.

Trung Quốc tiêu thụ hơn 4 tỷ tấn than mỗi năm, hầu hết được khai thác trong nước với lượng nhập khẩu chỉ chiếm chưa đến một phần mười nhu cầu của nước này. Năm 2021, trữ lượng than nước tỉ dân ở mức khoảng 208 tỷ tấn, nhiều hơn 28% so với mức của năm trước.

Đối với dầu mỏ, trữ lượng của Trung Quốc đã tăng 2,8% lên 3,7 tỷ tấn. Về mặt lý thuyết với giả định sản lượng ổn định khoảng 200 triệu tấn một năm sẽ đủ để giúp các nhà khai thác của Trung Quốc sử dụng trong 2 thập kỷ tới. Trữ lượng khí đốt tự nhiên của nước này cũng cao ở mức 6,339 tỷ mét khối, đủ cho 3 thập kỷ tiếp theo.

Tuy nhiên, những thống kê hiện tại cho thấy Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu phần lớn dầu mỏ và khí đốt. Theo Bloomberg, trong tháng 8/2022, chi tiêu của Trung Quốc cho các sản phẩm năng lượng Nga đạt mức kỷ lục 8,3 tỷ USD.

Cụ thể hơn, xuất khẩu dầu mỏ Nga đến Trung Quốc đã đạt mức 8,34 triệu tấn trong tháng 8, cao hơn so với mức 7,15 triệu tấn của tháng 7 và 6,53 triệu tấn cách đó một năm. Điều này cho thấy Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào các nguồn cung dầu thô, sản phẩm dầu, khí đốt và than từ Nga.

Một tàu chở LNG của Nga tại bến cảng ở Thiên Tân, Trung Quốc

Bên cạnh dầu mỏ, than đá cũng là một trong những mặt hàng có tổng sản lượng nhập khẩu tăng cao. Trong tháng 7, Trung Quốc đã nhập 8,5 triệu tấn than từ Nga, tăng 57% so với một năm trước. Trong đó, riêng than cốc cho ngành công nghiệp luyện thép đã chiếm khoảng 1,9 triệu tấn.

Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, khối lượng năng lượng nhập khẩu từ Nga vào nước này trong tháng 8 cao hơn 68% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng kim ngạch sản phẩm năng lượng quốc gia này mua từ Nga hiện đã đạt gần 44 tỷ USD, tăng 74% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài dầu mỏ và than đá, việc nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nga cũng đã chạm tới con số 671.000 tấn – mức cao nhất kể từ năm 2020 và tăng 37% so với cùng kỳ. Một số mặt hàng kim loại khác như đồng, niken, nhôm hay paladi (Pd) cũng tăng mạnh. Đặc biệt, sản lượng niken tinh chế và paladi tinh chế nhập khẩu đã tăng lần lượt là 2,5 và 4,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm từ dầu trong những tháng tới nhằm tranh thủ mức chiết khấu cao giữa bối cảnh châu Âu siết chặt lệnh trừng phạt với dầu Nga. Một nguyên nhân nữa khiến sự phụ thuộc vào năng lượng Nga của Trung Quốc ngày càng tăng do nguồn lợi khổng lồ mà nước này thu về khi tái xuất khí đốt sang châu Âu.

Theo tờ DW của Đức, có nhiều thông tin gần đây cho rằng khí đốt Nga đang “đi đường vòng” qua Trung Quốc để chảy vào châu Âu. Trước thềm mùa đông, dự trữ khí đốt của châu Âu hiện đạt mức khoảng 80% công suất – tiến độ nhanh hơn kế hoạch đề ra một phần nhờ những lô LNG mua được từ Trung Quốc.

Theo SCMP, trong 8 tháng đầu năm Trung Quốc đã đẩy mạnh xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) trên thị trường giao ngay với giá cao gần gấp đôi so với khi mua vào, thu về ít nhất 448 triệu USD trong 8 tháng đầu năm. Theo các chuyên gia, về bản chất, việc này cũng giống như “lách” các biện pháp trừng phạt kinh tế mà EU đã áp lên Nga.

“EU chẳng có thể làm gì khác ngoài việc thôi không mua LNG của Trung Quốc nữa, nhưng như thế thì họ có thể rơi vào cảnh thiếu khí đốt nghiêm trọng trong mùa đông. Bằng cách này, Trung Quốc chứ không phải Nga là đối tượng được hưởng phần lợi nhuận tăng thêm từ việc bán những lô khí hoá lỏng đó”, chuyên gia Anna Mikulska thuộc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng, Đại học Rice nhận định.

Tuy vậy, giới chuyên gia cảnh báo rằng châu Âu không thể trông chờ vào các nhà cung cấp khí đốt Trung Quốc để bù đắp cho sự thiếu hụt năng lượng mà khu vực này đang phải trải qua do lượng khí đốt mà Trung Quốc có thể xuất khẩu sang châu Âu vẫn còn nhiều hạn chế nếu so với nguồn cung từ Nga. Ngoài ra, khi các hoạt động kinh tế ở Trung Quốc khởi sắc trở lại, tình hình sẽ thay đổi và châu Âu sẽ phải mua khí đốt từ Trung Quốc với mức giá cao hơn.