VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Trung Quốc thặng dư thương mại kỷ lục trong năm 2021

Trung Quốc thặng dư thương mại kỷ lục trong năm 2021

13:46 - 14/01/2022

Hãng tin Bloomberg ngày 14/1 cho biết nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã đạt mức thặng dư thương mại kỉ lục là hơn 670 tỉ USD trong năm 2021.

Vai trò của Trung Quốc trong vị thế nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới đã giúp nước này hưởng lợi khi mà nhu cầu hàng hóa tăng cao thời kỳ hậu đại dịch Covid-19. Bất chấp chiến tranh thương mại với Mỹ và các đồng minh, trong năm 2021 đã ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc trong lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc. Trong năm vừa qua, các nhà máy ở Trung Quốc đã phải vận hành với công suất gần như tối đa để đáp ứng các đơn hàng, từ sản phẩm điện tử cho tới đồ nội thất để đáp ứng nhu cầu tăng cao trên toàn thế thế giới.

Bên cạnh đó, sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng giữa các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á – nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 vào năm ngoái cũng giúp ích cho thương mại Trung Quốc.

Trong tháng 12/2021, xuất khẩu của Trung Quốc đạt 340,5 tỉ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu trong năm vượt 3.360 tỉ USD. Nhập khẩu trong tháng 12 đạt 246 tỉ USD, với tổng giá trị nhập khẩu năm 2021 là 2.690 tỉ USD. Tính chung cả năm 2021, xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng 21,2%, còn nhập khẩu tăng 21,5% so với năm 2020. Thặng dư thương mại trong năm của nước này đạt mức kỷ lục 670 tỉ USD, và tăng khoảng 30% so với năm trước.

Kỷ lục trước đó của nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu được thiết lập vào năm 2015. Khi nhu cầu đối với máy tính cá nhân và đồ chơi của Trung Quốc phục hồi tại các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu, tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này năm 2015 tăng 29,9% lên 3.360 tỷ USD.

Thặng dư thương mại của Trung Quốc đạt mức kỷ lục trong năm 2021

Thặng dư thương mại kỷ lục của Trung Quốc đang giúp ngăn nền kinh tế này khỏi những tác động của nhu cầu nội địa đi xuống đồng thời chính phủ có thể tạm trì hoãn các biện pháp kích cầu. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định tăng trưởng thương mại của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ chậm lại trong năm 2022, do nhu cầu các mặt hàng phục vụ làm việc từ xa, đồ thiết bị y tế giảm, tiêu dùng có xu hướng chuyển sang mảng dịch vụ khi thế giới về đa phần đều đã quyết định chuyển hướng sống chung với Covid-19.

Mặt khác, các ổ dịch mắc biến thể Omicron bùng phát tại Trung Quốc cũng gây ra tình trạng căng thẳng cho chuỗi cung ứng, khi chính quyền Bắc Kinh áp đặt các biện pháp phong tỏa, hạn chế.

Vào cuối năm 2021, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Ren Hongbin cũng cho biết nước này sẽ phải đối mặt với khó khănchưa từng có trong việc ổn định thương mại năm tới. Theo đó, tăng trưởng xuất khẩu có thể chậm lại do áp lực lạm phát và cạnh tranh từ các nước xuất khẩu khác khi sản xuất dần khôi phục sau đại dịch.

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhanh của năm 2021 cũng khiến cơ sở so sánh cho năm 2022 cao hơn. Do vậy, Chính phủ Trung Quốc sẽ giúp các công ty củng cố khả năng quản lý rủi ro ngoại hối đồng thời tìm cách giảm bớt áp lực từ các vấn đề về logistics và chuỗi cung ứng quốc tế và cam kết tích cực đảm bảo nguồn cung hàng hóa.