VNReport»Kinh tế»Tài chính»Từ 1/4/2025 sàn thương mại điện tử nộp thuế thay người bán hàng trực tuyến

Từ 1/4/2025 sàn thương mại điện tử nộp thuế thay người bán hàng trực tuyến

09:52 - 02/12/2024

Theo Báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến quý 3 của nền tảng dữ liệu thương mại điện tử Metric, tổng doanh số giao dịch (GMV) của 9 tháng đạt 227.700 tỉ đồng, tăng 37,66% so với cùng kỳ 2023. Tuy nhiên, việc quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh online vẫn còn nhiều bất cập. Quy định sàn thương mại điện tử nộp thuế thay người bán từ năm sau được kỳ vọng sẽ giúp tăng thu ngân sách nhà nước.

Theo thống kê, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang phát triển rất nhanh, với hàng triệu người bán hàng trực tuyến và hàng tỷ giao dịch mỗi năm. Tuy nhiên, việc quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh online vẫn còn nhiều bất cập.

Mới đây Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia (1 luật sửa 9 luật), với 445/450 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm tỷ lệ 92,90% tổng số đại biểu Quốc hội.

Đáng chú ý là quyết định bổ sung thêm một quy định mới vào Luật Quản lý thuế, cụ thể là khoản 4a Điều 42. Theo đó nhà quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử, nhà quản lý nền tảng số có chức năng thanh toán (bao gồm cả tổ chức trong nước và nước ngoài) và các tổ chức có hoạt động kinh tế số khác theo quy định của Chính phủ thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay, kê khai số thuế đã khấu trừ cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Trường hợp hộ, cá nhân kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số không thuộc đối tượng được khấu trừ, nộp thuế thay thì có nghĩa vụ trực tiếp đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế.

Chính phủ quy định chi tiết phạm vi trách nhiệm và cách thức các tổ chức quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử, quản lý nền tảng số và các tổ chức có hoạt động kinh tế số khác thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay, kê khai số thuế đã khấu trừ đối với các giao dịch kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số của các hộ, cá nhân; về hồ sơ, thủ tục khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế của các hộ, cá nhân có hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số.

Quy định nêu trên sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2025.

Quốc hội biểu quyết thông qua một luật sửa 9 luật liên quan lĩnh vực tài chính. Ảnh: Media Quốc hội

Quy định này ngay lập tức nhận được nhiều sự chú ý của thị trường. Theo thống kê của Tổng cục Thuế, lũy kế 10 tháng năm 2024, số thuế do các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT đã nộp là khoảng 94.600 tỉ đồng, tăng 17% so với số thuế bình quân 10 tháng năm 2023.

Năm 2023 cũng chứng kiến sự đột phá vượt bậc khi quy mô thị trường TMĐT bán lẻ tại Việt Nam đạt 20,5 tỉ USD, tăng khoảng 4 tỉ USD (tương đương 25%) so với năm 2022. Nửa đầu năm nay, doanh thu đạt 13,2 tỉ USD, tăng 28% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, theo thông tin công bố trong Báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến quý 3 của nền tảng dữ liệu TMĐT Metric, tổng doanh số giao dịch (GMV) của 9 tháng đạt 227.700 tỉ đồng, tăng 37,66% so với cùng kỳ 2023. Doanh số giao dịch trên 5 sàn Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki và Sendo đạt trung bình 25.300 tỉ đồng/tháng (gần 1 tỉ USD), với livestream và hàng giá rẻ được ưa chuộng.

Cổng thông tin thương mại điện tử (TMĐT) đã ghi nhận 412 sàn giao dịch thực hiện việc cung cấp thông tin. Cụ thể, có hơn 191.000 tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT với tổng giá trị giao dịch là gần 72.000 tỉ đồng. Đến nay, đã có 116 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Tính đến hết 10 tháng năm 2024, số thu từ các nhà cung cấp nước ngoài là 19.774 tỉ đồng. Tính riêng trong năm 2024 thu 8.200 tỉ đồng, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Tuy nhiên, rõ ràng là so với quy mô thị trường thì số thu này vẫn còn khá thấp.

Hiện nay, quy định hiện hành mới chỉ yêu cầu các sàn trong nước có trách nhiệm cung cấp thông tin của tổ chức, cá nhân kinh doanh thông qua sàn TMĐT. Việc trực tiếp khai thuế đối với các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có phát sinh hoạt động kinh doanh TMĐT, pháp luật hiện hành chưa có quy định riêng mà áp dụng chung quy định như đối với hộ, cá nhân kinh doanh truyền thống. Để đảm bảo không bị thất thu thuế cũng như chất lượng của sản phẩm trên các sàn TMĐT, việc siết lại nghĩa vụ thuế với các sàn TMĐT phải khấu trừ, nộp thuế thay và kê khai số thuế đã khấu trừ cho người bán là rất cần thiết.

Thực tế, trước đó, đã có nhiều cuộc họp, thảo luận về công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử được Tổng cục Thuế tổ chức, nhằm tháo gỡ vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cả ba bên gồm người nộp thuế, sàn thương mại điện tử, cơ quan thuế để thực hiện đúng quy định chính sách pháp luật về thuế.

Luật vừa thông qua cũng bổ sung quy định về xử phạt hành chính với kiểm toán độc lập.

Cụ thể, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm thì tuỳ tính chất, mức độ bị xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chịu biện pháp quản lý Nhà nước. Trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định.

Mức phạt tiền tối đa với vi phạm của kiểm toán độc lập là 2 tỷ đồng với tổ chức, 1 tỷ với cá nhân. Thời hiệu xử phạt hành chính là 5 năm. Chính phủ quy định chi tiết việc xử phạt này.

https://vneconomy.vn/san-thuong-mai-dien-tu-nop-thue-thay-nguoi-ban-hang-truc-tuyen-tu-1-4-2025.htm