VNReport»Kinh tế»Tài chính»Từ vụ sinh viên bị lừa đảo tiền tỉ: Lưu ý 3 hình thức lừa đảo phổ biến

Từ vụ sinh viên bị lừa đảo tiền tỉ: Lưu ý 3 hình thức lừa đảo phổ biến

15:06 - 21/01/2025

Công nghệ ngày càng phát triển, mang đến nhiều tiện ích cho cuộc sống. Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là các hình thức lừa đảo. Mới đây, một vụ việc lừa đảo qua mạng với số tiền lên đến 1,1 tỷ đồng đã xảy ra đối với một sinh viên tại TP.HCM, gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự tinh vi của các thủ đoạn lừa đảo.

Mới đây, trên mạng xã hội xôn xao câu chuyện một sinh viên đại học tại TP..HCM bị lừa đảo 1,1 tỷ đồng. Theo đó, chị T. cho biết con trai chị, M., đang học năm nhất tại Trường đại học RMIT TP.HCM. Vào buổi chiều, M. gọi điện thông báo rằng mình được chọn tham gia chương trình trao đổi sinh viên từ ngày 6-1, nhưng do bận làm bài nên không kiểm tra email. Hôm đó là hạn chót làm thủ tục, M. đề nghị chị chuyển 250 triệu đồng để chứng minh tài chính, và chị đã đồng ý.

Sau đó, M. yêu cầu chuyển thêm 500 triệu đồng và 250 triệu đồng cho chi phí sinh hoạt. Gia đình nghi ngờ và muốn kiểm tra, nhưng M. nói thầy cô sắp nghỉ. Chị T. đề nghị M. vào phòng tài vụ để nói chuyện với người của trường. M. đồng ý và đưa điện thoại cho một người xưng là “thầy Khang”.

Sau cuộc trò chuyện, gia đình lại tiếp tục chuyển khoản cho M. Dù đã chuyển khoản, gia đình chị T. cảm thấy bất thường và hỏi con về tài khoản. M. nói đã chuyển tiền vào sổ chứng minh tài chính của trường và sẽ trả sau 24 giờ. Khi chị hỏi thêm, M. van xin đừng hỏi nữa và hứa sẽ nói sự thật sau 72 giờ. Chị T. cảm thấy mình đã bị lừa nhưng không dám hỏi thêm vì con hoảng loạn. Tổng số tiền gia đình đã chuyển là 1,1 tỷ đồng

Hôm sau, M. lại đề nghị chuyển 250 triệu đồng. Chị T. muốn lên trường nhưng M. nói không kịp. Biết mình đã bị lừa, chị T. từ chối chuyển tiền. Khi lên trường, chị phát hiện nhiều sinh viên khác cũng nhận thông báo về chương trình lừa đảo này.

Nhiều trường đại học tại TP.HCM đã phát thông báo cảnh báo về lừa đảo liên quan đến chương trình học bổng và trao đổi sinh viên mạo danh

Cuối cùng, chị biết M. đã thực hiện mọi việc ở nhà nghỉ một mình theo sự dẫn dắt của tổ chức lừa đảo, bị thao túng tâm lý trong trạng thái sợ hãi. Khi sự việc vỡ lở, M. cho biết đã nhận email kèm lệnh bắt của Bộ Công an liên quan đến đường dây lừa đảo, cùng với các cuộc gọi đe dọa về thông tin cá nhân. Lo sợ, M. đã làm theo kịch bản của bọn lừa đảo.

Đây là một thủ đoạn lừa đảo mới, nhắm đến những nạn nhân là sinh viên, có tâm lý yếu. Thực tế, nhiều trường đại học tại TP.HCM đã phát thông báo cảnh báo về lừa đảo liên quan đến chương trình học bổng và trao đổi sinh viên mạo danh.

Lưu ý 3 hình thức lừa đảo phổ biến

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của công nghệ và Internet, lừa đảo tài chính ngày càng phức tạp với những thủ đoạn tinh vi. Theo báo cáo nghiên cứu, khảo sát an ninh mạng 2024 do Hiệp hội An ninh mạng quốc gia công bố ngày 16/12/2024, lừa đảo trực tuyến tiếp tục hoành hành, gây những hậu quả nặng nề với hàng trăm nghìn người dùng Việt Nam trong năm 2024.

Cụ thể, theo báo cáo, cứ 220 người dùng điện thoại thông minh tại Việt Nam thì có 1 người trở thành nạn nhân của lừa đảo. Tính riêng trong năm 2024, người Việt đã mất đến 18.900 tỉ đồng vì lừa đảo.

Báo cáo cũng chỉ ra 3 hình thức lừa đảo tài chính phổ biến nhất năm 2024, bao gồm:

  1. Dụ dỗ người dùng tham gia các chiêu trò đầu tư giả, hứa hẹn lợi nhuận cao.
  2. Giả mạo danh tính cơ quan, tổ chức.
  3. Lừa thông báo trúng thưởng, khuyến mãi lớn.

Thực tế cho thấy số nạn nhân bị lừa đảo lớn nhưng số có thể lấy lại được tiền rất nhỏ. Đó là còn chưa kể đến những nạn nhân không trình báo với cơ quan chức năng. Con số nạn nhân cứ ngày một dài thêm, trong đó có không ít các bạn sinh viên năm nhất mới ngơ ngác vào đời.

Trước tình trạng này, cơ quan chức năng, báo chí đã liên tục cảnh báo về tội phạm công nghệ cao cũng như vấn nạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng. Với các sinh viên, nhà trường và thầy cô đều đã trao đổi, cảnh báo liên tục.

Tuy nhiên, chính bản thân mỗi người cũng cần nâng cảnh giác, đặc biệt là các bạn sinh viên cần trang bị thêm cho mình các kiến thức hữu ích để không trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo. Luôn luôn tỉnh táo trước những tin nhắn, cuộc gọi, trang web và đường link lạ. Trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào, cần xác minh thông tin, đồng thời không cung cấp bất cứ thông tin quan trọng như căn cước công dân, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội.

https://tuoitre.vn/tu-vu-sinh-vien-bi-lua-dao-tien-ti-mai-me-luot-mang-giai-tri-gioi-tre-de-tro-thanh-con-moi-20250120090907362.htm