VNReport»Kinh tế»Bất động sản»Tuyến metro số 2 Hà Nội 13 năm chưa thi công, tăng vốn 16.000 tỷ đồng

Tuyến metro số 2 Hà Nội 13 năm chưa thi công, tăng vốn 16.000 tỷ đồng

15:02 - 12/11/2021

Tuyến Metro số 2 Hà Nội đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo đã được chấp thuận đầu tư từ năm 2008 với tổng vốn đầu tư 19.555 tỷ đồng. Đến nay, dự án vẫn chưa thi công nhưng vốn đầu tư tăng lên 35.679 tỷ đồng

Dự án đường sắt đô thị số 2, tuyến metro đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo được UBND TP Hà Nội chấp thuận đầu tư năm 2008 với tổng vốn đầu tư hơn 19.500 tỷ đồng. Có tổng chiều dài 11,5km, bao gồm 8,9km đi ngầm và 2,6km trên cao, dự án này sẽ chạy qua các quận Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng, gồm 10 nhà ga với 3 ga trên cao và 7 ga ngầm.

Theo UBND TP Hà Nội, đây là dự án đường sắt đô thị cấp đặc biệt nhằm phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng hiện đại, nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của thủ đô. Đồng thời giải quyết ùn tắc giao thông, đảm bảo an toàn giao thông, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực trung tâm Hà Nội.

Sau khi được chấp thuận đầu tư, dự án dự kiến ​​sẽ được khởi công xây dựng vào năm 2009 với mục tiêu đưa vào khai thác trong năm 2015. “Tuy nhiên, do việc điều chỉnh dự án nên dự kiến thời gian hoàn thành xây dựng, đưa vào vận hành toàn tuyến năm 2027; thời điểm kết thúc công tác đào tạo vận hành bảo dưỡng là 5 năm (từ năm 2027 đến năm 2032)”, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể nêu trong tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội mới đây.

Đáng chú ý, cũng theo Bộ trưởng, tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là 19.555 tỷ đồng, nay điều chỉnh lên 35.679 tỷ đồng. “Lý do tổng mức đầu tư tăng so với quyết định phê duyệt năm 2008 như sau: Thay đổi về quy mô đầu tư; thay đổi tỉ giá quy đổi; các nguyên nhân về giá, bao gồm: tăng do sự biến động về giá đối với nhiên liệu, vật tư, thiết bị, nhân công và thay đổi chế độ chính sách tiền lương; do thay đổi tỷ lệ trượt giá; thay đổi chế độ chính sách và các quy định của Nhà nước liên quan đến quản lý chi phí đầu tư”, Bộ trưởng cho biết.

Do bổ sung tiêu chí dự án quan trọng quốc gia và điều chỉnh tổng mức đầu tư nên hiện UBND TP Hà Nội đang hoàn thiện hồ sơ xin chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư theo ý kiến ​​thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Cũng theo Bộ GTVT, việc chậm triển khai dự án là do việc điều chỉnh kéo dài từ tháng 10/2012 đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Các vướng mắc chủ yếu liên quan đến: trình tự, thủ tục điều chỉnh dự án theo quy định của Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công và Nghị định 56/2020 về quản lý và sử dụng vốn ODA.

Ngoài ra, có ý kiến ​​của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng cần điều chỉnh vị trí ga C9 để giảm tác động đến di tích Hồ Gươm, nhằm đảm bảo các quy định của Luật Di sản văn hóa.

Trước đó, dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông vừa được bàn giao đưa vào khai thác đầu tháng 11/2021 sau hơn 10 năm thi công, chậm 6 năm so với mục tiêu ban đầu là hoàn thành dự án vào năm 2015. Tổng mức đầu tư của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông cũng tăng hơn 9.230 tỷ đồng so với mức đầu tư ban đầu, từ gần 8.770 tỷ đồng lên hơn 18.000 tỷ đồng.