VNReport»Kinh tế»Tài chính»Tỷ lệ giao dịch tiền mặt toàn châu Á dự kiến giảm xuống 14% vào năm 2027

Tỷ lệ giao dịch tiền mặt toàn châu Á dự kiến giảm xuống 14% vào năm 2027

09:22 - 04/03/2025

Trong kỷ nguyên số, châu Á cũng có sự chuyển mình mạnh mẽ trong lĩnh vực thanh toán, khi mà tiền mặt dần nhường chỗ cho các phương thức điện tử hiện đại. Theo Worldpay, công ty xử lý thanh toán Mỹ, tỷ lệ giao dịch tiền mặt tại châu Á dự kiến sẽ giảm từ 47% vào năm 2019 xuống còn 14% vào năm 2027.

Theo đó, khối lượng giao dịch tiền mặt ở châu Á sắp giảm xuống mức chưa từng có, gần bằng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt ở các khu vực phát triển như Bắc Âu.

Cụ thể, Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất thế giới đang dẫn đầu trong việc chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt, nhờ hệ thống Giao diện thanh toán thống nhất bản địa (UPI) được ra mắt vào năm 2016. Chỉ tính riêng năm 2023, UPI đã xử lý hơn 131 tỷ giao dịch.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, hơn một tỷ người sử dụng Alipay và các nền tảng thanh toán kỹ thuật số khác. Dự báo đến năm 2027, giao dịch bằng tiền mặt tại Trung Quốc sẽ chỉ còn chiếm 3% tổng giá trị giao dịch, cho thấy sự chuyển đổi mạnh mẽ sang thanh toán không dùng tiền mặt.

Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia và Malaysia cũng đang dần chuyển sang nền kinh tế không tiền mặt thông qua việc áp dụng Tiền tệ Kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (CBDC), tiền điện tử (stablecoin) và các hệ thống thanh toán thay thế.

Xu hướng giao dịch không tiền mặt này đang tiếp tục lan rộng khắp châu Á, với tỷ lệ giao dịch bằng tiền mặt tại 14 quốc gia và vùng lãnh thổ dự kiến sẽ giảm từ 47% vào năm 2019 xuống còn 14% vào năm 2027, chỉ cao hơn một chút so với mức 12% ở châu Âu. Xu hướng này cho thấy sự thay đổi sâu sắc trong thói quen tiêu dùng của người dân châu Á.

Khối lượng giao dịch tiền mặt ở châu Á sắp giảm xuống mức chưa từng có,

Theo nguồn Tạp chí Kinh Tế Việt Nam – VnEconomy, sự thay đổi này được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, bao gồm sự phát triển công nghệ và việc người dân ngày càng chấp nhận sử dụng điện thoại thông minh.

Không chỉ mỗi Worldpay, công ty tư vấn Capgemini dự đoán rằng vào năm 2028, khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ có đến 1,46 nghìn tỷ giao dịch không dùng tiền mặt mỗi năm, gấp bốn lần so với Bắc Mỹ – nơi thẻ tín dụng rất phổ biến.

Trong khi đó, trên toàn cầu, thanh toán qua điện thoại thông minh tại các cửa hàng dự kiến sẽ chiếm 46% vào năm 2027, gấp đôi so với mức 22% của thẻ tín dụng. Các quốc gia Đông Nam Á cũng đang tích cực hợp tác trong lĩnh vực thanh toán kỹ thuật số, đặc biệt qua mã QR.

Được biết, Chính phủ các nước không chỉ thúc đẩy thanh toán nội địa mà còn xây dựng hệ thống thanh toán xuyên biên giới theo thời gian thực. Đơn cử như người dùng PromptPay tại Thái Lan và PayNow tại Singapore đã có thể chuyển tiền nhanh chóng giữa hai nước.

Mã QR xuyên biên giới cũng được Việt Nam áp dụng với Thái Lan, Campuchia và Lào. Dự kiến chúng ta sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác với các quốc gia khác trong và ngoài ASEAN. Theo Ngân hàng Nhà nước, Việt Nam sẽ đẩy mạnh hoạt động ngân hàng số tới các thị trường tài chính phát triển mạnh như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore, nhằm thúc đẩy giao thương và kết nối kinh tế không biên giới.

Năm 2024, Việt Nam có hơn 200 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam cũng gây ấn tượng mạnh khi đạt hơn 17 tỷ giao dịch, với tổng giá trị khoảng 280 triệu tỷ đồng, tăng hơn 120% so với năm trước.

Trong khi các phương thức thanh toán không chạm như QR code và NFC ngày càng phổ biến, với mức tăng trưởng trung bình khoảng 6% mỗi tháng, thì hình thức thanh toán truyền thống (quẹt/chèn chip) lại giảm từ 2% đến 3% mỗi tháng.

Hơn nữa, “Thanh toán điện tử” không chỉ trở nên phổ biến trong cuộc sống hàng ngày mà còn là chủ đề được thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội. Theo báo cáo fintech cuối năm 2024 do Reputa công bố. Giới trẻ đặc biệt yêu thích hình thức này, chia sẻ nhiều mẹo để tận dụng thanh toán online, như tích điểm đổi quà, săn ưu đãi, hoàn tiền và nhận voucher giảm giá. Chẳng hạn, trên ứng dụng MoMo, người dùng có thể đổi nhiều thẻ quà từ các lĩnh vực như ăn uống, đi lại, mua sắm, với hơn 180.000 đối tác trong các ngành hàng như làm đẹp, giải trí, thời trang và du lịch.

Theo Quyết định số 1813/QĐ-TTg, đến cuối năm nay, Việt Nam đặt mục tiêu giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần tổng sản phẩm quốc nội (GDP), với 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác.

minh.

https://vneconomy.vn/ty-le-giao-dich-tien-mat-toan-chau-a-du-kien-giam-xuong-14-vao-nam-2027.htm