VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Tỷ lệ thất nghiệp Mỹ lên cao nhất kể từ 2021, làm gia tăng lo ngại suy thoái

Tỷ lệ thất nghiệp Mỹ lên cao nhất kể từ 2021, làm gia tăng lo ngại suy thoái

12:11 - 05/08/2024

Các thị trường tài chính toàn cầu lao dốc sau khi Mỹ công bố báo cáo việc làm tháng 7 với tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4,3%.

Tốc độ tăng việc làm của Mỹ chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp tăng, thúc đẩy lo ngại nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái và tác động xấu đến các thị trường tài chính toàn cầu.

Ngày 2/8, Bộ Lao động Mỹ cho biết trong tháng 7, nước này có thêm 114.000 việc làm mới, thấp hơn kỳ vọng thị trường. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4,3% – cao nhất trong gần 3 năm. Những dữ liệu này bổ sung thêm bằng chứng về sự yếu đi của thị trường lao động.

Cổ phiếu Mỹ lao dốc sau khi dữ liệu được công bố, phản ánh nỗi lo mới của các nhà đầu tư về suy thoái kinh tế. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ rơi xuống dưới 4%. Chỉ số biến động CBOE – “thước đo sợ hãi” của Phố Wall – chốt ngày 2/8 ở mức cao nhất trong năm.

Giá dầu thô rơi xuống thấp nhất trong 8 tháng vào sáng ngày 5/8, bất chấp lo ngại căng thẳng leo thang ở Trung Đông có thể ảnh hưởng đến nguồn cung từ khu vực này.

Các đồng tiền mã hóa bao gồm bitcoin và ether cũng rơi xuống thấp nhất trong nhiều tháng, khi nhà đầu tư bán các tài sản rủi ro để tìm đến các tài sản trú ẩn an toàn.

Mỹ có thêm 114.000 việc làm trong tháng 7. Ảnh: Getty Images

Mỹ có thêm 114.000 việc làm trong tháng 7. Ảnh: Getty Images

Báo cáo việc làm là một lý do nữa để nghi ngờ rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) giảm lãi suất quá muộn. Tuần trước, Fed quyết định giữ nguyên lãi suất, nhưng ra tín hiệu mạnh rằng họ sẽ cắt giảm vào tháng 9.

Cuộc tranh luận về thời điểm giảm lãi suất có vẻ không còn quá quan trọng vì gần như chắc chắn Fed sẽ cắt giảm vào tháng 9, nhưng nhiều nhà đầu tư đang hy vọng Fed sẽ giảm nửa điểm phần trăm thay vì 1/4 điểm phần trăm như kỳ vọng trước đó.

Tại cuộc họp báo của Fed ngày 31/8, Chủ tịch Jerome Powell cho biết việc cắt giảm nửa điểm không phải là “điều chúng tôi đang nghĩ đến ngay bây giờ” nhưng sau đó lại bổ sung rằng các quan chức chưa đưa ra “bất kỳ quyết định nào cả”.

Trong khi thị trường lao động chắc chắn phải hạ nhiệt sau cơn sốt tuyển dụng hậu đại dịch, câu hỏi hiện tại là liệu nó có tiếp tục suy yếu để rơi vào suy thoái hay không.

Báo cáo việc làm không phải là dữ liệu duy nhất gần đây chỉ ra nền kinh tế đang suy yếu. Ngày 1/8, một thước đo việc làm ngành sản xuất cũng kém đi trong tháng 7, góp phần gây ra đợt bán tháo cổ phiếu.