VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Tỷ phú Hong Kong Lý Gia Thành và rắc rối với Bắc Kinh vì Kênh đào Panama

Tỷ phú Hong Kong Lý Gia Thành và rắc rối với Bắc Kinh vì Kênh đào Panama

14:54 - 01/04/2025

Ông trùm 96 tuổi của công ty CK Hutchinson, nổi tiếng với sự nhạy bén về thời điểm mua bán, đã làm chính quyền Trung Quốc giận dữ với thương vụ mới nhất của mình.

Không ai đại diện cho sự trỗi dậy của Hong Kong như một trung tâm thương mại toàn cầu tốt hơn Lý Gia Thành. Ông đã đến đây với tư cách là người tị nạn vào năm 1940 và trở thành một trong những doanh nhân giàu nhất châu Á.

Bây giờ, trong giai đoạn hoàng hôn của một sự nghiệp kinh doanh 8 thập kỷ, tỷ phú 96 tuổi này phải đối mặt với một loạt chỉ trích từ Bắc Kinh, vốn đang ngày càng siết chặt kiểm soát đối với vùng lãnh thổ này.

Cuộc đối đầu bắt nguồn từ một thương vụ giống như những thương vụ đã đem đến cho ông biệt danh là “siêu nhân” vì sự nhạy bén phi thường về thời điểm mua và bán. Với sự tăng trưởng của thương mại bị đe dọa bởi thuế quan Trump, công ty hàng đầu của ông, CK Hutchison, đã công bố một thỏa thuận hồi đầu tháng 3 để bán hàng chục cảng cho một nhóm do công ty quản lý đầu tư BlackRock của Mỹ dẫn đầu.

Thỏa thuận trị giá 23 tỷ USD sẽ hạn chế tác động của một cuộc suy thoái thương mại toàn cầu lên Hutchinson. Nhưng các tài sản được bán bao gồm các cảng nhạy cảm về mặt chính trị ở cả hai đầu Kênh đào Panama. Tổng thống Trump – dường như ám chỉ đến hai cảng này – đã nói trong bài phát biểu nhậm chức của mình rằng “Trung Quốc đang điều hành Kênh đào Panama” và “chúng ta sẽ lấy lại nó”.

Ông Trump cho biết việc BlackRock mua các cảng có nghĩa là Mỹ đang bắt đầu đòi lại quyền của mình. Tại Bắc Kinh, thỏa thuận này gây phản ứng ngược lại. Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tức giận vì mất một quân bài tiềm năng trong các cuộc đàm phán với Washington mà không được báo trước.

Kênh đào Panama là một điểm gây tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: Fred Ramos/WSJ.

Kênh đào Panama là một điểm gây tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: Fred Ramos/WSJ.

Các kênh truyền thông Hong Kong ủng hộ Bắc Kinh đã đăng các bài bình luận lên án thỏa thuận này, mà không nhắc đến tên ông Lý. Một nhà bình luận theo chủ nghĩa dân tộc – Hồ Tích Tiến, cựu tổng biên tập tờ báo lá cải do nhà nước điều hành Hoàn cầu Thời báo – đã trực tiếp chỉ trích ông trùm này.

“Tôi khuyên người phụ trách CK Hutchison hãy tự đứng lên và dũng cảm đối mặt với những mối đe dọa từ Mỹ”, ông Hồ viết gần đây trong một bài đăng trên blog có tiêu đề “Lý Gia Thành nên làm gì trong mắt bão?” Nếu công ty Hong Kong chỉ bị thu hút bởi các điều khoản tài chính, thì theo ông Hồ, đó là “đổi sự chính trực lấy lợi nhuận”.

Steve Tsang – giám đốc Viện SOAS Trung Quốc tại Đại học London – cho rằng ông Lý không thể xin phép Bắc Kinh vì ông sẽ không bao giờ được cho phép.

“Ông ấy sẽ mất thỏa thuận và ông ấy sẽ xác nhận với Donald Trump rằng Hutchison hoạt động thay mặt cho Đảng Cộng sản Trung Quốc”, ông Tsang cho biết.

Vụ việc đánh dấu hồi kết bất ổn cho một sự nghiệp kinh doanh đã chứng kiến ông Lý có ảnh hưởng lên chính quyền Trung Quốc và tước hiệp sĩ từ Nữ hoàng Elizabeth II vào năm 2000.

Lý Gia Thành đã trở thành người giàu nhất Hong Kong, với khối tài sản ước tính 38 tỷ USD. Ảnh: Chan Kiu/South China Morning Post/Getty Images.

Lý Gia Thành đã trở thành người giàu nhất Hong Kong, với khối tài sản ước tính 38 tỷ USD. Ảnh: Chan Kiu/South China Morning Post/Getty Images.

Sinh ra tại Trung Quốc, ông Lý khởi đầu đế chế của mình tại Hong Kong vào thập niên 1950 bằng nghề làm hoa giả. Việc ông tiếp quản tập đoàn thương mại Hutchison Whampoa năm 1979 được coi là một bước ngoặt vì nó đưa một người địa phương lên nắm quyền điều hành loại hình kinh doanh vốn luôn do người Anh điều hành.

Ông Lý đã xây dựng nó thành một tập đoàn toàn cầu, với các khoản đầu tư vào cảng, viễn thông, hiệu thuốc và nhiều lĩnh vực khác. Ông trở thành người giàu nhất Hong Kong, với khối tài sản gần đây được Forbes ước tính là 38 tỷ USD.

Ông Lý nổi tiếng với khả năng tính toán thời điểm – ví dự như mua bất động sản Hong Kong trong thời kỳ suy thoái thập niên 1960 hay bán cổ phần kiểm soát của Hutchison tại nhà mạng di động Orange của Anh vào năm 1999 với giá khoảng 15 tỷ USD, gần đỉnh điểm của bong bóng dot-com.

Sau cuộc đàn áp sinh viên tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 của Bắc Kinh khiến nhiều nhà đầu tư tháo chạy, ông Lý đã thể hiện niềm tin của mình vào triển vọng kinh tế của Trung Quốc qua cam kết hơn 1 tỷ USD năm 1992 để phát triển một cảng container ở Thượng Hải – đặt cược thành công rằng đại lục sẽ cạnh tranh trực tiếp với Hong Kong.

Lý Gia Thành là một trong những doanh nhân Hong Kong đã chào đón nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2017. Ảnh: Bobby Yip/Press Pool

Lý Gia Thành là một trong những doanh nhân Hong Kong đã chào đón nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2017. Ảnh: Bobby Yip/Press Pool

Khi sức mạnh kinh tế của đại lục lấn át vùng lãnh thổ, Bắc Kinh trở nên quyết liệt hơn về lợi ích quốc gia trong các thương vụ kinh doanh – đặc biệt là sau khi ông Tập lên nắm quyền năm 2012. Bắc Kinh từng tham khảo ý kiến ​​của Lý Gia Thành và các ông trùm Hong Kong, nhưng chính quyền đại lục giờ đây lên lớp họ.

Có lúc, dường như ông Lý không lắng nghe. Giữa lúc thị trường tài chính Trung Quốc hỗn loạn vào năm 2015, với thị trường cổ phiếu lao dốc và quá trình thiết lập lại tỷ giá vụng về, Ông Lý đã cố gắng bán bất động sản ở Thượng Hải. Đối với một số người ở Bắc Kinh, có vẻ như ông ủng hộ việc tháo chạy.

“Đừng để Lý Gia Thành thoát”, theo một bài bình luận vào thời điểm đó từ một nhóm nghiên cứu trực thuộc hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã. Bài bình luận mô tả ông Lý là một “con quái vật có nanh” đã quên rằng tài sản của mình có được là nhờ các chính sách hỗ trợ của chính phủ trong ngành cảng, bất động sản và viễn thông.

Lý Gia Thành đã xây dựng CK Hutchison thành một tập đoàn toàn cầu. Ảnh: Kin Cheung/AP.

Lý Gia Thành đã xây dựng CK Hutchison thành một tập đoàn toàn cầu. Ảnh: Kin Cheung/AP.

Ông Lý bảo vệ chiến lược kinh doanh của mình và bày tỏ sự tin tưởng vào giới lãnh đạo chính trị Trung Quốc, và cơn thịnh nộ lắng xuống. Tờ Nhân Dân nhật báo – cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản – bày tỏ thông cảm với ông Lý, nói trong một bài bình luận rằng việc các nhà tư bản tìm kiếm lợi nhuận là điều tự nhiên.

Năm 2018, ngay trước sinh nhật lần thứ 90 của mình, ông đã từ chức chủ tịch CK Hutchison và trao lại quyền điều hành cho con trai là Lý Trạch Cự, hiện đã 60 tuổi.

Nhưng ông không nghỉ hưu hoàn toàn. Năm sau, Lý Gia Thành lại làm dấy lên cơn thịnh nộ của Bắc Kinh với quan điểm cân bằng khi các cuộc đụng độ dữ dội nổ ra trên đường phố Hong Kong giữa những người ủng hộ dân chủ và chính quyền địa phương.

Ông đã đăng hai thông điệp trên trang nhất của một số tờ báo Hong Kong. Một trong số đó nhắm vào những người biểu tình, nói rằng những ý định tốt nhất có thể dẫn đến kết quả tồi tệ nhất, trong khi thông điệp còn lại dường như nhắm vào chính quyền bằng cách nhắc đến một bài thơ thời nhà Đường kêu gọi hoàng hậu không được giết con của mình.

Năm 2019, Lý Gia Thành đã đăng hai thông điệp trên báo cảnh báo người biểu tình và chính quyền về bạo lực trong các cuộc biểu tình. Ảnh: Justin Chin/Bloomberg; Anthony Wallace/AFP/Getty Images.

Năm 2019, Lý Gia Thành đã đăng hai thông điệp trên báo cảnh báo người biểu tình và chính quyền về bạo lực trong các cuộc biểu tình. Ảnh: Justin Chin/Bloomberg; Anthony Wallace/AFP/Getty Images.

Trong những năm gần đây, CK Hutchison đã giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc đại lục và Hong Kong cũng như tăng đầu tư vào châu Âu. Tuy nhiên, công ty vẫn tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc đại lục và Hong Kong, và ông Lý được nhiều người ngưỡng mộ ở cả hai nơi với tư cách nhà tư thiện vì quỹ của ông đã chi hàng tỷ USD để hỗ trợ giáo dục, y tế và những mục đích khác.

Các ông trùm Hong Kong khác sẽ theo dõi xem liệu Bắc Kinh có can thiệp vào thỏa thuận cảng Panama hay không và có thể cân nhắc chuyển nhiều doanh nghiệp hơn ra khỏi Hong Kong nếu ông Lý bị trừng phạt quá nhiều vì điều đó, Tsang tại SOAS cho biết. “Tôi nghĩ rằng điều đó sẽ phản tác dụng với những gì chính phủ Trung Quốc mong muốn”.

Theo:

https://www.wsj.com/world/china/how-a-renowned-hong-kong-tycoon-ended-up-on-beijings-bad-side-over-panama-canal-deal-4bc947b5