VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Ukraine từ chối đầu hàng dù Nga cảnh báo về “thảm họa nhân đạo”

Ukraine từ chối đầu hàng dù Nga cảnh báo về “thảm họa nhân đạo”

19:02 - 21/03/2022

Chính phủ Ukraine kiên quyết từ chối lời kêu gọi của Nga yêu cầu các lực lượng Ukraine ở Mariupol hạ vũ khí để đổi lấy lối thoát an toàn khỏi thành phố.

Ukraine hôm thứ hai (21/3) bác bỏ lời kêu gọi của Nga về việc đầu hàng tại thành phố cảng Mariupol, nơi cư dân bị vây hãm với rất ít lương thực, nước uống và có nguy cơ phải gánh chịu một cuộc khủng hoảng nhân đạo có nguy cơ xảy ra.

Chính phủ Ukraine kiên quyết từ chối lời kêu gọi của Nga yêu cầu các lực lượng Ukraine ở Mariupol hạ vũ khí để đổi lấy lối thoát an toàn ra khỏi thành phố và các hành lang nhân đạo sẽ được mở vào thứ hai.

Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết: “Không thể có bất kỳ sự đầu hàng, hạ vũ khí nào. Chúng tôi đã thông báo cho phía Nga về việc này.”

Ukraine từ chối đầu hàng dù Nga cảnh báo về “thảm họa” nhân đạo có thể xảy ra

Mariupol đã phải hứng chịu một số đợt pháo kích nặng nề nhất kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine từ ngày 24/2. Nhiều người trong số 400.000 cư dân của thành phố này vẫn bị mắc kẹt khi các cuộc giao tranh nổ ra liên tục trên các tuyến đường xung quanh họ.

Bà Vereshchuk cho biết hơn 7.000 người đã được sơ tán khỏi các thành phố của Ukraine thông qua các hành lang nhân đạo hôm chủ nhật, trong đó hơn một nửa từ Mariupol. Bà cũng cho biết chính phủ đã lên kế hoạch gửi gần 50 xe bus đến thành phố này vào thứ hai để sơ tán thêm.

Nga và Ukraine đã thực hiện các thỏa thuận về các hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường trong suốt cuộc chiến, nhưng vẫn cáo buộc nhau thường xuyên vi phạm các hành lang đó.

Vấn đề cuộc khủng hoảng ở Mariupol và các thành phố bị tàn phá khác của Ukraine có thể sẽ xuất hiện nhiều hơn trong các cuộc thảo luận giữa những nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu trong tuần này. EU đang cân nhắc áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Nga, bao gồm cả lệnh cấm vận dầu mỏ.

Các chính phủ EU sẽ tiến hành thảo luận giữa các bộ trưởng ngoại giao vào thứ hai. Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đến Brussels vào thứ năm để tham dự hội nghị thượng đỉnh với 30 đồng minh của NATO, cũng như EU và theo định dạng G7 bao gồm cả Nhật Bản.

Các nhà ngoại giao cho rằng các nước Baltic bao gồm cả Lithuania sẽ tiếp tục thúc đẩy lệnh cấm vận, trong khi Đức cảnh báo không nên hành động quá nhanh vì giá năng lượng vốn đang tăng rất cao ở châu Âu.

Trong lời kêu gọi mới nhất sự giúp đỡ từ nước ngoài, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy phát biểu trước Quốc hội Israel bằng liên kết video vào chủ nhật, đồng thời đặt câu hỏi về khả năng Israel bán hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt cho Ukraine.

“Ai cũng biết rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel là tốt nhất … và Israel chắc chắn có thể giúp người dân của chúng tôi, cứu sống người Ukraine, người Do Thái Ukraine”, Tổng thống Zelenskiy gửi thông điệp.

Tổng thống Zelenskiy cũng hoan nghênh các nỗ lực hòa giải của Thủ tướng Israel Naftali Bennett, người đã có nhiều cuộc điện đàm với ông và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ông Zelenskiy nói trong bài phát biểu video hàng ngày với người dân Ukraine rằng “sớm hay muộn chúng ta cũng sẽ bắt đầu đàm phán với Nga, có thể là ở Jerusalem”.

Hội đồng của Mariupol cho biết rằng vài nghìn cư dân đã bị “trục xuất” về Nga trong tuần qua. Các hãng thông tấn Nga đưa tin về những chiếc xe bus đã chở hàng trăm người tị nạn từ Mariupol đến Nga trong những ngày gần đây.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield nói rằng nếu sự trục xuất đó thật sự diễn ra thì nó vô cùng “đáng lo ngại”, nhưng cho biết Washington vẫn chưa thể xác nhận liệu thông tin này là chính xác.

Kyiv và Moscow đã cho thấy một số tiến bộ trong đàm phán vào tuần trước nhằm đảm bảo an ninh cho Ukraine, trong khi vẫn giữ nước này bên ngoài NATO.

Việc chiếm được Mariupol sẽ giúp các lực lượng Nga đảm bảo một hành lang trên bộ tới bán đảo Crimea mà Moscow sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014.

Ukraine và những người ủng hộ phương Tây cho biết, lực lượng mặt đất của Nga đã đạt được một số mục đích của họ trong tuần trước, tập trung chủ yếu vào các cuộc tấn công bằng pháo và tên lửa.

Cố vấn của Tổng thống Zelenskiy, Oleksiy Arestovych, cho biết chiến sự hôm chủ nhật đã tạm lắng trong 24 giờ qua, với “thực tế là không có cuộc tấn công tên lửa nào vào các thành phố”. Ông Arestovych cho rằng tiền tuyến “thực tế đã bị đóng băng”.

Pavel Kirilenko, người đứng đầu chính quyền quân sự khu vực Donetsk, cho biết 3 dân thường thiệt mạng và 5 người bị thương do trận pháo kích của Nga hôm chủ nhật ở miền đông nước này. Ở vùng Kharkiv, 1 người thiệt mạng và 1 người bị thương, và ở vùng Luhansk, 2 người thiệt mạng và 1 người bị thương.

Tại thủ đô Kyiv, Thị trưởng Vitali Klitschko đã báo cáo một số vụ nổ ở quận Podil và cho biết các đội cứu hộ đang dập những đám cháy lớn tại các trung tâm mua sắm. Ông Klitschko cho biết ít nhất 1 người đã thiệt mạng.

Hiện các báo cáo về số người thiệt mạng và bị thương chưa thể được xác minh độ chính xác.

Văn phòng nhân quyền của Liên Hợp Quốc cho biết ít nhất 902 thường dân đã thiệt mạng tính đến thứ bảy (19/3), mặc dù con số thực tế có thể cao hơn nhiều.

Thống đốc khu vực Sumy, Dmytro Zhyvytskyy, cho biết khu vực 5 km xung quanh nhà máy hóa chất ở phía đông bắc thành phố Sumy bị bao vây, nhà máy này rất nguy hiểm do bị rò rỉ khí amoniac. Hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra vụ rò rỉ.

Cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc cho biết khoảng 10 triệu người Ukraine đã phải di tản, trong đó có khoảng 3,4 triệu người chạy sang các nước láng giềng như Ba Lan.

Tại thành phố Kherson, hàng chục người biểu tình quấn quốc kỳ màu xanh và vàng của Ukraine, hô vang “Mau trở về đi!” bằng tiếng Nga trước hai xe quân sự của Nga. Các phương tiện này sau đó đã quay đầu và rời đi.

“Tôi muốn chiến tranh kết thúc, tôi muốn họ (các lực lượng Nga) rời Ukraine trong hòa bình.” Margarita Morozova, 87 tuổi, người sống sót sau cuộc vây hãm Leningrad của Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai và sống ở Kharkiv, miền đông Ukraine, cho biết.