VNReport»Công nghệ»Thế giới số»Ứng dụng công nghệ số để chống hàng giả, hàng nhái

Ứng dụng công nghệ số để chống hàng giả, hàng nhái

11:39 - 23/01/2025

Tết đến xuân về, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, kéo theo đó là tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường. Đây là nỗi lo ngại của nhiều người tiêu dùng. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ, người tiêu dùng giờ đây có thể dễ dàng kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm.

Thời điểm giáp Tết, tình trạng gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt mà vẫn diễn biến phức tạp. Những năm gần đây, cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử (TMĐT), bên cạnh các chợ truyền thống hay trung tâm thương mại, siêu thị,… “chợ mạng” cũng bước vào thời kỳ cao điểm dịp cận Tết.

Theo số liệu từ nền tảng EcomHeat của YouNet ECI, trong thời gian 4 tuần sát Tết từ ngày 22/12/2024 đến ngày 18/1/2025, 6 ngành hàng trên các sàn TMĐT, gồm mứt, hoa quả sấy khô, kẹo, bánh, rượu, nước có ga lần lượt tăng trưởng về doanh thu ở mức 108%, 96%, 78%, 56%, 47%, 46% so với 4 tuần liền trước đó.

Thậm chí, tổng cộng về giá trị giao dịch, 6 ngành hàng này mang về 390 tỉ đồng từ kênh thương mại điện tử trong vòng chỉ 4 tuần. Bán chạy nhất là các sản phẩm bánh, mang về hơn 32 tỉ đồng/tuần và hoa quả sấy khô hơn 29 tỉ đồng/tuần. Điều này cho thấy cho thấy nhu cầu mua sắm mặt hàng phục vụ Tết diễn ra mạnh mẽ.

Tuy nhiên, nhu cầu tăng cao đột ngột cũng dễ dẫn tới  nguy cơ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đây là một vấn đề vô cùng nhức nhối với cơ quan quản lý và người tiêu dùng.

Theo đó, tính chung cả năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường đã thanh tra, kiểm tra 68.280 vụ (giảm 5% so với cùng kỳ năm 2023), phát hiện, xử lý 47.135 vụ vi phạm (giảm 10% so với cùng kỳ năm 2023); chuyển cơ quan điều tra 178 vụ có dấu hiệu tội phạm (tăng 2%). Thu nộp ngân sách trên 541 tỷ đồng (tăng 8%). Trị giá hàng hóa vi phạm 425 tỷ đồng (tăng 23% so với năm 2023), trong đó, trị giá hàng hóa tịch thu 220 tỷ đồng; trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy 205 tỷ đồng.

“Chợ mạng” cũng bước vào thời kỳ cao điểm dịp cận Tết.

Tính riêng trong lĩnh vực TMĐT, toàn lực lượng đã phát hiện, xử lý 3.124 vụ vi phạm (tăng 266% so với năm 2023), chuyển cơ quan điều tra 4 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 48 tỷ đồng (tăng 220% so với năm 2023); trị giá hàng hóa vi phạm trên 34 tỷ đồng (tăng 440% so với năm 2023).

Tổng cục Quản lý Thị trường bày tỏ, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được rao bán nhiều trên mạng Internet, trên các nền tảng giao dịch trực tuyến. Điều này gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, môi trường đầu tư kinh doanh, gây thất thu ngân sách… Nhất là trong bối cảnh chỉ còn khoảng chưa đầy 1 tuần nữa là đến Tết Nguyên Đán. Trước tình trạng này, một số ý kiến cho rằng, cần phải áp dụng công nghệ số bằng tem chống giả, AI hoặc blockchain để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trên môi trường số. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng nên đăng ký quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ sản phẩm; đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng khi phát hiện hàng giả, hàng nhái.

Với tình hình nạn hàng giả ngày càng gia tăng như hiện nay, việc ứng dụng chuyển đổi số không chỉ giúp tối ưu hóa hiệu quả công tác chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu, mà còn giúp người tiêu dùng dễ dàng phân biệt hàng thật, hàng giả một cách chính xác và nhanh chóng.

Ông Nguyễn Viết Hồng – Tổng Giám đốc Vina CHG cho rằng, công nghệ số không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và nguồn lực trong việc phát hiện và xử lý hàng giả, mà còn tạo sự linh hoạt và chủ động trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Thực tế, để ngăn chặn vi phạm hàng hoá trên các sàn TMĐT, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT đến năm 2025.

Tuy nhiên, đây là một vấn đề phức tạp, cần nhiều thời gian để khắc phục, xử lý. Trong hoàn cảnh đó, doanh nghiệp cần đẩy mạnh cảnh báo hàng giả trên các phương tiện thông tin để người tiêu dùng dễ dàng nhận diện và phân biệt hàng thật, hàng giả, giúp họ mua sắm đúng sản phẩm chính hãng. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng có thể áp dụng phương pháp công bố số “hotline” để tiếp nhận kịp thời các phản ánh của người tiêu dùng về hàng giả.

Về phía người tiêu dùng, cần nâng cao ý thức hơn khi lựa chọn sản phẩm, chỉ sử dụng sản phẩm có nguồn gốc minh bạch, hạn chế tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là trong bối cảnh Tết đến xuân về như hiện nay.

https://diendandoanhnghiep.vn/ung-dung-cong-nghe-so-de-chong-hang-gia-hang-nhai-10148610.html