Trả lời công văn số 5941/BTC-CST ngày 4/6 của Bộ Tài chính, nhiều bộ, ngành bảy tỏ quan điểm ủng hộ chính sách hỗ trợ thuế, phí cho ô tô điện.
Bộ Công Thương cho rằng cần xây dựng và ban hành các chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích sản xuất, kích thích người tiêu dùng sử dụng ô tô điện và góp phần giảm lượng khí thải. Bộ cho rằng điều này phù hợp với định hướng xây dựng phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Do đó, Bộ Công Thương cho rằng “có thể xem xét” áp dụng thí điểm chính sách ưu đãi miễn thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ trong 5 năm nhằm khuyến khích sản xuất và hỗ trợ người tiêu dùng sử dụng ô tô điện.

Hyundai Nexo là xe điện pin nhiên liệu (FCEV) sử dụng nhiên liệu hydro.
Trả lời Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cũng đồng tình với việc triển khai các chính sách ưu đãi để phát triển ô tô điện. Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng cần tham khảo kinh nghiệm ưu đãi thuế, phí đang áp dụng ở các quốc gia khác để tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội đưa ra lộ trình phù hợp.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng cần phải miễn thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ với ô tô điện nhằm thúc đẩy việc sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường và sự phát triển của ngành công nghiệp nhiều tiêm năng này của Việt Nam. VCCI đề nghị cần ban hành nhanh chóng chính sách này, triển khai trên thực tế để phát huy hiệu quả tốt nhất.
Đối với lệ phí trước bạ, VCCI cho rằng cần ưu tiên đưa dự thảo sửa đổi nghị định về lệ phí trước bạ vào chương trình xây dựng pháp luật của Chính phủ càng sớm càng tốt.
Về thuế tiêu thụ đặc biệt, VCCI kiến nghị sớm ban hành nghị quyết thí điểm miễn loại thuế này đối với ô tô điện, thay vì chờ sửa đổi tổng thể Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.
Trước đó, tập đoàn Vingroup – công ty mẹ của hãng xe VinFast, dự kiến sẽ bắt đầu giao xe điện VF e34 vào cuối năm nay – đã đưa ra đề xuất miến thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ trong 5 năm đối với ô tô điện.
Bộ Tài chính cho biết cơ quan này đang đánh giá tổng thể tình hình thực hiện chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô thời gian qua, nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền sửa đổi luật thuế này. Bộ cũng đang tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp liên quan đến việc điều chỉnh mức thu lệ phí trước bạ trong bối cảnh ảnh hưởng của Covid-19. Dự kiến trong tháng 10, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ xem xét sửa đổi lệ phí trước bạ ô tô.
Mức thuế tiêu thụ đặc biệt hiện áp dụng với ô tô điện từ 9 chỗ trở xuống là 15%, từ 10-16 chỗ là 10%, từ 16-34 chỗ là 5%. Trong khi đó, lệ phí trước bạ lần đầu cho ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống là 10-12% tủy địa phương, từ lần thứ 2 trở đi là 2%. Riêng xe buýt sử dụng năng lượng sạch được ưu đãi lệ phí trước bạ.
Trên thế giới, nhiều nước đang có các chính sách hỗ trợ về tài chính, thuế để khuyên khích phát triển ô tô điện. Hàn Quốc miễn thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế phương tiện với các loại xe điện chạy pin và xe sử dụng nhiên liệu hydro. Trung Quốc miễn thuế tiêu dùng và giảm 50% lệ phí đăng ký với ô tô điện chạy pin. Thái Lan, Indonesia, … đưa ra nhiều ưu đãi thuế, phí trong 5 năm đối với ô tô điện.

Thiếu thốn về cơ sở hạ tầng trạm sạc là trở ngại lớn nhất với ô tô điện ở Việt Nam.
Với dân số đông, nhu cầu phương tiện cá nhân cao, Việt Nam là thị trường tiềm năng để phát triển ô tô điện. Các ưu đãi về thuế, phí sẽ khuyến khích người dân chuyển đổi sang sử dụng xe chạy điện.
Song, trở ngại lớn nhất mà ô tô điện gặp phải ở Việt Nam là sự thiếu thốn về cơ sở hạ tầng trạm sạc. Ngoài ra, nguồn điện vẫn chủ yếu được cung cấp từ nhiên liệu hóa thạch, với chỉ 4,3% sản lượng điện đến từ các nguồn năng lượng tái tạo, theo Bộ Tài chính.
Mặt khác, vì là công nghệ mới, giá thành sản xuất ô tô điện vẫn ở mức cao. Loại xe này sẽ thực sự phát triển mạnh khi công nghệ sản xuất vượt trội, khiến cho giá thành ô tô điện rẻ đi.