VNReport»Kinh tế»Bất động sản»Ưu tiên xây hai tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam

Ưu tiên xây hai tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam

11:12 - 07/06/2021

Hai đoạn Hà Nội – Vinh, Nha Trang – TP.HCM của tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam được đề xuất xây dựng trước.

Trong dự thảo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Tổng cục Đường sắt Việt Nam trình Bộ Giao thông vận tải (GTVT), các mục tiêu đến năm 2030 bao gồm vận tải hàng hóa đạt 11 8 triệu tấn, chiếm khoảng 0,3% thị phần; vận tải hành khách 460 triệu lượt khách, chiếm thị phần 1,08%.

Ưu tiên 2 đoạn của đường sắt cao tốc Bắc – Nam

Để đạt được mục tiêu này, mạng lưới đường sắt quốc gia giai đoạn 2021-2030 được quy hoạch dọc 16 tuyến với chiều dài 4.746,4 km. Trong đó, có 7 tuyến chính hiện hữu với chiều dài 2.378,4 km và đang có kế hoạch chuẩn bị đầu tư thêm 9 tuyến đường sắt mới với chiều dài 2.368 km.

Trong số 9 tuyến mới được đề xuất đầu tư giai đoạn 2021-2030, ưu tiên hàng đầu là tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, xây dựng trước 2 đoạn Hà Nội – Vinh và Nha Trang – TP.HCM. Tổng nhu cầu vốn của dự án trong giai đoạn này là 112.325 tỷ đồng.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), coi xây dựng đường sắt tốc độ cao là dự án đầu tư có sức lan tỏa, tạo động lực cho nhiều ngành như cơ khí, công nghệ cao phát triển.

Về nguồn vốn, ông Tiến cho rằng: “Trước mắt, khi đưa đường sắt tốc độ cao vào quy hoạch, chúng ta có thể thấy nguồn lực còn hạn chế, nhưng phải tính đến tương lai khi đất nước phát triển để còn có căn cứ huy động nguồn lực. Còn khi đã đưa vào chương trình đầu tư công sẽ có nhiều cách thức huy động từ ngân sách, vay ODA, phát hành trái phiếu Chính phủ”.

Cùng quan điểm về sự cần thiết của việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đánh giá, trong 10 năm tới nếu có điều kiện sẽ đầu tư toàn tuyến. Nếu phải phân kỳ, theo ông, nên đầu tư đoạn Hà Nội – Đà Nẵng trước, thay vì đoạn Hà Nội – Vinh như đề xuất để phát huy tối đa công suất dự án và nhu cầu vận tải do tuyến đường dài hơn.

“Thêm vào đó, khu vực miền Trung là trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, khi đó sẽ xuất hiện nhu cầu từ các tỉnh Nam Trung Bộ như Nha Trang đến TP.HCM và từ Hà Nội đến các tỉnh thành miền Trung như Đà Nẵng. Từ đó cần làm đoạn Hà Nội – Đà Nẵng và TP.HCM – Nha Trang trước, chứ không phải chúng ta “đo tiền” để làm đoạn Hà Nội – Vinh trước”, ông Minh nêu rõ.

Nói về nguồn vốn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nhìn nhận, không quan trọng vốn đầu tư vào một dự án là bao nhiêu mà là hiệu quả của dự án. Nếu hiệu quả đầu tư lớn thì 100 tỷ USD vẫn phải làm. Ví dụ, khi Nhật Bản xây dựng tàu cao tốc Shinkansen, họ vẫn phải vay tiền để làm. Vì vậy, cần lượng hóa hiệu quả của dự án đối với phát triển kinh tế – xã hội để quyết định lựa chọn đầu tư.

Xây dựng thêm nhiều tuyến đường sắt mới

Ngoài đề xuất ưu tiên xây dựng 2 đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, dự thảo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đề xuất 8 tuyến đường sắt mới với 4 dự án kết nối cảng biển.

Cụ thể, hoàn thành xây dựng tuyến Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – cảng Cái Lân (xây dựng mới đoạn Lim – Phả Lại; nâng cấp, cải tạo đoạn Yên Viên – Lim và Phả Lại – Hạ Long), đường đơn, khổ lồng 1.000 mm và 1.435 mm, dài khoảng 129 km, vốn cần 6.000 tỷ đồng.

Xây dựng tuyến đường sắt nối cảng Lạch Huyện, Đình Vũ với tuyến đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân, gồm đoạn Mạo Khê – Dụ Nghĩa – Nam Hải Phòng; đoạn Nam Hải Phòng nối cảng Lạch Huyện và cảng Đình Vũ; đường đơn, khổ lồng 1.000 mm và 1.435 mm, dài khoảng 78 km, nhu cầu vốn 48.400 tỷ đồng.

Tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu khổ 1.435 mm, được điện khí hóa, dài khoảng 84 km, trong đó đoạn Biên Hòa – Thị Vải là đường đôi, đoạn Thị Vải – Vũng Tàu là đường đơn. Tuyến Vũng Áng – Tân Ấp – Mụ Giạ, đường đơn, khổ 1.435 mm, dài khoảng 119 km.

Cùng với tuyến Vũng Áng – Mụ Giạ nối đường sắt Lào với cảng Vũng Áng, kết nối đường sắt quốc tế còn có dự án xây dựng mới tuyến Dĩ An – Lộc Ninh, khổ 1.435 mm, điện khí hóa khoảng 128 km, trong đó đoạn Dĩ An – Chơn Thành đường đôi, đoạn Chơn Thành – Lộc Ninh đường đơn.

Đồng thời, trong 10 năm tới, ưu tiên đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt liên vùng, kết nối, gồm: Đường sắt vành đai phía Đông Ngọc Hồi – Lạc Đạo – Bắc Hồng, thuộc tuyến đường sắt khu đầu mối Hà Nội, đường đôi, khổ lồng 1.000 mm và 1.435 mm, dài khoảng 59 km.

Tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Long Thành, đường đôi, khổ 1.435 mm, dài khoảng 38 km. Tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ, đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, dài khoảng 174 km.

Cùng với việc đầu tư xây dựng mới các tuyến đường sắt, dự thảo quy hoạch cũng đề xuất ưu tiên bố trí 47.269 tỷ đồng để nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có trong giai đoạn 2021-2030 nhằm nâng cao năng lực hạ tầng, khai thác hiệu quả vận tải.