VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Vận tải đường sắt báo lãi sau hai năm thua lỗ

Vận tải đường sắt báo lãi sau hai năm thua lỗ

16:30 - 02/11/2022

Thua lỗ thê thảm sau 2 năm đại dịch Covid-19 hoành hành, cả hai công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn đều báo lãi sau 9 tháng đầu năm 2022.

Thoát lỗ ngoạn mục

Báo cáo Tổng cục Thống kê cho thấy 10 tháng năm 2022, vận chuyển hành khách bằng đường sắt ước đạt 3,7 triệu hành khách (tăng 187,1%) và luân chuyển đạt 1,4 tỷ hành khách.km (tăng 140,2%) so với cùng kỳ năm trước. Còn vận chuyển hàng hóa đạt 4,8 triệu tấn (tăng 4,9%) và luân chuyển 3,8 tỷ tấn.km (tăng 19,6%) so với cùng kỳ năm trước.

Với mức tăng trưởng tích cực cả về vận tải hành khách và hàng hóa so với cùng kỳ năm trước, các doanh nghiệp vận tải đường sắt đều báo lãi sau 9 tháng đầu năm 2022 và doanh thu tăng mạnh, đặc biệt là doanh thu vận chuyển hành khách.

Cụ thể, 9 tháng năm 2022, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội đạt doanh thu hơn 1.760 tỷ đồng, vượt 37% so với cùng kỳ 2021. Từ mức lỗ hơn 88 tỷ trong 9 tháng đầu năm 2021, công ty đã ghi nhận mức lãi hơn 35 tỷ đồng.

Tương tự, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết 9 tháng năm 2022, doanh thu vận chuyển hành khách, hàng hoá tăng trưởng tương đối tốt so với năm 2021, đạt khoảng 1.220 tỷ đồng. Kết quả lợi nhuận sau thuế quý III ở mức gần 19 tỷ đồng, nâng mức lãi sau 3 quý đầu năm lên hơn 38 tỷ. Trong khi đó, cùng kỳ 9 tháng năm 2021, doanh thu Vận tải đường sắt Sài Gòn chỉ đạt gần 650 tỷ; lợi nhuận sau thuế âm hơn 60 tỷ.

Vận tải đường sắt đang dần lấy lại đà tăng trưởng

Theo ông Thái Văn Truyền – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn, khi bước sang năm 2022, đời sống kinh tế – xã hội trở lại trạng thái như trước đại dịch Covid-19. Do đó, các hoạt động du lịch, dịch vụ, thể thao, văn hoá – nghệ thuật trở lại bình thường, nhu cầu hành khách di chuyển bằng đường sắt gia tăng.

Như vậy, sau suốt 2 năm dài ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, vận tải đường sắt đang dần lấy lại đà tăng trưởng. Tuy nhiên, theo đại diện các doanh nghiệp vận tải đường sắt, dự kiến cả năm 2022 vẫn chưa thoát lỗ do hiện đang là mùa thấp điểm vận tải hành khách kết hợp với sản lượng vận tải hàng hóa giảm do chuyển sang các phương tiện vận chuyển khác khi giao thông hậu Covid-19 thuận lợi hơn. Trong khi đó, doanh thu khả quan từ mùa cao điểm Tết Quý Mão 2023 tới đây sẽ tính vào kết quả sản xuất kinh doanh năm sau.

Dù vậy, kết quả kinh doanh cuối năm 2022 của Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội được dự báo rất khả quan so với số lỗ dự kiến hơn 110 tỷ đồng đã được thông qua tại Đại hội cổ đông công ty đầu năm. Tương tự, với Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn, dự kiến cả năm 2022 giảm lỗ đáng kể so với mức khoảng 77 tỷ theo kế hoạch Nghị quyết đại hội cổ đông thông qua đầu năm 2022, từ đó sớm thoát lỗ trong năm tiếp theo.

Sẵn sàng cho mùa cao điểm Tết

Để phục vụ cho mùa cao điểm sắp tới, ngành đường sắt đã chính thức mở bán vé tàu Tết Quý Mão 2023 từ ngày 25/10, với nhiều chương trình ưu đãi. Theo ông Thái Văn Truyền, năm nay ngành đường sắt mở bán 176.046 chỗ, tương đương với 356 chuyến tàu. So với Tết năm ngoái, số chỗ tăng 67.000 chỗ, tuy nhiên so với thời điểm trước khi có dịch Covid-19 (dịp Tết năm 2019) lại giảm gần 118.000 vé.

Giá vé đi tàu trong thời gian cao điểm Tết Quý Mão tăng 1-6% (bình quân 4,5%) so với dịp Tết năm trước. Giá vé cao nhất giường nằm tầng 1 chặng TP HCM – Hà Nội là hơn 2,7 triệu đồng/vé và hơn 1,3 triệu đồng/vé ngồi mềm.

Vé tàu Tết 2023 sẽ giảm 5 – 10% cho khách mua trong 10 ngày đầu; sinh viên được giảm thêm 20%. Ngoài ra, khách mua vé khứ hồi được giảm thêm 5%; giảm từ 2% đến 8% giá vé cho tập thể từ 10 người trở lên đi tàu trong dịp thấp điểm,…

Ngoài ra, trong kế hoạch dài hơi, các doanh nghiệp đường sắt sẽ được cơ cấu lại hoạt động. Theo đó, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn dự kiến sẽ hợp nhất thành 1 công ty cổ phần vận tải đường sắt.

Việc hợp nhất sẽ tăng cường tính chuyên môn hoá, tách bạch vận tải hàng hóa và vận tải hành khách, thu hút các thành phần kinh tế khác tham gia, đầu tư vào vận tải hàng hóa, hành khách để khai thác nguồn lực xã hội về tài chính, công nghệ, thị trường và đặc biệt là quản trị. Hơn nữa, việc hợp nhất sẽ hạn chế tối đa cạnh tranh nội bộ, kỳ vọng cải thiện hơn về hiệu quả sản xuất kinh doanh…