VNReport»Kinh tế»Tài chính»Vàng có thể được bán trên Shopee, Lazada,…?

Vàng có thể được bán trên Shopee, Lazada,…?

08:23 - 04/09/2024

Thương mại điện tử là một trong những lĩnh vực tiêu biểu, điển hình của kinh tế số. Nó là hình thức kinh doanh trực tuyến sử dụng nền tảng công nghệ thông tin với sự hỗ trợ của Internet để thực hiện các giao dịch mua bán, trao đổi, thanh toán trực tuyến.

Mặc dù kinh tế thế giới và khu vực Đông Nam Á gặp nhiều biến động suốt thời gian quan, nhưng thương mại điện tử Việt Nam luôn duy trì đà tăng trưởng tích cực, giữ được tốc độ tăng trưởng ấn tượng, thậm chí Việt Nam được ghi nhận có tốc độ phát triển thương mại điện tử dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.

Hiện nay, Việt Nam có trên 14 triệu cửa hàng, 9 nghìn chợ, nhưng xu hướng thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt sau giai đoạn dịch COVID-19.

Theo nguồn tin của Báo điện tử Chính phủ, Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam (EBI 2024) của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, ước tính tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 tăng trên 25% so với năm trước và đạt 25 tỷ USD, trong đó, quy mô bán lẻ hàng hoá trực tuyến đạt 17,3 tỷ USD. Đưa các hoạt động bán buôn, bán lẻ, lên nền tảng thương mại số, thương mại điện tử trở thành xu hướng lớn, chiếm 19,6% tổng doanh thu bán lẻ toàn cầu.

Đặc biệt, thương mại điện tử tại Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ, là một trong những nước có tốc độ phát triển thương mại điện tử nhanh nhất thế giới với trên 20% mỗi năm với sự xuất hiện của nhiều sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, TikTok Shop, Lazada, TiKi,…

Một số sàn thương mại điện tử được ưa chuộng tại Việt Nam

Ngày nay hầu hết mặt hàng bán trên thị trường đều có trên sàn thương mại điện tử.

Nhiều mặt hàng phức tạp trước đây người ta nghĩ chỉ có thể mua trực tiếp nay vẫn bán được trên sàn thương mại điện tử, ví dụ như vàng.

Chia sẻ về các mặt hàng được bày bán trên sàn thương mại điện tử, theo nguồn tin trên Tuổi trẻ online, ông Trần Văn Dũng – phó cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị tại tọa đàm ứng dụng công nghệ phát triển thương mại điện tử do Tập đoàn công nghệ Excedo phối hợp Viện Phát triển dữ liệu và công nghệ số tổ chức ngày 1/9 vừa qua đã khẳng định: “Lý do bởi thương mại điện tử có tốc độ phủ rộng, tiếp cận được rất nhiều đối tượng, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Logistics lại phát triển nhanh, giao hàng nhanh và nhiều tiện lợi khác giúp thương mại điện tử phát triển rất nhanh chóng”.

Tương tự như với vàng, sàn thương mại điện tử sẽ mở ra nhiều cơ hội cho cả người tiêu dùng và nhà cung cấp vàng. Với sự tiện lợi, khả năng so sánh giá và các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, ngày càng nhiều người tiêu dùng chọn mua vàng trực tuyến. Tuy nhiên, để duy trì niềm tin, các sàn thương mại điện tử cần đảm bảo chất lượng sản phẩm và an toàn trong giao dịch như cung cấp giấy chứng nhận chất lượng và nguồn gốc rõ ràng cho sản phẩm, hay có chính sách đổi trả minh bạch để người tiêu dùng có thể yên tâm khi mua sản phẩm.

Thực tế, theo phương thức kinh doanh truyền thống, để quảng bá sản phẩm ra thị trường, người sản xuất thường phải tham gia các hội chợ, triển lãm hoặc chi tiền cho các hoạt động marketing. Trong khi đó, nếu bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, người bán không có giới hạn về không gian và không tốn chi phí quảng bá, người sản xuất có thể dễ dàng đăng tải nhiều hình ảnh, video mô tả sản phẩm và livestream để quảng bá sản phẩm ngay trên nền tảng bán hàng của mình.

Bên cạnh đó, bán hàng trên nền tảng số, các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất cũng có thể tận dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích dữ liệu khách hàng, từ đó dự đoán các xu hướng tiêu dùng của người mua và xây dựng chiến lược marketing phù hợp cho doanh nghiệp của mình. Đồng thời, họ cũng có thể tư vấn và giải đáp thắc mắc cho khách hàng về sản phẩm và dịch vụ, giúp nâng cao trải nghiệm và sự hài lòng của người tiêu dùng.

Do đó, vàng hay các mặt hàng giá trị khác được bày bán trên các sàn thương mại điện tử có thể trở thành xu hướng mới. Đương nhiên, thương mại điện tử cũng bộc lộ một số nhược điểm. Điển hình là vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng. Nhiều đối tượng làm ăn gian dối lợi dụng thương mại điện tử để bán hàng giả, kém chất lượng. Do vậy thương mại điện tử phát triển vừa là thuận lợi vừa là thách thức cho cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và tất cả người tiêu dùng. Để thương mại điện tử phát triển hơn nữa, cần giải quyết các vấn đề về hàng giả, hàng kém chất lượng ảnh hưởng đến cả niềm tin của người tiêu dùng và đơn vị sản xuất.

Theo: https://baochinhphu.vn/toa-dam-phat-trien-thuong-mai-dien-tu-co-hoi-dong-luc-va-thach-thuc-1022408140827479.htm

https://tuoitre.vn/den-vang-cung-co-the-ban-duoc-tren-san-thuong-mai-dien-tu-20240901215058986.htm