VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»“Vàng trắng” mất giá và kế hoạch “đi lùi” của một doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam

“Vàng trắng” mất giá và kế hoạch “đi lùi” của một doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam

15:35 - 22/05/2023

Giá cả hàng hoá, nguyên – nhiên liệu đầu vào trong nước tăng cao và tình trạng thiếu lao động  khai thác mủ cũng là những yếu tố làm ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch được giao của công ty.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 4/2023, Việt Nam xuất khẩu 87.749 tấn cao su với trị giá 121,79 triệu USD. So với tháng 4/2022 dù vẫn tăng 12% về lượng, nhưng giảm 13,9% về trị giá. Đây là tháng có trị giá thấp nhất kể từ tháng 4/2021.

Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 469.632 tấn cao su, đạt 653,22 triệu USD, giảm 3,2% về lượng và giảm 23,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, do giá xuất khẩu cao su liên tục giảm mạnh trong những tháng vừa qua.

Công ty Cổ Phần Cao Su Phước Hòa là một trong các đơn vị có diện tích lớn trong ngành cao su Việt Nam, nằm trong vùng chuyên canh cao su, vị trí trung tâm của vùng cao su Đông Nam Bộ, cách TP Hồ Chí Minh 65km rất thuận lợi về mặt giao thông. Cổ phiếu PHR của công ty chính thức giao dịch tại Sở Giao Dịch Chứng Tp.HCM (HOSE) ngày 18/8/2009.

Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 469.632 tấn cao su, đạt 653,22 triệu USD, giảm 3,2% về lượng và giảm 23,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Theo thông tin đăng tải trên website của Cao su Phước Hòa, công ty có 7 đơn vị trực thuộc, 4 công ty con, 2 công ty liên kết và 8 dự án công ty đã đầu tư dài hạn.

Năm 2023 được đánh giá là một năm khó khăn của toàn nền kinh tế, và ngành cao su nói chung, Cao su Phước Hòa nói riêng không phải là ngoại lệ.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2023 của PHR cho thấy, trong quý 1/2023, PHR ghi nhận sản lượng cao su khai thác đạt 972,19 tấn, bằng 8,69% so với kế hoạch năm và giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng cao su tiêu thụ đạt 5.880 tấn, đạt 17% so với kế hoạch năm và giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá bán cao su bình quân 34,15 triệu đồng/tấn trong khi kế hoạch đề ra với giá bán là 37,96 triệu đồng/tấn.

Doanh thu thuần trong 3 tháng đầu năm của công ty đạt 326,3 tỷ đồng, giảm 10,7% so với cùng kỳ. Giá vốn giảm chậm hơn khiến biên lãi gộp bị co lại từ 15,6% xuống còn 14,2%. Doanh thu tài chính tăng mạnh hơn 38% lên gần 39,5 tỷ đồng

Sau khi trừ chi phí, Cao su Phước Hòa lãi trước thuế 283,6 tỷ đồng quý 1/2023, giảm 21,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi ròng thu về 233,5 tỷ đồng, cũng giảm gần 22% so với quý đầu năm ngoái.

Giải trình lý do lợi nhuận quý 1 vừa qua giảm sâu, PHR cho biết, nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm trong quý đầu năm đến từ việc nhận tiền đền bù dự án VSIP III thấp hơn cùng kỳ. Năm ngoái nhận 291,8 tỷ đồng từ thu nhập khác trong khi năm nay ghi nhận 206 tỷ đồng, thấp hơn 85 tỷ đồng.

Trong quý 2/2023, PHR đặt kế hoạch sản lượng cao su khai thác đạt 2.094 tấn mủ quy khô (tỷ lệ thực hiện 18,7% kế hoạch năm), sản lượng cao su thu mua 1.800 tấn mủ quy khô (tỷ lệ 18% kế hoạch năm), sản lượng cao su chế biến đạt 3.894 tấn mủ quy khô (tỷ lệ 18,36% kế hoạch năm). Sản lượng cao su tiêu thụ đạt 3.186,64 tấn mủ quy khô (tỷ lệ 9,29% kế hoạch năm). Giá bán bình quân 36 triệu đồng/tấn.

Về doanh thu, PHR đặt kế hoạch quý 2, tổng doanh thu công ty mẹ đạt 195 tỷ đồng (10,75% kế hoạch năm). Trong đó, doanh thu kinh doanh cao su là 114,7 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế quý 2 là 75,4 tỷ đồng (bằng 13,73% kế hoạch năm).

Đối với kế hoạch năm 2023, doanh nghiệp này đạt mục tiêu kế hoạch tổng doanh thu công ty mẹ 1.813 tỷ đồng, giảm 17% so với thực hiện 2022. Trong đó, mảng kinh doanh cao su được kỳ vọng mang lại 1.302 tỷ đồng, chiếm 72% tổng doanh thu. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế của công ty dự kiến đạt hơn 519 tỷ đồng, giảm tới 40% so với thực hiện năm trước.

Mặc dù kế hoạch kinh doanh trong năm 2023 của PHR khá thấp nhưng phía Hội đồng quản trị nhận định tình hình thực hiện kế hoạch này gặp nhiều khó khăn do kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, bất ổn làm cho giá bán mủ cao su liên tục sụt giảm và không ổn định. Giá bán bình quân trong quý I đã thấp hơn kế hoạch gần 4 triệu đồng/tấn (kế hoạch 38 triệu đồng/tấn).

Giá cả hàng hoá, nguyên – nhiên liệu đầu vào trong nước tăng cao và tình trạng thiếu lao động  khai thác mủ cũng là những yếu tố làm ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch được giao.

Liên quan đến hoạt động kinh doanh, Báo cáo phân tích CTCP Cao Su Phước Hòa với dự phóng năm 2023 mà Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đưa ra nhận định, doanh thu ước đạt 1.749 tỷ đồng, tăng 2,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ước đạt 528 tỷ đồng, giảm 40,4% so với cùng kỳ.

“Phần thu nhập đền bù từ thương vụ với VSIP sẽ tiếp tục là điểm tựa lợi nhuận của Cao su Phước Hoà trong năm 2023 trong bối cảnh mảng kinh doanh cao su kỳ vọng sẽ có sự cải thiện nhẹ khi tác động của việc Trung Quốc mở cửa đang diễn ra chậm, điều đó có thể khiến giá cao su phục hồi muộn hơn kỳ vọng.

Thêm vào đó, giá cả vật tư đầu vào cũng sẽ hạ nhiệt trong năm nay khi giá cả hàng hóa đã điều chỉnh; mảng chế biến gỗ chưa có tính hiệu phục hồi từ nhu cầu tiêu thụ; mảng kinh doanh đất KCN dự kiến sẽ đi ngang khi Cao su Phước Hoà chỉ ghi nhận diện tích thuê tương đương với năm 2022”, công ty chứng khoán này nhận định.

Trong một diễn biến khác, ngày 28/5 tới đây, PHR sẽ tiến hành Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023. Tại đại hội sắp tới, công ty sẽ trình cổ đông phương án chia cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 59,5%, tức cổ đông sở hữu một cổ phiếu nhận được 5.950 đồng.

Với kế hoạch này, công ty dự kiến sẽ chi hơn 806 tỷ đồng để trả cổ tức, trong đó, công ty đã chi gần 542 tỷ đồng thực hiện tạm ứng cổ tức đợt 1 (tỷ lệ 40%).

Về kế hoạch chia cổ tức năm 2023, doanh nghiệp dự kiến chi trả với tỷ lệ tối thiểu 30% bằng tiền.