VNReport»Kinh tế»Tài chính»VDSC: Chênh lệch lãi suất có thể đẩy tỷ giá USD vượt 24.500 VND

VDSC: Chênh lệch lãi suất có thể đẩy tỷ giá USD vượt 24.500 VND

13:18 - 06/07/2023

Kỳ vọng đồng USD mạnh, đồng nhân dân tệ mất giá và chính sách nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước là những yếu tố gây áp lực cho tỷ giá USD/VND trong nửa cuối năm nay, theo Chứng khoán Rồng Việt.

Chênh lệch lãi suất lớn giữa USD và VND như hiện nay sẽ gây áp lực mất giá lên tiền đồng, theo các nhà phân tích tại Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC).

Trong báo cáo chuyên đề vĩ mô tháng 7, VDSC cho biết chênh lệch lãi suất USD-VND trên thị trường liên ngân hàng đang ở mức cao kỷ lục: cao nhất là 4,4 điểm phần trăm đối với kỳ hạn qua đêm và thấp nhất là 0,6 điểm phần trăm với kỳ hạn 3 tháng. Ở các kỳ hạn từ 3 tháng trở lên, lãi suất VND cao hơn lãi suất USD từ 0,3-1,4 điểm phần trăm.

Các nhà phân tích của VDSC chỉ ra 3 yếu tố có thể gia tăng áp lực mất giá tiền đồng trong 3-6 tháng tới.

Đầu tiên, triển vọng nửa cuối năm của đồng USD được hầu hết các tổ chức tài chính đánh giá là tích cực. Kỳ vọng chung là đồng tiền này sẽ giữ vững ở mức cao nhờ lãi suất hấp dẫn và vai trò trú ẩn an toàn trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn.

Thứ hai, đồng nhân dân tệ mất giá khoảng 5,2% trong nửa đầu năm 2023, sau khi đã mất giá khoảng 8,5% vào năm 2022. Sự phục hồi kinh tế hậu mở cửa của Trung Quốc gây thất vọng và chính sách nới lỏng tiền tệ tiếp diễn trong nửa cuối năm, dẫn đến kỳ vọng rằng đồng nhân dân tệ sẽ mất giá hơn nữa trong năm 2023. Trong khi đó, đồng nhân dân tệ và VND có tương quan chặt chẽ.

Cuối cùng, NHNN đã cắt giảm lãi suất điều hành khá quyết liệt trong nửa đầu năm 2023, nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng cũng ảnh hưởng đến khả năng ổn định tỷ giá. NHNN có thể tiếp tục giảm lãi suất điều hành nếu tăng trưởng kinh tế quý III không cải thiện nhiều.

Với những yếu tố trên, VDSC cho rằng mức xem xét tiếp theo của tỷ giá USD/VND là 24.500. Tỷ giá có thể vượt qua ngưỡng này nếu đồng USD tăng tốc mạnh, nhưng áp lực có thể không mạnh bằng năm ngoái bởi năm nay, Việt Nam sẽ xuất siêu cao kỷ lục, lạm phát có xu hướng giảm và dự trữ ngoại hối đang được tích lũy trở lại.

Nhận xét về tình hình tỷ giá nửa đầu năm, VDSC cho biết tiền đồng khá ổn định dù NHNN liên tục cắt giảm các lãi suất điều hành. Tuy nhiên, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng đã nhích dần lên trong tháng 5 (tăng 0,13% so với tháng 4) và riêng tháng 6 tăng 0,4% so với cuối tháng 5. Trên thị trường phi chính thức, tỷ giá tự do tăng 0,8% trong tháng 6.

Trong cùng khoảng thời gian, chỉ số USD (đo lường sức mạnh của đồng tiền này với một rổ các đồng tiền lớn khác) có 2 nhịp hồi nhẹ, nhưng đỉnh của nhịp hồi thứ hai thấp hơn đỉnh của nhịp hồi thứ nhất. So với đầu năm, chỉ số USD giảm 0,6% so với cuối năm 2022.

Như vậy, chỉ số USD vẫn duy trì sức mạnh khi Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) dần bước vào chặng cuối của chu kỳ tăng lãi suất. Đồng thời, quan điểm về chính sách tiền tệ đang định hình diễn biến của các đồng tiền còn lại.

Việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục thắt chặt tiền tệ giúp đồng euro tăng nhẹ so với USD trong nửa đầu năm, dù Khu vực đồng euro được xác nhận đã rơi vào suy thoái kỹ thuật.

Tại châu Á, lập trường duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng của các ngân hàng trung ương Trung Quốc và Nhật Bản đã khiến đồng tiền của hai quốc gia này tiếp tục mất giá lần lượt 5% và 9,3% so với USD trong nửa đầu năm.