VNReport»Kinh tế»VEPR dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,5-6,5% năm 2023

VEPR dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,5-6,5% năm 2023

07:56 - 23/06/2023

Trong kịch bản dễ xảy ra nhất, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6% trong năm 2023.

Ngày 22/6, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức hội thảo công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2023. Nhóm nghiên cứu của VEPR đề xuất 3 kịch bản tăng trưởng cho năm 2023, dựa trên dữ liệu của Tổng cục Thống kê.

Ở kịch bản thứ nhất, GDP tăng trưởng 6% và CPI bình quân cả năm khoảng 4%. Đây là kịch bản dễ xảy ra nhất khi các yếu tố bên ngoài: xung đột Nga-Ukraine, đà giảm tốc của kinh tế Trung Quốc, Mỹ cũng như các đối tác thương mại lớn của Việt Nam không có nhiều tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam. Chính sách tài khóa và tiền tệ được điều hành linh hoạt, phù hợp, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định.

Kịch bản thứ hai là tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,5% và CPI bình quân cả năm khoảng 4,2%. Kịch bản này có thể xảy ra khi kinh tế thế giới diễn biến tích cực, nhưng khả năng thấp. Việc mở cửa kinh tế của Trung Quốc là cú hích quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu. Các đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam phục hồi kinh tế và các chính sách điều hành nhanh chóng có hiệu quả.

Tình hình tiêu cực hơn ở kịch bản thứ ba, cũng có xác suất thấp, với tốc độ tăng trưởng GDP chỉ ở mức 5,5% và CPI bình quân cả năm khoảng 3,5%. Dù khó xảy ra nhưng nếu xung đột địa chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp hơn, sẽ không chỉ cản trở tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những tháng còn lại của năm 2023 mà còn gây hệ lụy tiêu cực cho kinh tế trong trung hạn.

VEPR nhận định nền kinh tế Việt Nam chưa có tính tự chủ cao.

VEPR nhận định nền kinh tế Việt Nam chưa có tính tự chủ cao.

Báo cáo năm nay của VEPR có thông điệp lớn nhất là nền kinh tế Việt Nam chưa có tính tự chủ cao, dẫn đến hoạt động kinh tế trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các diễn biến bên ngoài. Do vậy, cần tăng cường tính liên kết và chú trọng giải pháp phát triển doanh nghiệp một cách thực chất và bền vững.

Để đạt được mục tiêu này, các chuyên gia gợi ý một số giải pháp cả trong ngắn hạn cũng như trung-dài hạn.

Trong ngắn hạn, các cơ quan nhà nước cần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận với thông tin về chính sách và quy định. Cần hướng dẫn thực hiện rõ ràng các chính sách hỗ trợ với những tiêu chí cụ thể đánh giá kết quả thực hiện chính sách.

Cơ quan chức năng cần quan tâm giải quyết các khó khăn tài chính cho doanh nghiệp. Ví dụ như tiếp tục hỗ trợ giãn nộp thuế phí cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19, thực hiện chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong năm 2023, bổ sung chính sách hỗ trợ trả lương cho người lao động và bảo hiểm xã hội.

Tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, bao gồm cho phép cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cần sửa đổi điều kiện cho vay để triển khai gói vay hỗ trợ lãi suất 2% hiệu quả hơn.

VEPR cũng khuyến nghị đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thông qua chuyển đổi số và nâng cao hiệu quả thực thi của bộ máy chính quyền.

Trong trung và dài hạn, VEPR khuyến nghị Việt Nam nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo công nhân kỹ thuật chuyên sâu.

Việt Nam hiện là thành viên của 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực. Đây là cơ hội lớn mà Việt Nam cần tận dụng thông qua khơi thông các chính sách liên quan đến quy tắc xuất xứ.

Hạ tầng logistics và thủ tục hành chính liên quan cần được cải thiện để tạo thuận lợi cho hoạt động vận tải và xuất nhập khẩu, đặc biệt đối với nông thủy sản.

Tiếp tục rà soát, điều chỉnh chính sách ưu đãi đầu tư để thu hút làn sóng đầu tư chất lượng cao và đầu tư vào công nghiệp phụ trợ

Tạo cơ chế thúc đẩy, hỗ trợ kinh tế số và phát tiển thị trường nội địa, nội ngành.

Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với trọng tâm là cải cách về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.