VNReport»Kinh tế»Tài chính»Vì sao các ngân hàng liên tục tăng lãi suất tiền gửi?

Vì sao các ngân hàng liên tục tăng lãi suất tiền gửi?

15:36 - 06/12/2024

Thời điểm cuối năm, nhiều ngân hàng có động thái tăng lãi suất gửi tiết kiệm, thậm chí có ngân hàng còn áp dụng mức cao nhất đến 6,35%/năm. Vì sao các ngân hàng lại liên tục tăng lãi suất tiền gửi?

Lãi suất tiết kiệm tăng dịp cuối năm

Theo đó, đầu tháng 12, một loạt các ngân hàng nhỏ có động thái điều chỉnh tăng lãi suất huy động, mức tăng từ 0,1 đến 0,3 điểm %/năm.

Cụ thể, Indovina Bank (IVB) cũng đã tăng lãi suất huy động lên mức cao nhất 6,5%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 24-36 tháng. Đây là mức lãi suất tiền gửi cao nhất hiện nay theo niêm yết chính thức của ngành ngân hàng.

GPBank cũng đẩy lãi suất huy động cao nhất lên 6,35%/năm. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 và 2 tháng lần lượt được niêm yết tại mức lãi suất 3,7%/năm và 4,2%/năm. Trong khi đó, ở kỳ hạn 12 tháng – mốc thường được nhiều ngân hàng lấy làm hệ quy chiếu cho lãi suất cho vay – nhà băng này niêm yết tại 6,25%/năm.

OceanBank – ngân hàng mới đây được chuyển giao về MB đã áp dụng mức 4,3%/năm cho kỳ hạn dưới 1 tháng, kỳ hạn 3 tháng lãi suất 4,6%/năm.

TPBank cũng góp mặt trong danh sách này khi tăng lãi suất huy động thêm 0,2 điểm %/năm đối với kỳ hạn 1-3 tháng và 0,1%/năm đối với các kỳ hạn còn lại. ABBank cũng là ngân hàng có điều chỉnh lãi suất tăng, dù chỉ tăng nhẹ 0,1%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn 3 và 12 tháng.

Thông thường, cuối năm là thời điểm nhiều ngân hàng điều chỉnh lãi suất tăng. Từ tháng 11, có 11 ngân hàng tăng lãi suất. Hầu hết ngân hàng đều đang trả lãi suất từ 5,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng nhưng đa phần là ngân hàng quy mô vừa, nhỏ.

Đầu tháng 12, một loạt các ngân hàng nhỏ có động thái điều chỉnh tăng lãi suất

Lý giải cho tình trạng này, các chuyên gia cho rằng, cuối năm là thời điểm nhu cầu cho vay tăng mạnh nên ngân hàng phải đẩy mạnh lãi suất để huy động vốn. Hơn nữa, so với các kênh đầu tư thiếu bền vững và rủi ro khác, người dân cũng có xu hướng gửi tiền vào ngân hàng.

Bên cạnh đó, không loại trừ khả năng một số ngân hàng thương mại gần đây có thể sẽ chủ động tăng lãi suất cho vay ở một số phân khúc khách hàng để đảm bảo thanh khoản vào cuối năm.

Việc ngân hàng liên tục tăng lãi suất tiền gửi có tác động mạnh mẽ đến quản lý tài chính cá nhân dịp cuối năm của người tiêu dùng.

Với những ai đã có khoản tiền tiết kiệm ở ngân hàng, lãi suất tăng đồng nghĩa với việc số tiền lãi mà bạn nhận được từ các khoản tiền gửi tiết kiệm này cũng tăng theo. Trong trường hợp này, bạn có thể tận dụng cơ hội để đầu tư vào các kênh sinh lời khác hoặc tăng cường quỹ dự phòng cho những trường hợp khẩn cấp.

Hơn nữa, lãi suất tăng có thể trở thành động lực để nhiều người tăng cường tiết kiệm hơn, hình thành thói quen chi tiêu hợp lý cũng như xây dựng một nền tảng tài chính vững chắc cho tương lai.

Có nên gửi tiết kiệm dịp cuối năm không?

Trong bối cảnh lạm phát, tăng lãi suất giúp bảo vệ giá trị thực của đồng tiền bạn gửi tiết kiệm. Do đó, gửi tiết kiệm vào thời điểm này sẽ giúp bạn tối đa hoá lợi nhuận nhàn rỗi. Tuy nhiên, có nên gửi tiết kiệm hay không, ngoài lãi suất thì còn phụ thuộc vào nhiều vào mục tiêu tài chính. Nếu bạn có mục tiêu ngắn hạn như mua sắm Tết, thì gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn là lựa chọn phù hợp. Ngược lại, trong trường hợp bạn có mục tiêu dài hạn như mua nhà, bạn có thể cân nhắc gửi tiết kiệm kỳ hạn dài để hưởng lãi suất cao hơn.

Bên cạnh đó, cũng có thể cân nhắc các kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng, bất động sản để đa dạng hóa danh mục đầu tư và tăng cơ hội sinh lời.

Nhìn chung nếu có kế hoạch chi tiêu rõ ràng, gửi tiết kiệm vẫn là một lựa chọn tốt để bảo toàn và tăng trưởng số tiền của bạn. Tuy nhiên, dù là ở thời điểm nào, hãy tìm hiểu kỹ về các sản phẩm tiết kiệm của các ngân hàng để lựa chọn được gói sản phẩm phù hợp nhất, đảm bảo số tiền của mình được sử dụng hiệu quả.

https://dantri.com.vn/kinh-doanh/vi-sao-cac-ngan-hang-lien-tuc-tang-lai-suat-tien-gui-20241204145000730.htm?utm_source=coccoc&utm_medium=ccnews