VNReport»Công nghệ»Thiết bị»Việc mở cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam cho thấy chiến lược kinh doanh của Apple

Việc mở cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam cho thấy chiến lược kinh doanh của Apple

07:37 - 20/05/2023

Nhà sản xuất iPhone đang chú ý nhiều hơn đến các thị trường mới nổi để tăng trưởng doanh số.

Ngày 18/5, Apple mở cửa hàng trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam. Điều này – cùng với một số động thái khác gần đây – cho thấy nhà sản xuất iPhone đang tăng cường mở rộng kinh doanh tại các thị trường mới nổi.

Trong bối cảnh doanh số bán hàng ở các nước giàu đã bão hòa, và tình hình kinh doanh ở Trung Quốc chậm lại, Apple đang để mắt nhiều hơn đến những thị trường mới nổi – nơi tỷ lệ sử dụng iPhone còn tương đối thấp.

Giao diện cửa hàng Apple trực tuyến tại Việt Nam.

Giao diện cửa hàng Apple trực tuyến tại Việt Nam.

Tháng trước, đại gia công nghệ Mỹ đã mở 2 cửa hàng ngoại tuyến đầu tiên ở Ấn Độ, đặt tại Mumbai và Delhi. Trước đó, Apple từng ra mắt cửa hàng trực tuyến tại Ấn Độ vào năm 2020.

Những thị trường như Ấn Độ và Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng cao cho Apple, với dân số trẻ và thu nhập đang tăng nhanh.

Trong báo cáo tài chính quý I, dù doanh thu toàn công ty giảm, nhưng doanh thu iPhone tăng lên mức kỷ lục. Điều này là nhờ nhu cầu mạnh mẽ ở các thị trường mới nổi tại châu Á, châu Mỹ Latinh và Trung Đông, theo Giám đốc tài chính Luca Maestri.

Thị trường Ấn Độ – với dân số 1,4 tỷ người – đang thu hút sự chú ý đặc biệt của Apple. Vào tháng trước, CEO Tim Cook cho biết: “Những gì tôi thấy ở Ấn Độ là rất nhiều người bước vào tầng lớp trung lưu và tôi hy vọng rằng chúng tôi có thể thuyết phục một số người trong số họ mua iPhone”.

Không chỉ là thị trường tiêu thụ tiềm năng, Ấn Độ cũng đang trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của Apple. Sản lượng sản xuất iPhone tại Apple tăng 3 lần trong năm tài chính vừa qua, hiện chiếm 7% tổng sản lượng iPhone toàn cầu. Công ty đặt mục tiêu sản xuất 25% iPhone của mình tại Ấn Độ vào năm 2025. Các đối tác sản xuất của Apple như Foxconn đang lên kế hoạch mở rộng cơ sở tại nước này.

Tương tự, Việt Nam cũng là một địa điểm sản xuất mà Apple đang tăng cường đầu tư để đa dạng hóa ra ngoài Trung Quốc. Năm ngoái, báo Nikkei Asia đưa tin rằng Apple lên kế hoạch chuyển sản xuất các sản phẩm gồm iPad, Apple Watch và MacBook từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Gần đây, Foxconn cũng có những động thái để mở rộng năng lực sản xuất tại Việt Nam. Đối tác sản xuất lớn nhất của Apple công bố vào tháng 2 việc thuê 45 ha đất ở Khu công nghiệp Quang Châu, Bắc Giang. Tháng này, nguồn tin của AFP cho biết Foxconn thuê 48 ha đất ở Nghệ An.

Apple mở rộng hệ thống phân phối tại các thị trường mới nổi cùng lúc với việc dịch chuyển sản xuất đến những nước này.

Apple mở rộng hệ thống phân phối tại các thị trường mới nổi cùng lúc với việc dịch chuyển sản xuất đến những nước này.

Khi tăng cường sản xuất tại Ấn Độ và Việt Nam, bước đi hợp lý tiếp theo của Apple rõ ràng là mở rộng hệ thống phân phối tại những thị trường này.

Theo Statista, tính đến tháng 8/2022, thị phần iPhone ở Việt Nam là khoảng 30%, thấp hơn nhiều so với mức 57% ở Mỹ. Trong khi đó, ở Ấn Độ, thị phần điện thoại của Apple chỉ khoảng 3,5%. Điều này nghĩa là Apple còn rất nhiều dư địa để tăng doanh số điện thoại của mình.

Việc những chiếc iPhone cũ được hỗ trợ tốt cho phép Apple tiếp cận nhiều hơn vào phân khúc giá rẻ trong những năm gần đây, khi mà những mẫu iPhone mới nhất vẫn có giá quá cao so với thu nhập của nhiều người.

Quy mô nền kinh tế số ở các thị trường mới nổi cũng đang bùng nổ, là cơ hội cho Apple tăng doanh thu mảng dịch vụ, đặc biệt nếu công ty bán được nhiều thiết bị hơn. Theo một báo cáo năm 2022 do Google, Temasek và Bain & Company công bố, tốc độ tăng trưởng kinh tế Internet của Việt Nam dự kiến lên tới hơn 40%. Theo đó, quy mô nền kinh tế số tại nước ta dự báo lên tới 50 tỷ USD vào năm 2025, từ mức 23 tỷ USD năm 2022.