VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Việt Nam áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép từ Trung Quốc

Việt Nam áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép từ Trung Quốc

17:18 - 24/02/2025

Việt Nam là thị trường xuất khẩu thép lớn nhất của Trung Quốc. Quyết định áp thuế chống bán phá giá được đưa ra khi các nhà sản xuất thép Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu vì thị trường nội địa suy thoái.

Việt Nam sẽ áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép từ Trung Quốc, theo chân các nước khác đã có những hành động chống lại lượng thép tăng vọt từ nước sản xuất lớn nhất thế giới.

Ngày 21/2, Bộ Công Thương cho biết sẽ áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) từ ngày 8/3.

Việt Nam là thị trường xuất khẩu thép lớn nhất của Trung Quốc và HRC là một sản phẩm xuất khẩu chính của họ.

Năm ngoái, Trung Quốc xuất khẩu nhiều thép nhất trong 9 năm qua, khi các nhà sản xuất của nước này chuyển hướng sang nước ngoài vì ngành xây dựng trong nước suy thoái.

Một số quốc gia đã có những biện pháp hạn chế đối với thép Trung Quốc. Tuần trước, Hàn Quốc – nước nhập khẩu thép Trung Quốc nhiều thứ hai – quyết định áp thuế chống bán phá giá sơ bộ 38% đối với tấm thép từ Trung Quốc. Năm ngoái, Brazil áp thuế quan bổ sung 25% đối với các sản phẩm sắt thép từ Trung Quốc. Ấn Độ cũng đã cân nhắc thuế 25%.

Mỹ dự kiến sẽ áp thuế 25% đối với tất cả thép nhập khẩu từ đầu tháng tới. Nước này đã áp thuế bổ sung 10% đối với tất cả hàng hóa từ Trung Quốc hồi đầu tháng này.

Làn sóng bảo hộ sẽ gây áp lực khiến Bắc Kinh kiềm chế ngành công nghiệp thép trị giá hàng tỷ tấn của mình sau nhiều năm nhu cầu trong nước chậm lại. Giá hợp đồng thép tương lai tại Trung Quốc giảm tới 1,8%, trong khi cổ phiếu của các nhà sản xuất thép tại Việt Nam tăng

Thuế chống bán phá giá tạm thời của Việt Nam từ 19,38% đến 27,83% sẽ kéo dài trong 120 ngày. Theo dữ liệu hải quan Việt Nam, Việt Nam đã nhập khẩu 12,6 triệu tấn HRC từ Trung Quốc trong năm ngoái, tăng 1/3 so với năm 2023. Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, nước này đã xuất khẩu sang Việt Nam 12,7 triệu tấn thép trong năm ngoái, tăng hơn 40% so với năm 2023.

Các công ty phải chịu mức thuế cao nhất 27,83% bao gồm Baoshan Iron & Steel và Maanshan Iron & Steel.

Cuộc điều tra chống bán phá giá được khởi xướng bởi Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất và Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa. Năm ngoái, 2 nhà sản xuất thép lớn này đã yêu cầu điều tra hàng nhập khẩu từ Ấn Độ và Trung Quốc. Ngày 21/2, Bộ Công Thương cho biết sẽ không đánh thuế đối với Ấn Độ vào thời điểm này.