VNReport»Sự kiện & Bình luận»Trong nước»Việt Nam áp thuế chống bán phá giá với vật liệu hàn nhập khẩu

Việt Nam áp thuế chống bán phá giá với vật liệu hàn nhập khẩu

12:19 - 22/08/2022

Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 1624/QĐ-BCT áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm vật liệu hàn có xuất xứ từ Malaysia, Vương quốc Thái Lan và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Theo đó, mức thuế chống bán phá giá chính thức được áp dụng đối với 3 nước nói trên từ 11,43% đến 36,56%. Cụ thể, hàng hóa bị áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức bao gồm que hàn inox 308 có bọc thuốc được phân loại theo mã HS 8311.10.90, 8311.30.99, 8311.90.00 và dây hàn thép đặc không lõi thuốc được phân loại theo các mã HS 7217.10.10, 7217.30.19, 7217.90.10, 7229.20.00, 7229.90.20, 7229.90.99, 8311.10.10, 8311.10.90, 8311.10.90, 8311.30.91, 8311.30.99, 8311.90.00.

Thời gian áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức là 5 năm kể từ ngày Quyết định 1624/QĐ-BCT chính thức có hiệu lực (ngày 20/8/2022).

Một số sản phẩm vật liệu hàn có xuất xứ từ Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc sẽ bị áp dụng mức thuế chống bán phá giá

Trước đó, vào cuối năm 2019, Bộ Công Thương đã tiếp nhận đầy đủ, hợp lệ Hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với các sản phẩm vật liệu hàn có xuất xứ từ có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia từ các công ty đại diện cho ngành sản xuất trong nước. Bên yêu cầu trong vụ việc này là Công ty Cổ phần Tập đoàn Kim Tín.

Đến tháng 3/2021, Bộ Công Thương chính thức tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm vật liệu hàn có xuất xứ từ 3 thị trường Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia. Trong quá trình điều tra, Bộ Công Thương đã thực hiện theo đúng quy định của Luật Quản lý ngoại thương và các quy định liên quan cũng như Hiệp định Chống bán phá giá của Tổ chức Thương mại thế giới.

Cùng với đó, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét và đánh giá kỹ lưỡng tác động của hành vi bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu đối với hoạt động của ngành sản xuất trong nước và mức độ bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc. Mặt khác, Bộ cũng xem xét, tính toán tác động đối với các ngành sản xuất hạ nguồn và người tiêu dùng sử dụng hàng hóa bị điều tra.

Kết quả điều tra cho thấy trong thời kỳ điều tra, lượng hàng hóa bị điều tra nhập khẩu từ Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc gia tăng cả về tuyệt đối và tương đối so với tổng lượng tiêu thụ nội địa và lượng sản xuất của ngành sản xuất trong nước. Đây là nguyên nhân chính gây ra thiệt hại đáng kể đối với ngành sản xuất trong nước.

Bộ Công Thương cho biết hiện nay, công suất của ngành sản xuất trong nước với sản phẩm que hàn inox và dây hàn lần lượt là 6.000 tấn và 66.000 tấn, hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu sử dụng trong nước. Hơn nữa, ngành vật liệu hàn là ngành công nghiệp hỗ trợ đang được khuyến khích và ưu tiên phát triển theo Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 6/8/2020 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan theo dõi tác động của biện pháp phòng vệ thương mại, tình hình sản xuất, cung-cầu, giá cả…để đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng, thuận lợi cho các ngành sản xuất theo đúng quy định.