VNReport»Sự kiện & Bình luận»Trong nước»Việt Nam có 6 trường đại học trong top 500 châu Á

Việt Nam có 6 trường đại học trong top 500 châu Á

13:30 - 04/11/2021

11 trường đại học ở Việt Nam góp mặt trong Bảng xếp hạng Đại học Châu Á QS 2022, trong đó có 6 trường trong top 500.

6 trường đại học ở Việt Nam lọt vào danh sách 500 trường hàng đầu ở châu Á năm 2022 bởi tổ chức nghiên cứu giáo dục đại học toàn cầu Quacquarelli Symonds (QS).

Việt Nam có 11 đại diện góp mặt trong Bảng xếp hạng Đại học Châu Á QS 2022. Tất cả đều có mặt trong bảng xếp hạng của năm ngoái. Năm nay, 5 trường tăng bậc, 3 trường giảm và 3 trường giữ nguyên vị trí.

Đại học Tôn Đức Thắng đứng đầu trong số các trường Việt Nam, xếp hạng 142.

Đại học Tôn Đức Thắng đứng đầu trong số các trường Việt Nam, xếp hạng 142.

Trong số 11 trường, Đại học Tôn Đức Thắng ở TP HCM xếp hạng cao nhất với vị trí thứ 142, tăng từ vị trí thứ 163 của năm ngoái và vị trí thứ 207 năm 2020. Đại học Quốc gia Hà Nội xếp thứ 147, tăng 13 bậc; tiếp theo là Đại học Quốc gia TP HCM thứ 179, giảm 21 bậc.

Đại học Duy Tân ở Đà Nẵng có sự cải thiện rõ rệt, leo từ nhóm 351-400 lên hạng 210 trong khi Đại học Bách khoa Hà Nội tăng từ nhóm 301-350 lên 281-290. Một trường khác ở miền Trung là Đại học Huế đứng trong nhóm 401-450. Đại học Cần Thơ và Đại học Đà Nẵng đều nằm trong nhóm 501-550.

Các trường đại học của Việt Nam còn lại trong bảng xếp hạng năm 2022 là Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Kinh tế TP HCM trong nhóm 551-600, và Đại học Công nghiệp TP HCM trong nhóm 601-650.

Với 687 trường, bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu châu Á năm 2022 là danh sách lớn nhất cho đến nay, theo QS. Đại học Quốc gia Singapore duy trì vị trí dẫn đầu năm thứ 3 liên tiếp. Tiếp theo là Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc), Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) và Đại học Hong Kong.

Được công bố hàng năm kể từ 2009, Bảng xếp hạng Đại học Châu Á của QS đánh giá các trường đại học hàng đầu trong khu vực sử dụng 11 chỉ số: danh tiếng học thuật (30%), danh tiếng với nhà tuyển dụng (20%), tỷ lệ giảng viên/sinh viên (10%), mạng lưới nghiên cứu quốc tế (10%), số trích dẫn trên mỗi bài báo (10%), số bài báo trên mỗi giảng viên (5%), nhân viên có bằng tiến sĩ (5%), tỷ lệ giảng viên quốc tế (2,5%), tỷ lệ sinh viên quốc tế (2,5%), tỷ lệ sinh viên trao đổi đến (2,5%) và tỷ lệ sinh viên trao đổi đi (2,5%).

18 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á có trường trong danh sách năm nay. Nước có nhiều đại diện nhất là Trung Quốc đại lục (126 trường đại học được xếp hạng), tiếp theo là Ấn Độ (118), Nhật Bản (108), Hàn Quốc (88), Pakistan (47), Đài Loan (46), Malaysia (36), Indonesia (33), Thái Lan (23), Philippines (15), Việt Nam (11), Hong Kong (9), Sri Lanka (6), Singapore (3), Brunei (2), Macau (2) và Mông Cổ (1).